Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi: "Siết" việc ngân hàng bán bảo hiểm

Theo dự thảo sửa đổi, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Quốc hội làm việc ngày 15/1. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Quốc hội làm việc ngày 15/1. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chiều nay, 15/1, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Báo cáo giải trình trước Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6). Dự thảo luật đã hiệu chỉnh 10 nội dung lớn của dự thảo Luật.

Một trong những nội dung đáng lưu ý là Điều 113 và nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này, trong đó đề nghị cân nhắc việc cho phép ngân hàng làm đại lý bảo hiểm. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “không cho phép các tổ chức tín dụng liên kết với các công ty bảo hiểm, giao cho nhân viên ngân hàng vận động khách hàng mua bảo hiểm”. Có ý kiến đề nghị cần phải luật hóa việc xử lý đối với các hành vi vi phạm với nhân viên của các tổ chức tín dụng, ngân hàng ép người dân phải mua bảo hiểm khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 113 và tương tự tại các điều tương ứng với từng loại hình tổ chức tín dụng như sau: “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.”

Về giới hạn cấp tín dụng (Điều 136), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh có ý kiến đề nghị quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan theo lộ trình cụ thể đồng thời giao Chính phủ quy định lộ trình này. Có ý kiến đề nghị cân nhắc giữ nguyên quy định hiện hành.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình cụ thể tại khoản 1 Điều 136 dự thảo Luật với thời hạn giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029 nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng điều chỉnh các quy định về tổ chức, quản trị điều hành của tổ chức tín dụng (Chương IV), vấn đề dự phòng rủi ro (Điều 147); về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng (Chương X); về xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt (Chương XI), về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm (Chương XII)…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục