Phóng viên TTXVN tại Cairo dẫn phát biểu của báo cáo viên Ủy ban sửa đổi hiến pháp Ai Cập Gaber Nassar tại cuộc họp báo ngày 16/11, cho biết bản dự thảo hiến pháp đầu tiên của nước này sẽ được công bố vào ngày 19/11 sau khi tất cả các vấn đề tranh cãi về các điều khoản liên quan đến quân đội và các cơ quan tư pháp được giải quyết ổn thỏa.
Ông Nassar cho biết hiện các thành viên Ủy ban sửa đổi hiến pháp gồm 50 người vẫn tranh cãi về việc xét xử dân thường tại các tòa án quân sự và đã bác bỏ đề xuất luật hóa nội dung này trong một bộ luật mới quy định về thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự.
Dự kiến, các bên sẽ sớm đạt được thỏa hiệp nhằm giải quyết bất đồng liên quan đến việc định nghĩa các "cơ sở quân sự." Theo đó, tòa án quân sự chỉ có thẩm quyền xét xử các hành vi tấn công nhằm vào các tòa nhà, doanh trại, phương tiện và binh sỹ đang làm nhiệm vụ, chứ không phải các cơ sở như khách sạn và câu lạc bộ thuộc sở hữu của quân đội.
Bản Hiến pháp do phe Hồi giáo soạn thảo và thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân hồi tháng 12/2012 đã bị quân đội đình chỉ trong cuộc đảo chính ngày 3/7 vừa qua. Ủy ban sửa đổi hiến pháp được Tổng thống lâm thời Atly Mansour bổ nhiệm, với thành phần áp đảo bao gồm các đại diện của các lực lượng tự do và cánh tả. Đây là lần thứ 3 trong vòng chưa đầy 3 năm, Ai Cập tiến hành sửa đổi Hiến pháp.
Lộ trình chuyển tiếp chính trị được Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah el-Sissi công bố hôm 3/7 gồm 3 giai đoạn: Sửa đổi và thông qua Hiến pháp mới; tổ chức cuộc bầu cử quốc hội và tiếp đó là cuộc bầu cử tổng thống.
Dự kiến, cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12 này hoặc đầu tháng 1/2014. Trong khi đó, cuộc bầu cử tổng thống dự kiến sẽ diễn ra trước mùa Hè tới.
Trong một diễn biến khác, ngày 16/11, Hội đồng tư vấn nhà nước trực thuộc Tòa án Hành chính tối cao Ai Cập đã đưa ra đề nghị giải tán và phong tỏa tài sản của Đảng Tự do và Công lý (FJP) - nhánh chính trị thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB).
Theo Hội đồng trên, FJP được thành lập trên cơ sở tôn giáo, vi phạm điều khoản của Tuyên bố hiến pháp công bố tháng 7/2012. Cuộc "cách mạng" vừa lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Mohamed Morsi thuộc MB trên thực tế đã loại trừ đảng này và vấn đề còn lại chỉ là các thủ tục pháp lý.
Khuyến nghị của Hội đồng tư vấn nhà nước không mang tính chất ràng buộc song thường có ảnh hưởng nhất định đến các phán quyết của tòa án.
Trước đó, ngày 7/10, Cơ quan Tư vấn Nhà nước (SCA) - thể chế có chức năng tư vấn và đại diện pháp lý cho Chính phủ Ai Cập - cũng đề nghị giải tán FPJ. Theo SCA, quyết định tháng 6/2011 của Ủy ban các vấn đề chính đảng thuộc Bộ Đoàn kết xã hội cho phép FPJ thành lập chính đảng theo đề nghị của Chủ tịch đảng này, ông Saad El- Katatni là không hợp lệ. Do vậy, mọi vấn đề liên quan đến quyết định này không hợp lệ.
Một tòa án Ai Cập ngày 23/9 cũng đã ra lệnh cấm mọi hoạt động của MB, đồng thời yêu cầu phong tỏa tài sản của tổ chức này. Lệnh cấm của tòa án cũng được áp dụng đối với "bất cứ thực thể nào là phân nhánh hoặc trực thuộc MB." Mới đây, Chính phủ lâm thời Ai Cập đã thành lập một ủy ban để thực hiện việc phong tỏa và quản lý tài sản của MB./.