Dự thảo chiến lược mới của Liên minh châu Âu trong quan hệ với Nga

Đề xuất của ALDE kêu gọi thiết lập một chiến lược hợp tác của EU đối với Nga nhằm cho phép Brussels khôi phục cấu trúc an ninh của châu Âu và mở rộng mối quan hệ song phương với Moskva.
Dự thảo chiến lược mới của Liên minh châu Âu trong quan hệ với Nga ảnh 1Hội nghị thượng đỉnh Nga-EU năm 2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 28/2, một dự thảo chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) đối với nước Nga đã được công bố tại Hội nghị về mối quan hệ giữa EU và Nga, được tổ chức bởi Liên minh tự do và dân chủ châu Âu (ALDE).

Đề xuất của ALDE kêu gọi thiết lập một chiến lược hợp tác của EU đối với Nga nhằm cho phép Brussels khôi phục cấu trúc an ninh của châu Âu và mở rộng mối quan hệ song phương với Moskva.

Trình bày tài liệu trước Nghị viện châu Âu, lãnh đạo của ALDE Guy Verhofstadt tuyên bố rằng EU phải tìm ra một phương thức để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay với Nga. Tuy nhiên ông cảnh báo rằng một chiến lược mới phải được hình thành trên nguyên tắc "có điều kiện và không lẫn lộn với một chính sách xoa dịu."


[Nga khôi phục hợp tác kinh tế với phần lớn các nước trong EU]

Ông Verhofstadt tuyên bố trong tình hình hiện nay, với việc các cuộc tiếp xúc chính thức ở cấp độ EU vẫn đang bị đóng băng nhằm đáp trả hành động của Nga sáp nhập Bán đảo Crimea và một vài nước thành viên tiếp tục ủng hộ các cuộc tiếp xúc song phương tích cực với Moskva là không nằm trong lợi ích của EU. Liên minh châu Âu cần phải định hình lại chính sách của mình và tái tập trung các nỗ lực ngoại giao trên nguyên tắc cam kết có điều kiện.

Nguyên tắc cam kết có điều kiện mà ALDE đưa ra bao gồm tăng cường các mối quan hệ kinh tế giữa EU và Nga trên cơ sở các tiến bộ đạt được trong các vấn đề chủ chốt về an ninh và chính trị.

Các tác giả của dự thảo đã gắn việc nối lại các cuộc thảo luận đang bị "treo" về tạo thuận lợi cấp thị thực và tạo ra một khu vực kinh tế chung của Lisbon tại Vladivostok với việc phía Nga phải tôn trọng luật pháp quốc tế và các nguyên tắc dân chủ.

Quan hệ EU-Nga đã chính thức "đóng băng" kể từ tháng 3/2014 sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea dẫn đến việc châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề lên Moskva./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục