Dư nợ vay của Hà Nội không được vượt quá 60% số thu ngân sách

Dự thảo Nghị định quy định mức dư nợ vay của thành phố Hà Nội không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Dư nợ vay của Hà Nội không được vượt quá 60% số thu ngân sách ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 20/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.

Ban hành Nghị quyết thay Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án

Tờ trình dự án Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án đã nêu rõ sự cần thiết ban hành Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, thay thế Pháp lệnh 2009 để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật; khắc phục vướng mắc, bất cập hiện nay như một số quy định mức án phí, lệ phí Tòa án không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho việc thực hiện; chưa quy định một số trường hợp không phải nộp, được giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện; chưa quy định chế độ thu, nộp, quản lý án phí, lệ phí Tòa án, tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện...

Nội dung dự thảo Pháp lệnh bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật phí và lệ phí, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật thi hành án dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật phá sản; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; bảo đảm tính khả thi, cải cách hành chính, bảo đảm quyền tiếp cận công lý của người dân, không tạo gánh nặng tài chính, “rào cản kỹ thuật” hạn chế quyền được đề nghị Tòa án bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân...

Dự thảo Pháp lệnh gồm 6 chương, 48 Điều.

So với Pháp lệnh năm 2009, dự thảo Pháp lệnh quy định bổ sung lệ phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài để bảo đảm đúng quy định tại Luật phí và lệ phí (khoản 8 Điều 4, Điều 44 dự thảo Pháp lệnh); bổ sung án phí hành chính, dân sự theo thủ tục rút gọn để phù hợp với Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính (khoản 1 Điều 3, khoản 2 Điều 6 dự thảo Pháp lệnh); quy định trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí phù hợp với Bộ luật tố tụng dân sự (khoản 1 Điều 11 dự thảo Pháp lệnh); bổ sung các trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, án phí, lệ phí Tòa án để phù hợp với Luật phí và lệ phí (khoản 1, khoản 2 Điều 12 dự thảo Pháp lệnh); quy định lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phù hợp với Luật phá sản (Điều 40 dự thảo Pháp lệnh); quy định trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí phù hợp với Bộ luật tố tụng hình sự (khoản 1 Điều 11 dự thảo Pháp lệnh)...

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Pháp lệnh mà Chính phủ trình. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, Luật Phí, lệ phí mới ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2017 cùng với đó phải ban hành kèm theo danh mục án phí, lệ phí Tòa án và có hiệu lực cùng với thời điểm Luật có hiệu lực.

Luật Phí và lệ phí cũng quy định bãi bỏ hiệu lực của các Pháp lệnh, giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể. Do đó, không cần thiết ban hành Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, mà chỉ cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về vấn đề này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đồng tình và cho rằng hoàn chỉnh Pháp lệnh này thành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhưng vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình với Quốc hội có trong chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nội dung này nên cần báo cáo với Quốc hội là phiên họp này đã ban hành Nghị quyết thay thế Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết thay vì ban hành Pháp lệnh. Thống nhất áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định đã được ban hành theo Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2017.

Cần có cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Thủ đô

Thời gian còn lại của buổi làm việc chiều nay, cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Thành phố Hà Nội, nhiều ý kiến đề nghị cần có cơ chế tài chính đặc thù để tạo đột phá cho Thủ đô.

Cùng dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải.

Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về dự toán chi ngân sách thủ đô, bội chi ngân sách; thưởng và bổ sung có mục tiêu từ tăng thu ngân sách Trung ương so với dự toán được giao; quy định về huy động các nguồn tài chính cho đầu tư phát triển thủ đô.

Dự thảo Nghị định quy định mức dư nợ vay của thành phố Hà Nội không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Trường hợp cần thiết vay để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mà mức dư nợ vay của ngân sách thành phố vượt quá quy định này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Nhiều ý kiến cho rằng, so với quy định hiện hành thì quy định này theo Luật ngân sách nhà nước đã cao hơn khoảng 1,5 lần, để bảo đảm cho Hà Nội có nguồn lực để phát triển.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, cần có cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Thủ đô và phải thực hiện nghiêm theo quy định của Luật Thủ đô và Luật ngân sách Nhà nước.

Chia sẻ với khó khăn Chính phủ trong cân đối ngân sách Trung ương cũng như những khó khăn của Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần thiết phải ban hành Nghị định nhưng với điều kiện phải đúng luật, đúng thẩm quyền trên quan điểm tạo đột phá mạnh mẽ để Thủ đô phát triển. Đồng thời Nghị định được xây dựng sẽ không làm thu hẹp các nguồn lực phát triển của Hà Nội.

Phải tạo ra sự đột phá mạnh mẽ cho Thủ đô phát triển. Tất cả đặc thù, sự phân cấp, phân quyền phải đúng luật, không có gì vượt qua được khuôn khổ pháp luật. Từ đó tạo ra sự năng động, nhạy bén và chủ động cho Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục