Dư nợ Tín dụng Xanh chiếm khoảng 4,2% toàn nền kinh tế

Trong số 12 lĩnh vực xanh Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 45% và nông nghiệp xanh 31%.
Dư nợ Tín dụng Xanh chiếm khoảng 4,2% toàn nền kinh tế ảnh 1Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Hương Nguyễn/TTXVN)

Phát biểu tại Hội thảo "Tín dụng Xanh - Việt Nam không thể chậm chân với Net Zero" diễn ra ngày 9/9, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng luôn tích cực và nỗ lực hướng đến các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; ban hành Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh phù hợp với từng giai đoạn, thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia; ban hành thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; lồng ghép mục tiêu tăng dần tỷ trọng dư nợ Tín dụng Xanh trong tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến 2030, tạo cơ sở định hướng kinh doanh cho các tổ chức tín dụng...

Ngân hàng Nhà nước cho biết, giai đoạn 2017-2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm. Đến 30/6/2023, dư nợ cấpTín dụng Xanh đạt gần 528,3 nghìn tỉ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Trong số 12 lĩnh vực xanh Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành Năng lượng Tái tạo, Năng lượng Sạch chiếm 45% và Nông nghiệp Xanh 31%. Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2.485 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững, được xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết NDCs (là đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với khí hậu, bao gồm mục tiêu thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chính sách và biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu), một nội dung quan trọng của Thỏa thuận Paris.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Ban định chế tài chính Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết thời gian qua Agribank rất quan tâm đến phát triển tín dụng xanh. Agribank có tới gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nên việc phát triển tín dụng xanh rất quan trọng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Agribank đang triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và cho vay theo 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong nông nghiệp nông thôn. Trong số đó Agribank luôn ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án xanh, phát triển các dự án xanh là một trong những mắt xích quan trọng chuỗi liên kết phát triển bền vững và hỗ trợ giảm phát thải.

Giai đoạn 2018-2020, dư nợ Tín dụng Xanh của Agribank tăng trưởng nhanh chóng từ 100-350%/năm. Sau giai đoạn này, do ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô như đại dịch COVID-19, căng thẳng leo thang giữa Nga-Ukraina và các nước phương tây, suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam... tốc độ tăng trưởng dư nợ có sự suy giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn khá ổn định về giá trị cho vay lẫn số lượng khách hàng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà trong 6 tháng đầu năm 2023, dư nợ của Agribank đã tăng trưởng bằng năm 2022. Đặc biệt, dư nợ lớn nhưng số lượng khách hàng đạt tiêu chuẩn Tín dụng Xanhcủa Agribank luôn chiếm cao nhất, khoảng 42.000 khách hàng. Agribank phát triển mạnh dư nợ Tín dụng Xanh trong lĩnh vực lâm, Năng lượng Tái tạo, Năng lượng Sạch, Nông nghiệp Xanh.

[Tài chính Xanh cho bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế]

Bên cạnh đó, Agribank cũng có những chương trình quảng quá đối với khách hàng về Tín dụng Xanh, thường xuyên cải tiến quy trình, phương pháp cho vay để góp phần đưa dịch vụ tài chính, tín dụng đến với người dân tại địa bàn nông nghiệp nông thôn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Bắc cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy Tín dụng Xanh hiện nay còn gặp một số khó khăn như chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành, lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới.

Dư nợ Tín dụng Xanh chiếm khoảng 4,2% toàn nền kinh tế ảnh 2(Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Bên cạnh đó, việc cấp Tín dụng Xanhđòi hỏi yếu tố kỹ thuật về môi trường chuyên sâu sẽ là khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc thẩm định, đánh giá hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng (nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian thực hiện chưa dài, hiệu quả phụ thuộc nhiều vào hợp đồng mẫu), khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng do còn thiếu cơ sở pháp lý, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Xuân Bắc, việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực Năng lượng Tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn hạn, khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Do đó, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực thi các chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành ngân hàng hướng tới mục tiêu Tín dụng Xanh, góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch bệnh COVID-19.

"Để các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả nhằm mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, Ngành rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý từ đó, sớm ban hành Danh mục phân loại xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh." ông Nguyễn Xuân Bắc nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục