Dự luật ngăn kịch bản 'ly hôn' Brexit không thỏa thuận có hiệu lực

Dự luật này đã được Quốc hội Anh thông qua hồi tuần trước bất chấp sự phản đối của Chính phủ Anh, nhằm ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận vào cuối tháng 10 tới.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II. (Nguồn: Reuters)
Nữ hoàng Anh Elizabeth II. (Nguồn: Reuters)

Ngày 9/9, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã phê chuẩn thành luật một phần dự luật nhằm tìm cách ngăn chặn Thủ tướng Anh Boris Johnson thực hiện kế hoạch đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận - còn gọi là "Brexit cứng"- vào ngày 31/10 tới.

Dự luật này đã được Quốc hội Anh thông qua hồi tuần trước bất chấp sự phản đối của Chính phủ Anh. Luật này nhằm ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận vào cuối tháng 10 tới bằng cách buộc Thủ tướng Johnson phải đề nghị EU gia hạn tư cách thành viên của Anh tại liên minh thêm 3 tháng - tức là đến ngày 31/1/2020 - nếu vào ngày 19/10 tới, Quốc hội Anh hoặc không thông qua được một thỏa thuận Brexit hoặc đồng ý rời EU không thỏa thuận.

Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow thông báo ông sẽ từ chức trong vài tuần tới trong bối cảnh những người có lập trường cứng rắn về Brexit chỉ trích ông đã bóp méo các quy định của quốc hội nhằm hủy hoại các nỗ lực của họ.

[Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow tuyên bố ý định từ chức]

Chủ tịch Hạ viện Bercow cho biết ông sẽ không tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử tới nếu trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện vào chiều 9/9, các nghị sỹ ủng hộ tổ chức bầu cử sớm theo đề nghị của Chính phủ Anh. Nếu các nghị sỹ bác bỏ của chính phủ nhằm kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử, ông sẽ từ chức vào ngày 31/10 tới.

Chủ tịch Hạ viện Anh đưa ra tuyên bố trên trước thềm bỏ phiếu lần thứ hai tại Hạ viện Anh dự kiến vào tối ngày 9/9 (giờ địa phương) về kế hoạch của chính phủ tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 15/10 tới.

Trước đó, Thủ tướng Johnson đã không nhận đủ sự ủng hộ của 2/3 nghị sĩ Quốc hội trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên về kế hoạch này. Các đảng đối lập, trong đó có Công đảng, nói rằng họ sẽ bỏ phiếu chống hoặc phiếu trắng đối với kế hoạch này, cho đến khi dự luật buộc ông Johnson tìm cách gia hạn Brexit được thực thi.

Thủ tướng Johnson lâm vào tình trạng rối loạn chính trị kể từ khi nhậm chức vào cuối tháng 7 vừa qua, mất đi sự ủng hộ đa số ở Quốc hội khi trục xuất 21 nghị sỹ khỏi đảng Bảo thủ và em trai ông cũng đã rời bỏ chính phủ. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ ông làm thủ tướng vẫn cao hơn gấp hai lần so với lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn.

Phóng viên TTXVN tại London dẫn kết quả thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn chiến lược BritainThinks của Anh cho thấy khoảng 30% số người được hỏi ủng hộ ông Johnson làm thủ tướng, trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Corbyn chỉ là 14%. Tỷ lệ ủng hộ dành cho nhà lãnh đạo đảng Brexit Nigel Farage và đảng Dân tộc Scotland (SNP) Nicola Sturgeon đều là 8%, trong khi lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ Jo Swinson nhận được 7% ý kiến ủng hộ.

Những người tham gia cuộc thăm dò ý kiến còn được yêu cầu đánh giá mức độ hiệu quả của các nhà lãnh đạo theo thang điểm từ 0 đến 10. Kết quả cho thấy cố Thủ tướng Winston Churchill đạt số điểm cao nhất là 7,8 và ông Corbyn xếp cuối cùng với 3,2 điểm. Lãnh đạo hiện tại của các đảng cũng đều đạt điểm số thấp khi ông Johnson và bà Sturgeon được 4,6 điểm, ông Farage 4,4 điểm và bà Swinson 4 điểm.

Do những bế tắc liên quan đến Brexit, Thủ tướng Johnson đã yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 15/10 và theo dự kiến tối ngày 9/9 (giờ địa phương), Hạ viện Anh sẽ lần thứ hai bỏ phiếu về vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục