Dự luật cải cách thuế của Mỹ dễ phát sinh mâu thuẫn với châu Âu

Điều khoản miễn giảm thuế cho các nhà xuất khẩu của Mỹ có thể đi ngược với các luật lệ quy định của WTO và có nguy cơ làm nổ ra tranh cãi lớn về thương mại giữa Mỹ với châu Âu.
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ về gói cải cách thuế của Chính phủ ở Washington, DC. ngày 15/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo các chuyên gia pháp lý, dự luật cải cách thuế đang chờ Tổng thống Donald Trump ký ban hành, trong đó bao gồm điều khoản miễn giảm thuế cho các nhà xuất khẩu của Mỹ, có thể đi ngược với các luật lệ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có nguy cơ làm nổ ra tranh cãi lớn về thương mại giữa Mỹ với châu Âu.

Đối với một số doanh nghiệp Mỹ, điều khoản kể trên trong Đạo luật Cắt giảm thuế và Việc làm mà lưỡng viện thuộc Quốc hội Mỹ vừa thông qua còn "hào phóng" gấp đôi so với chương trình FSC (doanh nghiệp bán hàng ở nước ngoài) giảm thuế cho các công ty xuất khẩu đã được bãi bỏ vào năm 2006 (sau khi gây ra một trong những bất đồng thương mại lớn nhất giữa Mỹ và châu Âu trong những thập niên gần đây).

Theo dự luật mới, thuế đánh vào nguồn thu từ xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ như bằng sáng chế, nhãn hiệu thương mại, vật liệu có bản quyền và bí quyết kinh doanh sẽ ở mức 13%, so với mức thuế chung là 21% đối với các doanh nghiệp.

[Chuyên gia Đức lo ngại tác động tiêu cực của việc Mỹ giảm thuế]

Theo một phân tích của hãng tin Reuters, điều khoản về doanh thu từ xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ có thể giúp các tập đoàn và doanh nghiệp như Microsoft, Walt Disney, Starbucks, Oracle hay ngân hàng Bank of America tiết kiệm được hàng tỷ USD.

Các chuyên gia pháp lý và Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng điều này không khác gì một kiểu trợ giúp xuất khẩu, cho phép các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh về giá so với các đối thủ châu Âu.

Theo chuyên gia của hãng luật VVGB tại Brussels, Folkert Graafsma, dự luật mới là một hình thức khác của FSC trước đây và có thể là vi phạm quy định của WTO. Chuyên gia về luật thương mại Ernst-Ulrich Petersmann của Viện Đại học châu Âu ở Florence, Italy (I-ta-li-a), nói rằng Liên minh châu Âu (EU) rất có thể sẽ phát đơn kiện lên WTO về vấn đề liên quan.

Trước khi dự luật cải cách thuế của Mỹ được thông qua, EC đã có thư gửi tới Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin, nói rằng dự luật đó có thể trái ngược với thỏa ước của WTO quy định về việc các bên đánh thuế thương mại qua biên giới, vì có những điều khoản có nguy cơ làm tổn hại nghiêm trọng đến các dòng chảy thương mại và đầu tư giữa Mỹ và EU.

Cũng liên quan đến dự luật trên, Bộ trưởng Tài chính Australia Scott Morrison ngày 22/12 cảnh báo các doanh nghiệp nước ngoài sẽ rời bỏ Australia sau khi cải cách thuế tại Mỹ được thông qua.

Theo ông Morrison, vào tháng Một tới, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ cân nhắc các kế hoạch đầu tư, có quyết định về việc sẽ tiếp tục ở lại Australia hay chuyển đi nơi khác.

Ông Morrison nói mức thuế 30% đối với các doanh nghiệp của Australia là quá cao và tỏ ý lo ngại mọi quyết định sẽ là quá muộn khi Quốc hội trở lại làm việc vào tháng Hai sau kỳ nghỉ.

Trước đó, ông Morrison đã bày tỏ mong muốn giảm thuế doanh nghiệp xuống 25% nhưng một động thái như vậy sẽ là không thể, nếu chính phủ không có được sự ủng hộ của Công đảng Australia đối lập.

Thuế doanh nghiệp của Australia hiện ở mức cao thứ chín trong số các nước thuộc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục