Dư luận Trung Quốc lại được dịp xôn xao sau khi bộ ảnh khỏa thân được chụp tại hồ Nhĩ Hải, thành phố Đại Ký bị rò rỉ trên mạng.
Ngay lập tức, Tân Hoa Xã đã có bài xã luận bày tỏ quan điểm không thể chấp nhận được xu hướng tiêu khiển mới này.
Trước hết, ta hãy tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của vụ việc. Những bức ảnh chụp một người phụ nữ tóc đen dài khỏa thân đã được tung lên Weibo vào thứ năm tuần trước. Người phụ nữ trong các bức ảnh cho biết cô chỉ chụp ảnh cho một dự án cá nhân mang tính "nghệ thuật."
Trước khi cởi bỏ quần áo, cô và nhà nhiếp ảnh đã đảm bảo rằng tuyệt đối không có ai khác ở đó; song thật không may là vẫn còn có tài xế của cô - người đã bí mật chụp một vài bức ảnh và đăng lên mạng internet, thu hút nhiều bình luận.
Bằng cách nào đó, những bức ảnh loại này luôn xuất hiện trên Weibo, dù được chụp ở Tử Cấm Thành, bên bờ một hồ nước ở Tây Tạng, trong một cửa hàng IKEA hay trên đường phố Đại Lý.
Khi thành quả của họ đã bị công bố ra bên ngoài, hầu hết các nhà nhiếp ảnh và người mẫu đều đưa ra lời biện hộ rằng họ chỉ đang sử dụng óc sáng tạo của mình để cố gắng tạo ra các tác phẩm "nghệ thuật."
Trong bài xã luận với cái tên 挡不住的裸?-- 公开场合拍裸照,这样的艺术自由有点low (tạm dịch: Khỏa thân: Ngăn chặn được hay không? - Chụp ảnh khỏa thân ở nơi công cộng, một loại hình tự do nghệ thuật tương đối "hạ cấp"), nhà báo Hou Wenkun của Tân Hoa Xã đã tóm tắt một cách ngắn gọn toàn bộ câu chuyện về xu hướng này và đưa ra những ý kiến của riêng mình.
Ông cũng đã trao đổi với một luật sư, một người dân địa phương và một học giả để củng cố cách nhìn của mình về vấn đề nói trên.
Dưới đây là bản tóm tắt ngắn gọn ý kiến của nhà báo Hou: Dưới lá chắn của "tự do nghệ thuật," những bức ảnh khỏa thân nơi công cộng đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội. Luật sư Li Chengcai ở Côn Minh tin rằng lý do đằng sau những hành vi thiếu đứng đắn này là suy nghĩ ngày càng trở nên cấp tiến của người dân, và cách thức thể hiện cảm xúc của họ cũng ngày càng trở nên thẳng thắn hơn.
Tuy nhiên, ta cũng cần lưu ý rằng một số người không hề quan tâm tới cảm giác của những người khác. Họ không để ý tới lẽ thường, thiếu ý thức về giá trị công dân và thiếu hiểu biết cơ bản về pháp luật.
Sáng tạo nghệ thuật phải có giới hạn của nó. Những người chụp ảnh khỏa thân ở nơi công cộng có bao giờ nghĩ tới việc tôn trọng phong tục và văn hóa địa phương hay không? Shi Huaiji, một người dân ở Đại Lý cho rằng sáng tạo nghệ thuật phải không xúc phạm tới trật tự xã hội, không gây tổn hại tới lợi ích công cộng. Các giá trị đạo đức truyền thống và trật tự xã hội hiện tại không cho phép chụp ảnh khỏa thân ở nơi công cộng.
Cái gọi là "tự do nghệ thuật" này không thể lấy ra làm lá chắn cho việc thiếu tôn trọng trật tự công cộng. "Một số người có những thiếu sót về kỷ luật, trách nhiệm và khả năng đánh giá đúng sai..." [học giả] Li Chengwei nhận xét.
Lời bình luận này đã phân chia dòng ý kiến thành 2 nhóm đối lập nhau: những người cho rằng các bức ảnh khỏa thân ở nơi công cộng có thể coi là nghệ thuật, và những người không nghĩ như vậy.
Đã có rất nhiều cư dân mạng ủng hộ lập trường của nhà báo: "Tôi thực sự không hiểu, tại sao khỏa thân lại tương đồng với nghệ thuật?"
"Nếu khỏa thân là nghệ thuật, thì tất cả mọi người đều là nghệ sỹ khi đi tắm!"
Một số người cho rằng ảnh khỏa thân thực chất là ảnh khiêu dâm: "Khiêu dâm là khiêu dâm, đừng đánh đồng nó với nghệ thuật."
"[Thứ này] và phim khiêu dâm Nhật Bản thì khác gì nhau? Ngay cả người nguyên thủy cũng biết che thân bằng lá cây."
Tuy nhiên, những người khác lại lên tiếng bảo vệ các nhiếp ảnh gia khỏa thân và phản bác lại những lời phê bình: "Tại sao mọi người lại cho rằng khỏa thân là kinh tởm?"
"Thực ra, con người chỉ là động vật, nhưng chúng ta luôn cho rằng mình là những ông vua bà chúa của Trái Đất. Con người không nên tự che mình lại, mà nên hòa đồng với thiên nhiên. Đây là vẻ đẹp thật sự."
Trong khi đó, một số người lại đổ lỗi cho người tài xế đã lén lút chụp và đăng tải những bức ảnh khỏa thân lên mạng: "Chụp những bức ảnh này một cách riêng tư chẳng có vấn đề gì cả. Điều khiến tôi cảm thấy tức giận là người đã đăng tải chúng lên mạng. Lẽ ra những nội dung riêng tư này không nên bị công bố ra ngoài [ngay từ đầu]."
"Chẳng phải có rất nhiều bức tượng và tranh vẽ của nước ngoài có hình người khỏa thân sao? Tác giả không buộc bạn phải nhìn ngắm [những bức ảnh], và cũng không có ý định phân phối chúng một cách bất hợp pháp. Bạn dựa trên nền tảng nào để kết luận rằng [người mẫu] là người có lỗi? Tại sao không buộc tội người đã lén lút chụp và đăng tải [những bức ảnh khỏa thân]?"
Một người bình luận đã thể hiện nỗi bức xúc của mình với Tân Hoa Xã vì đã tạo nên dư luận không cần thiết về một vài bức ảnh khỏa thân khi vẫn còn đó những chủ đề quan trọng hơn cho một bài xã luận: "Tân Hoa Xã thật vô trách nhiệm. Họ không quan tâm tới những gì thực sự có ý nghĩa. [Chẳng hạn như] những cơn bão ở tỉnh Phúc Kiến và tình trạng lũ dâng cao. Đừng che giấu những điều đó nữa!"
Mặt khác, một số cư dân mạng lại chỉ trích những người có tư tưởng thủ cựu trên mạng: "Nói thật nhé, với văn hóa Trung Quốc, hầu hết mọi người sẽ nhìn nhận [những bức ảnh] như ảnh khiêu dâm!! Bởi nhận thức của chúng ta về tình dục thực sự quá lạc hậu!!"
"Thật ra, đây là quyền tự do của [người mẫu]. Người ta nói rằng cô ấy đã tránh không để ai có mặt ở đó để không gây ảnh hưởng tới người khác. Người lén lút chụp những bức ảnh này đăng lên mạng cũng như những người chỉ trích thủ cựu đều tương đối "hạ cấp" cả."
Có lẽ lời nhận xét mỉa mai nhất trong số đó chính là lời bình luận về tựa đề của bài xã luận: "Ở Trung Quốc, đã có rất nhiều loại hình nghệ thuật bị mô tả là "hạ cấp", vậy cuối cùng thì [loại hình nghệ thuật nào] mới là "hạ cấp"?"