Dư luận trái chiều về quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở của Mỹ

Không chỉ nhận những phản ứng tiêu cực từ trong nước, quyết định đơn phương của Mỹ còn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích trong đó Nga đã đưa ra phản ứng nhanh chóng, mạnh mẽ nhất.
Dư luận trái chiều về quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở của Mỹ ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, DC.. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau nhiều lần bóng gió về ý định đơn phương rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, vốn cho phép thực hiện các chuyến bay giám sát phi vũ trang trên không phận 35 quốc gia tham gia thỏa thuận, cuối cùng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã có bước đi để hiện thực hóa.

Cụ thể là Washington đã bắt đầu thông báo cho 34 quốc gia thành viên tham gia ký Hiệp ước Bầu trời mở, bao gồm cả Nga, về ý định rút khỏi hiệp ước, lấy lý do “Nga liên tiếp vi phạm các điều khoản của thỏa thuận."

Bộ Ngoại giao Nga ngày 22/5 cho biết đã nhận được công hàm chính thức của Mỹ về việc bắt đầu thủ tục rút khỏi hiệp ước. Các quan chức cấp cao chính quyền Mỹ thông báo, việc rút khỏi hiệp ước sẽ chính thức diễn ra trong sáu tháng tới.

Đây là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi một hiệp ước lớn toàn cầu, sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga hồi năm ngoái.

Bước đi mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump làm dấy lên dư luận trái chiều ngay ở trong nước Mỹ, song lại tạo ra phản ứng khá “nhất quán” của cộng đồng quốc tế.

Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nhất trí về chủ trương rút khỏi hiệp ước thì bước đi này của Washington được cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Michael Hayden cho là “điên rồ," trong khi cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power coi bước đi đó là “thiển cận." Trước đó, một số nghị sỹ đảng Dân chủ đã viết thư gửi ông Trump chỉ trích ý định rút khỏi hiệp ước này.

Không chỉ nhận những phản ứng tiêu cực từ trong nước, quyết định đơn phương của Mỹ còn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Với tư cách là một nước có liên quan trực tiếp, Nga đã đưa ra phản ứng nhanh chóng nhất và mạnh mẽ nhất.

Một loạt các quan chức Nga, từ Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh liên bang, các thứ trưởng và người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho đến Đại sứ Nga tại Mỹ, đã đưa ra tuyên bố nhằm truyền tải hai thông điệp chính: vừa lên án bước đi của Mỹ, vừa để ngỏ khả năng đối thoại.

Theo các đại diện của Nga, thứ nhất, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở là bước đi tiếp theo nhằm phá hủy cấu trúc an ninh quốc tế vốn đã đã được thiết lập trong nhiều thập niên qua, “là đòn mạnh” không chỉ giáng vào nền tảng an ninh châu Âu mà còn vào những lợi ích an ninh cốt lõi của các đồng minh Mỹ. Thứ hai, Nga khẳng định không vi phạm hiệp ước và đề nghị phía Mỹ tiếp tục thảo luận về các vấn đề bất đồng xung quanh việc thực hiện hiệp ước này tại Ủy ban Tư vấn về Bầu trời mở ở Vienna (Áo).

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẵn sàng đối thoại với Mỹ về Hiệp ước Bầu trời mở, song chỉ trên cơ sở bình đẳng, có tính tới mối quan tâm của nhau, chứ không phải theo kiểu “tối hậu thư."

Tuy không tham gia hiệp ước, song Trung Quốc cũng đưa ra phản ứng khá gay gắt nhằm vào Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ “hết sức lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ," cho rằng điều này “không có lợi cho việc duy trì sự tin cậy và tính minh bạch quân sự đa phương giữa các quốc gia trong khu vực, cũng như việc duy trì an ninh và ổn định trong khu vực, đồng thời cũng sẽ gây hậu quả tiêu cực trong việc kiểm soát vũ khí quốc tế và tiến trình giải trừ quân bị."

Về phía các đồng minh của Mỹ, tuy phản ứng có phần nhẹ nhàng hơn và cân bằng hơn, song các phát biểu cũng cho thấy Washington khó có thể biện minh cho quyết định của mình. Trong một tuyên bố chung ngày 22/5, 10 nước châu Âu, trong đó có Pháp và Đức đã bày tỏ “lấy làm tiếc” về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, dù chia sẻ lo ngại với phía Mỹ “về cách thức Liên bang Nga thực hiện thỏa thuận này."

[Mỹ thông báo ý định rút khỏi hiệp ước Bầu trời Mở]

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã kêu gọi Mỹ “cân nhắc lại” quyết định rút khỏi hiệp ước. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg chưa khẳng định có ủng hộ quyết định của Mỹ hay không, nhưng cho biết các nước NATO sẽ tiếp tục ủng hộ việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi Nga “quay lại thực hiện đầy đủ hiệp ước, loại bỏ các hạn chế đối với các chuyến bay thanh sát trên không phận khu vực Kaliningrad thuộc Liên bang Nga và khu vực gần biên giới Gruzia."

Đại diện NATO cũng bày tỏ hy vọng tổ chức này sẽ có mối quan hệ mang tính xây dựng với Nga và để ngỏ khả năng đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO.

Về phía Liên hợp quốc, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh: “Chấm dứt những hiệp ước như thế này mà không có hiệp ước nào thay thế có thể gây xáo trộn các hoạt động, chẳng hạn như một cuộc chạy đua vũ trang mới nguy hiểm, có thể kéo theo những tính toán sai lầm."

Động thái của Mỹ tuy mới, nhưng không gây bất ngờ, bởi quyết định đó nằm trong hai xu hướng lớn: một là xu hướng của Mỹ rút khỏi các thỏa thuận hoặc diễn đàn quốc tế và hai là xu hướng xấu đi của quan hệ Mỹ-Nga.

Dư luận trái chiều về quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở của Mỹ ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Có thể nhận thấy trong thời gian qua, cụ thể là từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng (tháng 1/2017), Tổng thống Trump đã ít nhất hai lần quyết định rút khỏi các thỏa thuận an ninh quốc tế. Đó là thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký năm 2015 giữa nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) với Iran, và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký với Nga hồi năm 1988.

Trong tất cả các trường hợp, Tổng thống Trump đều cáo buộc bên còn lại vi phạm các quy định của thỏa thuận. Ngoài ra, ông Trump cũng để ngỏ khả năng chấm dứt một thỏa thuận khác là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) ký với Nga năm 2010 và cần được gia hạn vào đầu năm 2021.

Cách hành xử “khá quen thuộc” này cũng đã được ông Trump thể hiện ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống qua việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đưa Mỹ trở thành “người ngoài cuộc” trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế cứu “Hành tinh Xanh.”

Theo Bộ Ngoại giao Nga, quyết định của Washington không khiến Nga ngạc nhiên, vì “nó hoàn toàn giống như đường lối hủy hoại toàn bộ các thỏa thuận trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin quân sự."

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev thì cho rằng Washington đã hơn một lần sử dụng “một cách thức tương tự” để biện minh cho hành động rút khỏi các văn kiện cơ bản trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Điều này cho thấy “chính sách tổng thể” của chính quyền Tổng thống Trump liên quan đến các hiệp ước kiểm soát vũ khí là thế nào.

Quyết định mới đây của chính quyền Mỹ liên quan Hiệp ước Bầu trời mở cũng phản ánh rõ thực trạng và mức độ quan hệ song phương Mỹ-Nga. Ngay khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhiều người đã tin rằng quan hệ Mỹ-Nga đã “chạm đáy” vào những năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama sẽ nhanh chóng được cải thiện.

Tuy nhiên, trong hơn ba năm qua, những bằng chứng về sự tiến triển trong quan hệ song phương thì ít, trong khi những lùm xùm, rắc rối và tiêu cực lại gần như trở thành “hiện tượng bình thường” trong quan hệ của hai cường quốc này.

Nói như Giám đốc Chương trình của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) Ivan Timofeev, việc Mỹ rút khỏi hiệp ước sẽ không làm thay đổi căn bản mối quan hệ giữa Mỹ và Nga, vốn đã ở trong tình trạng tồi tệ đến mức “có muốn làm cho quan hệ đó xấu hơn nữa cũng không phải đơn giản." Quyết định đơn phương của Mỹ sẽ chỉ làm gia tăng những nhân tố bất ổn và bất định trong quan hệ giữa hai nước.

Tiến sỹ Ivan Timofeev khẳng định đường lối chung của Tổng thống Trump về việc xóa bỏ các chế độ kiểm soát vũ khí đã giáng một đòn vào Hiệp ước Bầu trời mở.

Trong bối cảnh căng thẳng nghiêm trọng giữa Nga và phương Tây hiện nay, bất kỳ bước đi khiêu khích nào cũng sẽ nhận rủi ro, tạo ra cuộc chạy đua vũ trang mới không chỉ giữa hai cựu thù một thời, mà còn kéo theo cả các cường quốc khác vốn đang tìm cách khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

Điều này sẽ càng làm trầm trọng hơn sự mất cân bằng chiến lược toàn cầu, đe dọa đến an ninh và sự ổn định trên thế giới. Cơ hội đối thoại để tìm ra một giải pháp toàn diện hơn cho vấn đề an ninh vẫn chưa đóng lại hoàn toàn, song cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước lớn.

Dư luận hy vọng hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ sớm được tổ chức để thảo luận về các biện pháp hòa bình và an ninh quốc tế, trong đó có việc duy trì hiệu lực của Hiệp ước Bầu trời mở trong bối cảnh quốc tế mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục