Dư luận trái chiều sau tuyên bố làm từ thiện của Zuckerberg

Tuyên bố dành 99% cổ phần của mình tại Facebook để thúc đẩy tiềm năng con người và tăng cường sự công bằng của Mark Zuckerberg đã tạo ra những luồng dư luận rất đa dạng.
Gia đình Mark Zuckerberg. (Nguồn: businessinsider)

Tuyên bố dành 99% cổ phần của mình tại Facebook để thúc đẩy tiềm năng con người và tăng cường sự công bằng được Mark Zuckerberg đưa ra hôm thứ Ba vừa qua đã gây được nhiều sự chú ý của thế giới và tạo ra những luồng dư luận rất đa dạng.

Trang BuzzFeed chỉ ra rằng, tổ chức từ thiện “Sáng kiến Chan Zuckerberg” mà vợ chồng Zuckerberg sẽ ủng hộ tài sản để thành lập là một công ty chứ không phải là một quỹ từ thiện phi lợi nhuận. Do đó, tổ chức này không cần dùng hết tiền để làm từ thiện mà có thể thực hiện các khoản đầu tư riêng và làm những việc như vận động chính sách hay vận động hành lang.

Hãng tin Bloomberg nhận định, việc thành lập tổ chức như một công ty trách nhiệm hữu hạn cho phép quỹ từ thiện của vợ chồng Zuckerberg được dùng tiền để vận động hành lang, kiếm tiến để tái đầu tư, liên doanh mà không vấp phải nhiều rào cản và quyên góp tiền với tốc độ tự chủ thay vì mức 5%/năm bắt buộc với các tổ chức phi lợi nhuận.

Gawker, một trang blog nổi tiếng ở New York thì nói rằng, khoản quyên góp của Zuckerberg là để làm những điều mà anh nghĩ là có ích cho thế giới, nhưng chưa chắc những người khác đã có cùng suy nghĩ như vậy.

Trang blog này nhận xét câu hỏi “Bạn có thể học hỏi và trải nghiệm gấp 100 lần những gì chúng ta đang làm hay không?” của nhà tỉ phú thể hiện tầm nhìn “hoàn toàn tồi tệ” thường gặp ở một nhà kỹ trị.

Nhiều người hoài nghi về tác động thực sự của các khoản đóng góp từ thiện của Zuckerberg và các tỉ phú nói chung với xã hội, và đã dẫn chứng tới cuộc phỏng vấn của tạp chí Der Spiegel (Đức) với doanh nhân Peter Krammer năm 2010, khi doanh nhân này nêu quan điểm rằng việc các tỉ phú Mỹ đem tiền đi làm từ thiện là một cách kín đáo để nói rằng họ biết cách giúp xã hội tốt hơn chính phủ.

"Đó là một sự chuyển giao quyền lực không tốt từ chính phủ sang các tỷ phú. Như thế có nghĩa là không phải chính phủ, mà là giới giàu mới quyết định được cái gì là tốt cho mọi người."

Biên tập viên Devon Maloney của tờ The Guardian còn liên hệ việc làm từ thiện này với chủ nghĩa đế quốc của người da trắng.

"Bất kể ý định của họ có vị tha đến thế nào, người giàu vẫn sẽ mua được tương lai mà họ muốn thấy. Khát vọng xóa bỏ nghèo đói và bệnh tật của các tổ chức từ thiện quốc tế và thế giới phương Tây không thế hoàn toàn giúp họ cắt bỏ gốc rễ đế quốc của mình, bởi như nhiều nhà bình luận đã chỉ ra, các tổ hợp công nghiệp do người da trắng xây dựng để giải quyết các vấn đề ở những nơi đang gặp khó khăn mà không cần tìm hiểu về nhu cầu chưa bao giờ lại xuất hiện nhiều đến thế trên thế giới."

Tuy không phải tất cả đều cảm kích trước hành động của Zuckerberg, nhưng số người ủng hộ việc làm của anh cũng không nhỏ. Họ lập luận rằng đó là tiền của nhà tỷ phú, và anh kiếm được chúng một cách hợp pháp, nhưng thay vì tiêu xài vô bổ, Zuckerberg đã quyết định đóng góp tài sản của mình để giải quyết những vấn đề của thế giới, với hy vọng biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục