Dư luận quốc tế về Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của Mỹ

Kế hoạch Hòa bình của Mỹ ngay sau khi được công bố đã nhận được những phản ứng trái chiều từ các quốc gia trong khu vực.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngợi ca kế hoạch của Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngợi ca kế hoạch của Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 28/1 (rạng sáng 29/1 theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông được dư luận chờ đợi lâu nay, trong đó đề xuất giải pháp “hai nhà nước” cùng tồn tại cho Israel và Palestine.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Kế hoạch Hòa bình của Mỹ ngay sau khi được công bố đã nhận được những phản ứng trái chiều từ các quốc gia trong khu vực.

Trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi kế hoạch này là "hướng đi thực tế tới hòa bình lâu dài" đảm bảo chủ quyền của Israel đối với Thung lũng Jordan thì nhiều nước bày tỏ hoài nghi và phản đối.

Phát biểu bên cạnh Tổng thống Donald Trump tại một buổi lễ ở Nhà Trắng, ông Netanyahu gọi đây là “một ngày lịch sử,” nhấn mạnh việc Mỹ công nhận chủ quyền của Israel đối với Thung lũng Jordan và các khu vực khác gồm Judea và Samaria.

Theo ông Netanyahu, đề xuất của Tổng thống Trump cũng sẽ bao gồm việc Mỹ công nhận các khu định cư là một phần của Israel.

Cùng ngày, Anh đã hoan nghênh một cách thận trọng về kế hoạch nói trên của Tổng thống Mỹ.

[Các phe phái Palestine phản đối kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ]

Người phát ngôn Chính phủ Anh cho biết Thủ tướng Boris Johnson đã điện đàm với Tổng thống Trump trước đó, cho rằng kế hoạch có thể chứng tỏ là “một bước tiến tích cực."

Trong khi đó, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cho biết Jordan quyết tâm ủng hộ mọi nỗ lực chân chính nhằm đạt được hòa bình chính đáng và toàn diện mà mọi người sẽ chấp nhận.

Ông Safadi cho rằng con đường duy nhất dẫn đến một nền hòa bình toàn diện và lâu dài là thành lập một nhà nước Palestine độc lập dựa đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine.

Bộ Ngoại giao Ai Cập đã đưa ra một tuyên bố ủng hộ giải pháp khôi phục lại tất cả các quyền hợp pháp của người dân Palestine thông qua việc thành lập một quốc gia độc lập và có chủ quyền trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.

Giới chức Ai Cập cho biết họ đánh giá cao những nỗ lực của Mỹ để giải quyết cuộc xung đột, và hối thúc Israel và Palestine cần xem xét cẩn thận kế hoạch hòa bình do Tổng thống Trump công bố, với mục đích tạo ra các kênh đối thoại cởi mở giữa hai bên dưới sự bảo trợ của Mỹ nhằm nối lại đàm phán.

Đại sứ Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Washington đã đưa ra một tuyên bố khẳng định niềm tin vào khả năng hòa bình lâu dài và cho rằng kế hoạch hòa bình được công bố hôm nay đã tạo ra một điểm khởi đầu quan trọng cho sự trở lại bàn đàm phán trong khuôn khổ quốc tế dưới sự bảo trợ của Mỹ.

Bộ ngoại giao Iran cho rằng kế hoạch hòa bình mà Mỹ áp đặt lên Palestine là một sự phản bội của thế kỷ và cam chịu thất bại.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng cho rằng kế hoạch hòa bình của Mỹ đã “chết yểu” và coi đây là một kế hoạch thôn tính hủy hoại giải pháp hai nhà nước và cưỡng đoạt lãnh thổ Palestine.

Cùng ngày, trong một động thái hiếm có, hai phong trào đối địch của người Palestine là Hamas và Fatah đã nhóm họp ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây nhằm thảo luận các nỗ lực chung phản đối Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước đó, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh đã kêu gọi các cường quốc thế giới tẩy chay sáng kiến này. Ông Shtayyeh cho rằng đây không phải là một kế hoạch hòa bình ở Trung Đông.

Trong khi để phản đối Kế hoạch Hòa bình Trung Đông của Mỹ, một loạt cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch tiến hành trong hai ngày 28-29/1 ở cả Bờ Tây và Dải Gaza. Các hoạt động này được đánh giá sẽ làm tăng nguy cơ đụng độ với quân đội Israel.

Để đối phó, quân đội Israel cho biết họ đã tăng cường an ninh ở Thung lũng Jordan, một khu vực rộng lớn ở Bờ Tây mà Chính phủ Israel dự định sáp nhập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục