Dư luận quốc tế đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Trang straitstimes.com (Singapore), Sputnik (Nga), Bloomberg (Mỹ), asiafinancial.com đều đưa tin kinh tế Việt Nam đã bùng nổ với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 tăng 8,02%.
Dây chuyền sản xuất giầy xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hàng loạt hãng tin và tổ hợp truyền thông quốc tế đưa tin kinh tế Việt Nam đã bùng nổ với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2022 tăng 8,02%.

Trang straitstimes.com (Singapore) đánh giá nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á trong năm 2022. CNN gọi đây là tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1997, trong khi BBC nhấn mạnh đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 và động lực chính làm nên đà tăng trưởng ấn tượng này là lĩnh vực xuất khẩu và doanh số bán lẻ mạnh mẽ.

Các số liệu này được công bố trong bối cảnh vẫn còn lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và tác động của suy thoái đối với nhu cầu xuất khẩu từ Việt Nam - nhà sản xuất chính các mặt hàng như dệt may, giày dép và điện tử cho các thương hiệu quốc tế lớn.

Theo hãng tin Sputnik (Nga), nhờ tăng trưởng kinh tế thần kỳ, chỉ số lạm phát thấp, xuất nhập khẩu bùng nổ, nền chính trị ổn định và thành công ngoại giao rực rỡ, Việt Nam nổi lên như một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm, suy thoái và khủng hoảng bao trùm toàn cầu.

[GDP năm 2022 tăng 8,02%: Mức tăng cao nhất giai đoạn 2011-2022]

Hãng tin này dẫn xếp hạng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, trong khi thứ hạng của các nước ASEAN không tăng trong một vài năm qua thì thứ hạng của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc khi tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 đã vượt mức 700 tỷ USD.

Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), trong quý 4/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, báo hiệu đà tiếp tục phục hồi sau đại dịch. Theo hãng tin này, kết quả tốt hơn mong đợi này mang lại cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “không gian” để chờ đợi và theo dõi trước khi quyết định điều chỉnh chính sách tiền tệ thay vì thắt chặt.

Mặc dù vậy, hãng tin Reuters và trang asiafinancial.com (Hong Kong) đã dẫn ý kiến giới chuyên gia kinh tế cảnh báo dù nền kinh tế của Việt Nam năm 2022 tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên, nhưng Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” phía trước, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu ảnh hưởng đến các chuyến hàng xuất khẩu.

Số liệu cả năm cho thấy Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt ước tính khoảng 109 tỷ USD, còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, ước tính kim ngạch đạt hơn 119 tỷ USD. Trong năm 2022, ước tính Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD, cao hơn mức 3,32 tỷ USD của năm trước đó.

Theo asiafinancial.com, trong tuyên bố ngày 14/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay trong khi Việt Nam “đang tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn thì triển vọng kinh tế gia tăng rủi ro. Dù thương mại tiếp tục tăng trưởng nhưng các chỉ dấu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang giảm dần." Sự suy giảm được phản ánh rõ nét trong số liệu thương mại. Cụ thể, xuất khẩu trong tháng 12 giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021, và đây là tháng giảm thứ hai liên tiếp.

Bên cạnh đó, mức giá tiêu dùng trong tháng 12 tăng 4,55% so với cùng kỳ năm 2023. Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm, nhiên liệu, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục, tăng nhanh hơn, ở mức 4,99%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục