Dư luận quốc tế đánh giá tích cực cam kết của Việt Nam tại COP26

Financial Times, The Guardian và The Independent đều đề cập tới cam kết đáng chú ý của Việt Nam đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 và loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra tại Glasgow, (Vương quốc Anh), đã nhận được những đánh giá tích cực của dư luận quốc tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, các tờ báo lớn của Anh như Financial Times, The Guardian và The Independent đều đề cập tới cam kết đáng chú ý của Việt Nam đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050 và loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040.

Theo Phó Chủ tịch Mạng lưới Việt Nam-Anh, ông Paul Smith, bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 có ý nghĩa tích cực. Mặc dù là nước đang phát triển có thu nhập trung bình và là nước phát thải thấp, mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia vào nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, đồng thời chứng tỏ vai trò dẫn dắt của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

[Việt Nam cam kết chấm dứt sử dụng điện sản xuất từ than tại COP26]

Ông Smith cho rằng cam kết này hài hòa và phù hợp với bối cảnh của Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của tình trạng nước biển dâng.

Ông Paul Smith, Phó Chủ tịch Mạng lưới Việt Nam-Anh. (Ảnh:Nhân vật cung cấp)

Thêm vào đó, Việt Nam là nước mới thực hiện công nghiệp hóa trong 3 thập kỷ qua, vì vậy có lợi thế khi chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp vì không phải gánh những hậu quả từ công nghiệp hóa như các nước phát triển lâu năm.

Phó Chủ tịch Mạng lưới Việt Nam-Anh cho biết trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra kế hoạch khả thi nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050, nhấn mạnh đây là cam kết của một nước được dự báo sẽ trở thành 1 trong 20 nền kinh tế hàng đầu vào năm 2050. Nếu không hành động ngay thì Việt Nam có thể trở thành nước phát thải lớn khi trở thành nền kinh tế lớn vào năm 2050.

Ông Smith cũng đánh giá cao những những giá trị quan trọng mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập trong bài phát biểu, đó là “cùng bàn, cùng làm và cùng chiến thắng” và “đoàn kết."

Ông cho rằng thông điệp mà Việt Nam kêu gọi tại COP26 là thế giới phải đoàn kết để có thể chiến thắng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Ông William Young, chuyên gia về an ninh môi trường của Hội đồng Địa chiến lược Anh, cho rằng cam kết của Việt Nam tại COP26 đã khiến thế giới nhìn nhận rõ vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Cam kết này đồng thời chỉ ra những cơ hội phát triển kinh tế, cơ hội tạo ra những ngành công nghiệp mới và các cơ hội đầu tư khác tại Việt Nam.

Ông Young đánh giá Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đúng khi chỉ ra rằng tài chính và công nghệ mang tính quyết định để hiện thực hóa các cam kết chống biến đổi khí hậu. Các cam kết của mỗi quốc gia không chỉ được thực hiện bằng nội lực của quốc gia đó mà còn cần tới sự hỗ trợ quốc tế. Chương trình tài trợ cho Nam Phi để loại bỏ than đá là một ví dụ. Tin mới nhất là Indonesia đã có tên trong danh sách được nhận tài trợ từ chương trình này và theo ông Young, sẽ không ngạc nhiên nếu Việt Nam trở thành một phần của chương trình này.

Chuyên gia về an ninh môi trường của Hội đồng Địa chiến lược Anh nêu rõ phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy Việt Nam đã nhận rõ sự thay đổi trên trường quốc tế trong chuyển sang thực hiện các cơ chế hợp tác song phương và đa phương, nghĩa là các nước khác nhau cùng làm việc không chỉ ở cấp quốc tế mà ở cấp quốc gia.

Đó có thể là hợp tác giữa Anh và Việt Nam, hay giữa Đức và Nam Phi..., các nước muốn hợp tác với nhau sẽ cùng làm việc để cùng đạt được mục tiêu chung trong chống biến đổi khí hậu.

Ông Young đánh giá quá trình chuyển đổi xanh sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội hợp tác về thương mại, kinh doanh, xuất khẩu và các cơ hội khác cho các nước, trong đó có Việt Nam.

Ông William Young, Chuyên gia an ninh môi trường, Hội đồng Địa chiến lược Anh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông cho rằng để chống biến đổi khí hậu, Việt Nam cần trở nên giàu có thông qua phát triển kinh tế xanh, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam có khả năng và sẽ làm được điều này bằng cách xây dựng các ngành công nghiệp mới, phát triển xuất khẩu, xây dựng năng lực chống chịu và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.

Đây sẽ là cách tốt nhất để bảo vệ đất nước trước các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm nước biển dâng và các hiện tượng khí hậu cực đoan.

Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Mạng lưới Việt Nam-Anh, ông Smith cho rằng việc chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon thấp, phát triển bền vững với công nghệ sạch sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong sản xuất, nghiên cứu phát triển, đổi mới và vì vậy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo ông, với lực lượng lao động trẻ, có tri thức cộng với nền giáo dục dựa trên khoa học, Việt Nam là nơi lý tưởng để phát triển công nghệ.

Ông cũng chỉ ra rằng Việt Nam là quốc gia cởi mở, luôn sẵn sàng hợp tác quốc tế để phát triển đất nước. Điều này lý giải cho thành công của Việt Nam trong 20 năm qua và thành công này sẽ tiếp tục trong những năm tới.

Bàn về quan hệ chiến lược Việt Nam-Anh, ông Smith đánh giá mối quan hệ quan trọng này không đơn thuần là quan hệ kinh tế, mà là mối quan hệ của tình hữu nghị và lòng tin.

Ông đồng thời nhấn mạnh quan hệ chiến lược về an ninh giữa hai nước cũng rất quan trọng vì chính sự ổn định về an ninh sẽ giúp Việt Nam tiến bước trên con đường trở thành "người chơi" lớn trong nền kinh tế thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục