Dư luận phản ứng gay gắt về các mức thuế nhập khẩu mới của Mỹ

Không chỉ các nước bị ảnh hưởng trực tiếp, nhiều quan chức Mỹ cũng chỉ trích gay gắt kế hoạch áp thuế của Tổng thống Trump và cảnh báo về một cuộc chiến tranh thương mại sẽ không có ai chiến thắng.
Dư luận phản ứng gay gắt về các mức thuế nhập khẩu mới của Mỹ ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh tại Nhà Trắng ngày 23/1. (Nguồn: UPI-YONHAP/TTXVN)

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/3 ký sắc lệnh áp mức thuế suất mới đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, chính giới Mỹ cũng như hàng loạt nước và tổ chức trên thế giới đã đưa ra phản ứng.

Trong tuyên bố cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho rằng quyết định nêu trên của Tổng thống Trump sẽ gây ra những "hậu quả không mong muốn."

Ông Ryan khẳng định sẽ tiếp tục thuyết phục chính phủ thu hẹp danh sách các nước bị áp mức thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, theo đó chỉ bao gồm những nước vi phạm luật thương mại.

Ông Ryan là quan chức thuộc phe Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ nhất kế hoạch áp thuế của Tổng thống Trump.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Jeff Flake đến từ bang Arizona cho rằng mức áp thuế mới là sự kết hợp "tai hại" giữa chủ nghĩa bảo hộ và sự bất ổn, gây tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế.

Ông Flake cam kết sẽ đưa ra một dự thảo luật nhằm bác bỏ chính sách thuế mới. Ông đồng thời cảnh báo chiến tranh thương mại là cuộc chiến mà không bên nào giành thắng lợi.

[Nhật Bản cảnh báo về việc Mỹ áp thuế mới đối với thép và nhôm]

Chung quan điểm này, Thượng nghị sỹ Cộng hòa đại diện bang Utah Orrin Hatch - Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, nhận định việc tăng mức thuế đối với thép và nhôm là một chính sách "sai lầm" của Tổng thống Trump.

Ông Hatch, vốn là quan chức thân cận với ông Trump, cho rằng quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ làm tiêu tan những lợi ích mà đạo luật thuế mới đây mang lại.

Cùng ngày, hai nhà cung cấp thép và nhôm lớn nhất cho Mỹ là Canada và Brazil đã lên tiếng phản đối.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 8/3, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland tuyên bố Canada sẽ tiếp tục nỗ lực bác bỏ chính sách nâng mức áp thuế của Mỹ, mặc dù Canada được miễn trừ chính sách này cùng với Mexico.

Ngoại trưởng Freeland nêu rõ trong những ngày qua, Canada đã tích cực làm việc với giới chức Mỹ về việc miễn trừ đối với nước này trong kế hoạch nâng thuế của Washington, và Ottawa sẽ tiếp tục nỗ lực này chừng nào các mức áp thuế này được dỡ bỏ hoàn toàn.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Canada đồng thời khẳng định kế hoạch thuế mới của Mỹ và các cuộc đàm phán về hiện đại hóa Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là "các vấn đề riêng rẽ." Bà cho rằng việc đạt được NAFTA là "trong tầm tay."

Trong khi đó, Ngoại trưởng Brazil Aloysio Nunes tái khẳng định Brazil sẽ đưa ra các bước đi cần thiết, cả song phương và đa phương, để bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia Nam Mỹ này.

Từ châu Âu, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết Pháp sẽ cùng các đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) đánh giá các hệ quả và đưa ra phản ứng phù hợp.

Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cho rằng động thái của Tổng thống Trump là cách tiếp cận “sai lầm” đối với những vấn đề về thương mại.

Trên trang mạng Twitter, Ủy viên phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmstroem cho rằng EU phải "nằm ngoài” kế hoạch của Mỹ áp thuế mới đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu.

Bà Malmstroem nhấn mạnh: “EU là một đồng minh thân cận của Mỹ và chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm rằng EU cần được miễn trừ các biện pháp này.”

Một đồng minh thân cận khác của Mỹ là Nhật Bản cũng ra tuyên bố khẳng định quyết định của Mỹ sẽ gây ra "tác động lớn" đối với các mối quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng như toàn cầu.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết Nhật Bản sẽ có phản ứng phù hợp sau khi đánh giá tác động đối với các công ty Nhật Bản, cũng như các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo sắc lệnh được Tổng thống Donald Trump ký ngày 8/3, Mỹ sẽ áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu, bắt đầu có hiệu lực trong vòng 15 ngày tới.

Mexico và Canada được miễn trừ chính sách này. Các chuyên gia cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ sẽ là đòn giáng mạnh vào Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời có thể tạo ra các cuộc chiến thương mại mới.

Mỹ là nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch nhập khẩu gấp 4 lần so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng sản lượng nhôm nhập khẩu gấp 5 lần nhôm sản xuất tại Mỹ năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục