Dư luận nói gì về tuyên bố mới của Tổng thống Mỹ về thương mại

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nhắm vào Trung Quốc cũng như các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giàu có khác trong dòng tweet mới đây về thương mại toàn cầu.
Dư luận nói gì về tuyên bố mới của Tổng thống Mỹ về thương mại ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thời báo Hàn Quốc ngày 28/7 đăng bài xã luận cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nhắm vào Trung Quốc cũng như các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giàu có khác trong dòng tweet mới đây về thương mại toàn cầu.

Sau đây là nội dung của bài xã luận:

Các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Hàn Quốc đang chú ý đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi WTO ngăn chặn các nước thành viên giàu có hưởng lợi bất chính từ “tình trạng” là quốc gia “đang phát triển.”

Tổng thống Trump ngày 26/7 đã chỉ thị cho Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer "sử dụng tất cả các phương tiện có sẵn" để ngăn chặn các nền kinh tế giàu có lợi dụng "bất chính" các quy tắc thương mại để thụ hưởng sự đối xử đặc biệt của WTO.

Ông Trump đã viết trong một dòng tweet rằng: "WTO bị phá vỡ khi các nước giàu nhất trên thế giới tuyên bố là các nước đang phát triển để tránh các quy tắc của WTO và được đối xử đặc biệt. Không thể thế được nữa!!!" Dòng tweet cho thấy ông Trump cảm thấy thế nào về WTO, một tổ chức đa phương.

[Tổng thống Mỹ chỉ trích Trung Quốc luôn thay đổi thỏa thuận thương mại]

Việc Tổng thống Mỹ để ý tới các hoạt động thương mại không bình đẳng của một số nền kinh tế giàu có là điều đúng đắn. Nhưng thật sai lầm khi đe dọa sẽ có hành động đơn phương nếu WTO không giải quyết được vấn đề này. Tổng thống Trump đã cho WTO 90 ngày để thay đổi các quy tắc của tổ chức này.

Nếu WTO không có "tiến bộ đáng kể," ông Trump nói rằng Mỹ sẽ không đối xử như trước đây với bất kỳ thành viên WTO nào hưởng lợi bất chính từ sự đối xử đặc biệt dành cho nước đang phát triển. Nếu có các quy tắc thương mại không công bằng, WTO nên sửa đổi để thúc đẩy thương mại công bằng và tự do.

Tuy nhiên, lập trường cứng rắn của Tổng thống Mỹ về vấn đề này là sự thể hiện việc ông tiếp tục coi thường không chỉ trật tự thương mại toàn cầu được thiết lập từ lâu, mà cả các tổ chức và hiệp ước đa phương.

Các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng ông Trump đang nhắm mục tiêu vào Trung Quốc, nước mà Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến thương mại.

Như ông Trump đã chỉ ra, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà xuất khẩu số 1. Xuất khẩu của Trung Quốc chiếm 13% tổng kinh ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn cầu.

Theo Tổng thống Trump, Trung Quốc được hưởng lợi không chính đáng khi lợi dụng mình là quốc gia đang phát triển.

Ông có thể đang tìm cách gây thêm áp lực với Bắc Kinh trước khi nối lại các cuộc đàm phán thương mại song phương, vốn thất bại hồi tháng 5/2019.

Tổng thống Trump cho biết 7 trong số 10 quốc gia giàu có nhất thế giới khẳng định mình là các nước đang phát triển.

Ông cũng chỉ ra Hàn Quốc, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ - tất cả là thành viên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - là các quốc gia được đối xử đặc biệt.

Động thái mới nhất của ông Trump chống lại các quy tắc của WTO là không có lợi cho Hàn Quốc. Nó gây quan ngại bởi nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.

Tuyên bố của ông Trump cũng được đưa ra khi Seoul đang tranh cãi với Nhật Bản, nước gần đây đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với các nguyên liệu công nghệ cao mà các công ty Hàn Quốc cần để chế tạo chất bán dẫn và màn hình.

Các quan chức thương mại trong chính quyền Tổng thống Moon Jae-in cho rằng Hàn Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nếu WTO quyết định không coi nước này là quốc gia đang phát triển nữa.

Họ lưu ý rằng ngành nông nghiệp của Hàn Quốc có thể bị thiệt hại nếu Hàn Quốc buộc phải hạ hoặc miễn thuế đối với nông sản nhập khẩu, trong đó có gạo và tỏi. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in nên làm mọi việc có thể để đối phó với mọi hậu quả có thể xảy ra.

Washington có thể có hành động thương mại đơn phương đối với Hàn Quốc và các quốc gia khác nếu WTO không đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Trump.

Trong khi đó, Tokyo đang tìm cách mở rộng hạn chế xuất khẩu bằng cách loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách các quốc gia được hưởng ưu đãi thương mại.

Đây là lý do tại sao Seoul nên tăng gấp đôi nỗ lực ngoại giao để tìm ra giải pháp thông qua đàm phán đối với ngày càng nhiều vấn đề trước mắt.

Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Tân Hoa xã ngày 29/7 cho hay việc Mỹ cảnh báo sẽ rút lại quyết định công nhận quy chế “quốc gia đang phát triển" của Trung Quốc tại WTO là một cách thức gây sức ép trước thềm các cuộc họp về thương mại giữa hai nước dự kiến diễn trong tuần này và sẽ thất bại.

Trước đó, ngày 26/7, Tổng thống Trump nêu rõ WTO vẫn sử dụng kiểu phân định đã lỗi thời giữa những "nước phát triển" và "đang phát triển," điều đã tạo ra những lợi thế không công bằng cho một số thành viên WTO.

Theo tuyên bố này, nếu trong vòng 90 ngày những quy định WTO không có sự cải thiện đáng kể, Washington sẽ yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ ngừng đối xử với những thành viên WTO này như các nền kinh tế đang phát triển.

Tuyên bố của ông Trump chỉ ra hàng loạt nền kinh tế được hưởng lợi từ quy chế “nền kinh tế đang phát triển,” trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới Trung Quốc.

Theo tuyên bố, 7 trong số 10 nền kinh tế giàu nhất thế giới xét về GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) hiện được xếp hạng "đang phát triển" là Brunei, hai Khu hành chính đặc biệt Hong Kong và Macau của Trung Quốc, Kuwait, Qatar, Singapore và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Quy chế "nước đang phát triển" ở WTO cho phép các nước có thời hạn dài hơn để thực hiện các cam kết về tự do thương mại cũng như khả năng bảo vệ một số lĩnh vực sản xuất nội địa và duy trì các khoản trợ cấp cho các ngành nghề và doanh nghiệp trong nước.

Trong khi đó, theo kế hoạch, các quan chức phụ trách thương mại của Mỹ và Trung Quốc nhóm họp trong hai ngày 30 và 31/7 tại Thượng Hải (Trung Quốc) để tìm cách giải quyết tình trạng xung đột thương mại song phương đã dẫn tới việc Bắc Kinh và Washington áp thuế tới hơn 360 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục