Dư luận lên án các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Việc Trung Quốc không tuân theo các quy định hay nghĩa vụ bắt buộc của UNCLOS 1982 là những hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, tác động tiêu cực tới hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Tiếp sau việc thông qua Luật cảnh sát biển (còn gọi là Luật hải cảnh) có hiệu lực từ ngày 1/2/2021, những hành động trên thực địa của Trung Quốc tại Biển Đông trong những ngày gần đây khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan ngại.

Việc Trung Quốc đưa hơn 200 tàu hoạt động tại cụm đảo Sinh Tồn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành động đánh dấu một bước leo thang đáng lo ngại ở Biển Đông. Nhiều quốc gia đã bày tỏ lo ngại trước những động thái trên và yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức đưa các tàu ra khỏi khu vực này, chấm dứt hành động gây hấn.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Hành động này cũng vi phạm quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử giữa ở Biển Đông (COC).

Bộ Ngoại giao Philippines đã trao công hàm phản đối hành động của Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh sự hiện diện áp đảo của các tàu Trung Quốc tại cụm đảo Sinh Tồn đã tạo ra bầu không khí bất ổn và cho thấy Trung Quốc đang phớt lờ cam kết trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực.

Phát biểu trong buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto và Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi đang ở thăm Nhật Bản và tham dự Đối thoại chiến lược 2+2 ngày 30/3, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga bày tỏ quan ngại sâu sắc về các động thái trên biển gần đây của Trung Quốc, trong đó có việc thực thi Luật hải cảnh mới, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự hàng hải tự do và cởi mở dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. 

[Nhật Bản tiếp tục bày tỏ quan ngại với Trung Quốc về vấn đề trên biển]

Trước đó, tại cuộc họp thường niên theo "Cơ chế liên lạc đường biển và đường không" giữa cơ quan quốc phòng hai nước Nhật Bản và Trung Quốc, đại diện Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về Luật hải cảnh mới của Trung Quốc.

Phó Tổng vụ trưởng phụ trách chính sách quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản Taro Yamato cho rằng việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông thời gian qua đã làm tổn hại lợi ích chính đáng của các bên liên quan, trong đó có Nhật Bản.

Trên mạng xã hội Twitter, Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Koshikawa Kazuhiko nhấn mạnh: "Các vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định và là mối quan tâm của tất cả các bên. Nhật Bản kịch liệt phản đối bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng. Nhật Bản ủng hộ việc thực thi pháp quyền trên biển và hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ các vùng biển tự do, rộng mở và hòa bình."

Australia cũng phản đối những động thái làm leo thang căng thẳng trên tuyến hàng hải quốc tế này, nơi các nước cần tôn trọng pháp quyền. Trên Twitter, Đại sứ Australia tại Philippines Steven Robinson nêu rõ: "Australia lo ngại về những hành động gây bất ổn, có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Australia ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và bao trùm. Các bên cần tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, trên tuyến đường biển quan trọng này."

Trước tuyên bố của Trung Quốc nói rằng các tàu hoạt động tại cum đảo Sinh Tồn là tàu cá đang tìm chỗ trú tạm, Giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines, chuyên gia Jay Batongbacal cho biết Không quân Philippines đã thực hiện chuyến bay trinh sát và phát hiện tàu Trung Quốc đã neo đậu tại đây trong nhiều tuần.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy boong của các tàu này rất sạch sẽ, như thể chúng là tàu mới. Theo ông Batongbacal, mối lo ngại lớn là Trung Quốc có thể đang chuẩn bị chiếm đóng khu vực này để xây dựng một hòn đảo nhân tạo khác, như những gì chúng ta đã từng chứng kiến trước đây.

Trong khi đó, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), chuyên gia Greg Poling nhận định rằng các hành vi của Trung Quốc rất đáng ngờ, các con tàu được buộc sát cạnh nhau “nhằm phục vụ cho mục đích quân sự”, chứ không phải để đánh bắt thủy sản.

Một chuyên gia khác là nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường quan hệ quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore cảnh báo rằng các hành động của Trung Quốc đang làm căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông.

Trong khi đó, cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh hải quân của Mỹ Peter Dutton nhận định Trung Quốc dường như đang gây sức ép với các nước ở Biển Đông.

Có thể nói, những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông tiếp tục thách thức luật pháp quốc tế và vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền chủ quyền của nước khác.  Năm 2016, Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) tại La Haye đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo phán quyết của PCA, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" (bao phủ 80% diện tích Biển Đông) là trái với UNCLOS 1982 và tình trạng khu vực này phải được điều chỉnh theo UNCLOS 1982 về chủ quyền biển.

Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, điều quan trọng là các nước cần tuân thủ hệ thống luật pháp quốc tế. UNCLOS 1982 có vai trò tạo ra khuôn khổ pháp lý để ngăn chặn và giải quyết những tranh chấp trên biển, đồng thời để các nước thành viên tham gia hiểu được những quyền hạn và trách nhiệm của mình.

Trung Quốc cũng như nhiều nước khác tham gia UNCLOS 1982 đều phải tuân thủ văn kiện này. Việc Trung Quốc không tuân theo các quy định hay nghĩa vụ bắt buộc của công ước này rõ ràng là những hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, tác động tiêu cực tới hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực./.

Chiến sỹ làm nhiệm vụ tại Trường Sa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục