Dư luận kêu gọi Myanmar giải quyết bất đồng thông qua đối thoại

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và lãnh đạo nhiều nước đã lên tiếng kêu gọi các bên ở Myanmar giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
Cảnh sát phong tỏa tuyến đường dẫn tới tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Naypyidaw ngày 29/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/2, sau khi quân đội Myanmar bắt giữ các nhà lãnh đạo chính phủ ở nước này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi các bên ở Myanmar giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.

Trong một thông cáo, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, cho rằng kết quả cuộc bầu cử Quốc hội tại Myanmar hồi tháng 11/2020, trong đó đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành đa số ghế tại cả hai viện Quốc hội liên bang, phản ánh ý chí của người dân Myanmar tiếp tục con đường cải cách dân chủ.

Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng ý chí của người dân nước này và nhấn mạnh mọi bất đồng cần phải giải quyết thông qua đối thoại hòa bình.

[Myanmar: Nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức bị bắt]

Các nhà ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã dự kiến nhóm họp vào ngày 4/2 tới để thảo luận tình hình Myanmar, với sự tham gia của Đặc phái viên đặc biệt của Liên hợp quốc tại Myanmar Christine Schraner Burgener.

Tuy nhiên, trước diễn biến mới, cuộc họp có thể sẽ diễn ra sớm hơn dự kiến.

Một số nước trong khu vực cũng đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại Myanmar.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Singapore kêu gọi tất cả các bên tại Myanmar kiềm chế, hợp tác hướng tới một kết quả hòa bình. Tuyên bố nhấn mạnh Singapore "đang theo dõi sát sao tình hình tại Myanmar và hy vọng tất cả các bên liên duy trì đối thoại, hướng tới một kết quả tích cực."

Indonesia kêu gọi Myanmar tuân thủ các nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN, trong đó có pháp trị, dân chủ và chính phủ hợp hiến. Người phát ngôn của Phủ tổng thống Philippines, ông Harry Roque, cho hay nước này ưu tiên an toàn của công dân Philippines tại Myanmar.

Trong khi đó, tại một cuộc họp báo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên tại Myanmar giải quyết các vấn đề một cách hòa bình thông qua đối thoại và phù hợp với tiến trình dân chủ.

Ông Kato cho biết Nhật Bản đang cập nhật tình hình Myanmar thông qua đại sứ quán nước này ở Yangon và sẽ đảm bảo an toàn cho công dân Nhật Bản tại đây.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng kêu gọi tôn trọng ý chí của người dân Myanmar thể hiện qua cuộc bầu cử Quốc hội ngày 8/11/2020.

Trước đó, người phát ngôn của NLD, ông Myo Nyunt, xác nhận quân đội Myanmar đã bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint, Bộ trưởng Tài chính và kế hoạch Soe Nyunt Lwin cùng một số quan chức khác thuộc NLD sáng 1/2.

Sau đó, Văn phòng Tổng thống Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm trên kênh truyền hình Myawady TV do quân đội quản lý.

Phó Tổng thống thứ nhất U Myint Swe - hiện đảm nhận cương vị quyền Tổng thống Myanmar - ký tuyên bố này.

Theo tuyên bố, quyền lãnh đạo nhà nước sẽ được giao cho Tư lệnh các lực lượng quốc phòng Min Aung Hlaing. Các chức năng lập pháp của quốc hội bị đình chỉ.

Các nguồn tin cho biết quân đội Myanmar đã kiểm soát chính quyền và cơ quan lập pháp ở nhiều khu vực. Hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn tại thủ đô Nay Pyi Taw và nhiều khu vực khác.

Đài phát thanh truyền hình nhà nước Myanmar MRTV cũng thông báo không thể phát sóng trong sáng 1/2.

Ngoài ra, hãng tin Reuters đưa tin tất cả các ngân hàng tại Myanmar đã tạm dừng mọi dịch vụ do đường truyền Internet kém liên quan diễn biến chính trị tại nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục