Ngày 25/1, cử tri Hy Lạp sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử không chỉ quyết định tương lai của nước này mà còn cho cả Liên minh châu Âu (EU). Dư luận châu Âu đang chờ đợi kết quả bầu cử vì nó có thể dẫn tới việc Hy Lạp có tiếp tục ở lại khu vực đồng euro hay không.
Trong suốt thời gian xảy ra khủng hoảng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) từ cuối năm 2009 đến nay, Hy Lạp luôn nằm ở “tâm bão”. Quốc gia này đã nhận được gói cứu trợ vào tháng 5/2010 và là chủ đề của các cuộc tranh luận về khả năng nước này có phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung trong các năm 2011 và 2012 hay không. Đây cũng là lý do khiến các chủ nợ của Hy Lạp lo ngại và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải tạm ngưng trợ giúp tài chính cho Hy Lạp để chờ xem tình hình diễn tiến tới đâu.
Từ năm 2010 đến nay, Hy Lạp vẫn “sống” nhờ vào tiền của các chủ nợ quốc tế (IMF, Ngân hàng trung ương châu Âu - ECB và EU). Ba tổ chức này đã cam kết cho Hy Lạp vay tổng cộng 240 tỷ USD với điều kiện nước này phải thực hiện một kế hoạch thắt lưng buộc bụng rất nghiêm ngặt.
Những kế hoạch khắc khổ này đang khiến cuộc sống của người dân Hy Lạp trở nên khó khăn và rất có thể họ sẽ trừng phạt chính phủ của Thủ tướng Antonis Samaras, hiện bị cho là quá cứng nhắc và bảo thủ, để đưa ông Alexis Tsipras - lãnh tụ của đảng cánh tả Syriza - lên cầm quyền.
Thực tế cho thấy dù đã nhận được các khoản cứu trợ quốc tế, nhưng Hy Lạp vẫn là nước duy nhất còn lại trong Eurozone phải đối mặt với nhiều khó khăn trầm trọng với tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức kỷ lục 24,8% do chính phủ phải thực hiện cắt giảm chi tiêu, giảm bớt lao động theo các yêu cầu của các chủ nợ.
Việc người dân bị mất việc làm, cuộc sống trở nên khó khăn khiến họ quay lưng lại với các gói cứu trợ của quốc tế và muốn dồn phiếu cho đảng cánh tả Syriza trong cuộc bầu cử trước thời hạn sắp tới.
Kết quả các cuộc thăm dò đều cho thấy đảng Syriza hiện đang dẫn đầu và hơn 4 điểm phần trăm so với đảng Dân chủ mới của đương kim Thủ tướng Samaras.
Tuy nhiên, những dự định của đảng Syriza vẫn chưa rõ ràng, khiến các chủ nợ càng thêm lo ngại. Dù Syriza không nói thẳng rằng họ sẽ đưa Hy Lạp ra khu vực đồng euro và đòi các chủ nợ phải giảm bớt nợ công của Hy Lạp, hiện chiếm tới 175% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo ông Tsipras, nếu không đạt được thỏa thuận thì Hy Lạp sẽ bị vỡ nợ và việc ra khỏi khu vực đồng euro là không thể tránh khỏi.
Các nhà quan sát cho rằng có thể đó chỉ là những tuyên bố để lấy lòng cử tri Hy Lạp và gây sức ép với EU. Nhiều khả năng nếu trúng cử, ông Tsipras sẽ chỉ đề nghị EU phải điều chỉnh chính sách, "mềm mỏng" và "linh hoạt" hơn đối với các yêu cầu “thắt lưng buộc bụng,” nếu không muốn đẩy nước này vào tình trạng phá sản hoặc cạn kiệt mọi nguồn lực, dẫn đến mâu thuẫn trong xã hội gia tăng.
Trong bài phát biểu trước cử tri hôm 18/1, ông Tsipras nói rằng châu Âu không phải là "nạn nhân của khủng hoảng, mà là nạn nhân của chính sách thắt lưng buộc bụng" mà họ áp đặt cho Hy Lạp nói riêng và cả khối nói chung.
Ông yêu cầu EU phải thoát ra khỏi "bóng tối của chính sách kinh tế hà khắc để hướng đến dân chủ, đoàn kết và phát triển bền vững."
Ông cũng nói thêm rằng "việc áp đặt các chính sách hà khắc của EU đối với Hy Lạp chỉ là bước đầu và Tây Ban Nha sẽ là bước tiếp theo".
Đây được coi là động thái nhằm gia tăng mối liên kết với đảng cánh tả Podemos – hiện đang rất thành công trong việc lôi kéo cử tri ở Tây Ban Nha chống lại những chính sách hà khắc mà chính phủ Madrid đang áp dụng để đối phó với suy thoái kinh tế.
Hiện cả Pháp và Đức đều mất kiên nhẫn về khả năng phục hồi của kinh tế Hy Lạp và hai nước đều tuyên bố "quyết định lúc này là của người dân Hy Lạp."
Hiện vẫn chưa thể dự đoán kết quả của cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Nếu Syriza chỉ đạt được từ 32%-34% số phiếu, họ không thể lãnh đạo đất nước nếu như không liên minh với các đảng phái khác.
Bài học những năm qua cho thấy sự liên minh lỏng lẻo trên chính trường Hy Lạp luôn kéo theo những bất ổn về chính trị và nếu điều đó tiếp diễn, khả năng kinh tế Hy Lạp thoát khỏi "đám mây mù" khủng hoảng lại càng thêm xa vời./.