Dữ liệu kinh tế Mỹ phức tạp gây áp lực lên thị trường chứng khoán toàn cầu

Các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất cho đến cuộc họp tháng Sáu, song dữ liệu kinh tế ngày 14/3 khiến triển vọng Fed sớm nới lỏng chính sách tiền tệ đang mờ nhạt hơn.
Giao dịch viên trên sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu hầu hết giảm điểm khi đóng cửa giao dịch ngày 14/3 do loạt chỉ số kinh tế mới nhất dường như làm giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm cắt giảm lãi suất.

Chốt phiên, các chỉ số chứng khoán chủ lực của Phố Wall đều giảm từ 0,3% đến 0,4% điểm. Dow Jones giảm còn 38.905,66 điểm, S&P 500 bốc hơi còn 5.150,48 điểm và Nasdaq dừng ở 16.128,53 điểm.

Trong phiên giao dịch, CAC 40 - chỉ số chứng khoán Pháp đã chạm đỉnh lịch sử vượt mốc 8.200 điểm và DAX - chỉ số chứng khoán Đức đạt đỉnh mới vượt 18.000 điểm, nhưng cả hai sau đó đều bị chứng khoán Mỹ kéo xuống. Paris chốt phiên chỉ tăng nhẹ và Frankfurt đóng cửa với mức giảm.

Theo báo cáo ngày 14/3 của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) - thước đo lạm phát trước khi đến tay người tiêu dùng - đã tăng 0,6% trong tháng Hai, cao hơn mức tăng 0,3% của tháng Một.

Đây là mức tăng theo năm lớn nhất kể từ tháng Chín năm ngoái (1,6%). Thông tin lạm phát cao hơn dự kiến này đã đẩy mạnh chỉ số đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, gây áp lực lên giá vàng.

Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế khác được công bố cùng ngày lại cho thấy tín hiệu trái chiều. Cũng theo Bộ Lao động Mỹ, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm 1.000 người xuống còn 209.000 người trong tuần kết thúc ngày 8/3, thấp hơn so với dự báo của thị trường là 218.000.

Trên bảng điện tử giao dịch COMEX ở New York, giá vàng giao tháng Tư giảm 13,30 USD (0,61%), chốt phiên ở mức 2.167,50 USD/ounce.

Những thông tin này cho thấy bức tranh nền kinh tế Mỹ đang phức tạp. Mặc dù lạm phát tăng cao hơn dự kiến, nhưng thị trường lao động vẫn có dấu hiệu tích cực. Điều này đặt ra thách thức cho Fed trong việc hoạch định chính sách tiền tệ sắp tới khi cơ quan này chuẩn bị nhóm họp vào ngày 19-20/3.

Bà Kathleen Brooks, Giám đốc Nghiên cứu tại XTB đánh giá: "Dữ liệu giá sản xuất của Mỹ bất ngờ tăng cao, làm gia tăng lo ngại về áp lực lạm phát đang gia tăng, và các ngân hàng trung ương có thể không thể cắt giảm lãi suất nhanh như dự đoán."

Nhà phân tích Charles Schwab, Joe Mazzola cho rằng với chưa đầy một tuần nữa cho đến cuộc họp tiếp theo của Fed, dữ liệu kinh tế trên củng cố lo ngại lạm phát vẫn "nóng" hơn mong muốn của ngân hàng trung ương.

Mặc dù hầu hết các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất cho đến cuộc họp tháng Sáu, song những chỉ dấu kinh tế nêu trên khiến triển vọng Fed sớm nới lỏng chính sách tiền tệ đang bị mờ nhạt hơn.

Ở các thị trường khác, Bitcoin chạm mức cao kỷ lục mới ở 73.797 USD trước khi giảm giá, và dầu thô đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2023.

Giá dầu tăng do dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng nhu cầu đối với "vàng đen" sẽ tăng cao hơn dự kiến, kết hợp với các báo cáo đầu tuần rằng kho dự trữ dầu của Mỹ đã giảm.

Hiện các nhà đầu tư cũng đang theo dõi chặt chẽ căng thẳng Mỹ-Trung sau khi Hạ viện Mỹ phê chuẩn một dự luật buộc TikTok phải thoái vốn quyền sở hữu khỏi công ty mẹ ByteDance hoặc cấm nền tảng của Trung Quốc này hoạt động tại Mỹ.

Trung Quốc đã phản đối dự luật này, cho rằng điều này đi ngược lại với cạnh tranh công bằng. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 14/3 thông báo ông đang tập hợp một nhóm các nhà đầu tư để mua TikTok./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục