Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức, song ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút mạnh mẽ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt trong việc tổ chức các chương trình du lịch dài ngày.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững vừa diễn ra sáng nay (15/8), tại Hà Nội
Bước ngoặt của nền kinh tế xanh
Theo lãnh đạo ngành du lịch, dẫu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng đáng kể (năm 2021 tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp thứ 52/117 quốc gia/nền kinh tế). Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ cải thiện chỉ số xếp hạng cao nhất thế giới.
[Thân phận những “cá siêu nhỏ” trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch]
Trong khó khăn vẫn có cơ hội. Bởi vậy, nhằm đẩy mạnh tăng tốc, hành động quyết liệt tạo đột phá quá trình phục hồi và phát triển du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bền vững cũng như triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quyết định số 440 về việc phê duyệt Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu xác định quảng bá, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Quyết định số 1894 về Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Để giai đoạn mới trở thành bước ngoặt của nền kinh tế xanh nước nhà cũng như tạo đột phá cho phát triển du lịch, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh việc coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, khách du lịch là trung tâm, sản phẩm và hạ tầng là nền tảng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại là động lực phát triển hoạt động du lịch, nắm bắt nhanh các xu hướng du lịch mới, định hướng các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp du lịch.
Đặc biệt, toàn ngành cần kịp thời nắm bắt cơ hội từ chính sách visa (thị thực) thông thoáng hơn làm đòn bẩy giúp du lịch phát triển vượt bậc, tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Ngành du lịch cũng phát huy tính năng động, sáng tạo và vai trò động lực của doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển du lịch; đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái du lịch, mô hình du lịch mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt: “Kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ do Chính phủ giao, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch, các ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Hướng tới phát triển du lịch với phương châm ‘Sản phẩm đặc sắc-Dịch vụ chuyên nghiệp-Thủ tục thuận tiện-Giá cả cạnh tranh-Môi trường vệ sinh sạch đẹp-Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, đưa Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.”
Tăng tốc tạo đột phá
Hội nghị đã lắng nghe 11 ý kiến trực tuyến của các đại biểu từ các cùng du lịch trọng điểm trên cả nước và cơ bản thống nhất với nội dung kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ, Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Trong đó, việc phát triển sản phẩm du lịch đêm là nội dung được nhiều địa phương quan tâm. Hầu hết các ý kiến đều khẳng định, phát triển du lịch đêm không chỉ góp phần tăng chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú của du khách mà còn đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Tuy nhiên, do đây là sản phẩm du lịch đặc thù, nên thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, trong việc đảm bảo du lịch đêm đa dạng, phản ánh bản sắc văn hóa mỗi điểm đến cũng như đảm bảo tính bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh: “Hiện Cục đã tham mưu, hoàn thiện Kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Nghị quyết 82. Trong đó, với nhóm nhiệm vụ ‘Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch,’ sau khi triển khai thực hiện, Cục sẽ đẩy mạnh triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, phát triển thương hiệu du lịch quốc gia, xây dựng Việt Nam thật sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi.”
Tiếp đó, du lịch Việt sẽ phát triển, xây dựng sản phẩm chủ lực của ngành, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực; Xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch; ứng dụng công nghệ số, tổ chức các hoạt động e-marketing du lịch. Nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt tại một số thị trường du lịch trọng điểm...
Mặc dù thừa nhận du lịch Việt vẫn còn những tồn tại, hạn chế và thách thức, song Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh chỉ rõ trong tình hình mới toàn ngành cần phải mạnh mẽ tăng tốc, quyết liệt hành động hơn nữa để tạo đột phá trong phát triển du lịch.
“Với tinh thần chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, tôi tin rằng du lịch Việt Nam nhất định sẽ sớm phục hồi và trở lại đà tăng trưởng như trước đây, tiếp tục phát triển hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của đất nước,” Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định./.