Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia, ông Hà Văn Siêu vừa có chuyến dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Phiên toàn thể Đại hội đồng Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) lần thứ 25 tại Samarkand, Uzbekistan, từ ngày 16-20/10.
Nắm bắt cơ hội để chuyển đổi
Theo thông tin từ đoàn Việt Nam, trong khuôn khổ phiên toàn thể Đại hội đồng UNWTO lần thứ 25 có sự tham gia của phái đoàn đến từ 117 quốc gia, trong đó có 70 Trưởng đoàn cấp Bộ trưởng.
Phiên toàn thể tập trung báo cáo các xu hướng của du lịch quốc tế, kết quả hoạt động của UNWTO giai đoạn 2022-2023, chương trình công tác dự kiến giai đoạn 2024-2025, các báo cáo về thành viên, tình hình tài chính, hoạt động của các bộ máy trực thuộc UNWTO, thông qua danh sách thành viên Hội đồng Điều hành UNWTO giai đoạn 2023-2027…
Tính đến tháng 9/2023, UNWTO có 159 thành viên chính thức (đến tháng 1/2024, Belize sẽ gia nhập tổ chức và nâng con số này lên 160) và 432 hội viên.
Phát biểu tại Đại hội đồng, Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili khẳng định Đại hội đồng lần này là thời điểm quan trọng đối với Tổ chức Du lịch Thế giới và cả ngành du lịch. Giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch đã qua đi, và giờ là lúc thế giới nắm bắt cơ hội để chuyển đổi ngành với định hướng lâu dài, đặt những di sản thiết thực cho du lịch toàn cầu.
Nhân dịp này, Tổng Thư ký cũng đã đưa ra mục tiêu mang tính bước ngoặt cho du lịch với tài liệu “Hành trình tới năm 2030: Một tầm nhìn để chuyển đổi ngành du lịch.”
Theo ông Zurab Pololikashvili, trong hai năm 2022-2023, ngành du lịch đã đặt ra năm ưu tiên chính của chương trình công tác gồm: Phát triển du lịch thông minh hơn - Đổi mới và chuyển đổi số; Đầu tư và kinh doanh Xanh; Giáo dục và nghề nghiệp; Xây dựng khả năng phục hồi, đẩy mạnh marketing và tạo điều kiện đi lại; Bảo vệ di sản: Bền vững về xã hội, văn hóa và môi trường.
Trong giai đoạn 2024-2025, Đại hội đồng đã thông qua Chương trình công tác ưu tiên 2024-2025, với ba mục tiêu chiến lược mới: Xây dựng UNWTO trở thành tổ chức du lịch có sức ảnh hưởng, thông qua ủng hộ, phát triển tri thức, hướng dẫn chính sách và đa dạng hóa dịch vụ; Mở rộng tổ chức và thành viên, tăng nguồn lực, năng lực và sở hữu thông qua quan hệ đối tác chiến lược; Chuyển đổi tổ chức vì một tương lai tốt đẹp hơn, quản trị linh hoạt và hiệu quả.
[UNWTO: Cần đầu tư toàn diện vào phát triển du lịch bền vững]
Theo đó, 5 ưu tiên công tác mới sẽ là: Nâng cao năng lực cạnh tranh; Thúc đẩy bền vững và bao trùm; Đầu tư cho con người; Tăng cường đầu tư và đổi mới; Xây dựng thể chế mạnh và tốt hơn.
Đại hội đồng đã quyết định địa điểm và chủ đề của Ngày Du lịch Thế giới trong hai năm tới: Năm 2024 có chủ đề “Du lịch và Hòa bình” tại Georgia; Năm 2025 có chủ đề “Du lịch và Chuyển đổi Bền vững” tại Malaysia. Đại hội đồng UNWTO lần thứ 26 sẽ được tổ chức tại Saudi Arabia vào năm 2025.
Tăng cường hợp tác Việt Nam-Uzbekistan
Phó Cục trưởng cho biết Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev đã có cuộc gặp gỡ vào ngày 17/10.
Theo đó, Chủ tịch nước đã đề nghị hai bên làm sâu sắc thêm các lĩnh vực tiềm năng, trong đó có trao đổi văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân, nghiên cứu mở đường bay thẳng kết nối các điểm đến giữa hai quốc gia. Đây là cơ sở tốt để hai bên thúc đẩy hợp tác du lịch trong thời gian tới, đặc biệt cần khuyến khích thiết lập đường bay thẳng để tạo điều kiện thuận lợi trao đổi khách.
Nhân dịp này, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cũng tiếp xúc song phương với Phó Tỉnh trưởng tỉnh Fergana, Uzbekistan (phụ trách Du lịch, Văn hoá và Truyền thông), ông Hurshid Akhmedov vào ngày 18/10.
Phó Tỉnh trưởng tỉnh Fergana cho biết với những định hướng quyết liệt của Tổng thống Uzbekistan trong việc phát triển du lịch, Fergana sẽ đăng cai nhiều hoạt động quốc tế trong thời gian tới.
Fergana có thế mạnh về ngành công nghiệp dệt, nông sản và du lịch văn hóa, do đó rất mong muốn sẽ tăng cường hợp tác với du lịch Việt Nam trong thời gian tới và sẽ thành lập đoàn công tác Fergana sang thăm Việt Nam. Ông Hurshid Akhmedov cho biết trong 9 tháng năm 2023, đã có khoảng 1.500 khách du lịch Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ Đại hội đồng, đoàn Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Đầu tư Du lịch UNWTO và Diễn đàn Giáo dục Du lịch UNWTO. Hai diễn đàn là dịp để các chuyên gia quốc tế thảo luận về các xu hướng, kinh nghiệm và khuyến nghị để đầu tư vào du lịch hướng về con người, hành tinh và sự thịnh vượng, cũng như đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao.
Theo báo cáo của UNWTO, giai đoạn 2022, nhóm các nước dẫn đầu về FDI cho du lịch bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha; nhóm các nước dẫn đầu về giáo dục du lịch bậc cao là Thuỵ Sỹ, Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc.
Bên lề sự kiện, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết đã trả lời phỏng vấn của một số báo chí quốc tế và Uzbekistan như Truyền hình CGTN (thuộc CCTV Trung Quốc), Xalqaro press và Samarqand VTRK (Uzbekistan)./.
Tổng Thư ký Zurab Pololikashvili cho hay trong 7 tháng năm 2023, số khách du lịch quốc tế trên toàn cầu đạt khoảng 700 triệu lượt, đã phục hồi được 84% so với cùng kỳ năm 2019 trước đại dịch. Khu vực Trung Đông phục hồi mạnh mẽ nhất, với tăng trưởng 20% so với trước đại dịch; thứ hai là khu vực châu Phi phục hồi 92% so với trước đại dịch; châu Âu đứng thứ ba khi phục hồi 91% nhờ nhu cầu đi du lịch nội vùng tăng trưởng mạnh. Châu Mỹ (87%) và châu Á-Thái Bình Dương (61%) là hai khu vực phục hồi chậm hơn. Những thách thức về kinh tế có thể ảnh hưởng đến hành vi chi tiêu của du khách. Khách du lịch có xu hướng quan tâm đến giá trị mà chuyến đi mang lại, du lịch gần nhà hơn và lưu trú ngắn hơn. Theo kịch bản dự báo của UNWTO, khách quốc tế năm 2023 sẽ phục hồi được khoảng 80-95% so với trước đại dịch. |