Du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn nước rút năm 2011 nhưng đã cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan của một năm “bội thu.” Không những đạt chỉ tiêu về lượng khách trong nước và quốc tế mà chất lượng dịch vụ của ngành cũng bắt đầu khởi sắc với nhiều phản hồi tích cực. Theo đó, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang lấy đà gấp rút hoàn thiện kịch bản mới cho Năm du lịch quốc gia 2012. “Cán đích” sớm… Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng qua đã có hơn 5,4 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Mục đích du lịch của lượng khách này chủ yếu là nghỉ dưỡng với gần 3,3 triệu lượt người (tăng 15,4%); thăm thân đạt hơn 900 nghìn lượt người (tăng 74,5%). Riêng khách đến vì công việc lại giảm 3,1%, với khoảng 900 nghìn lượt người. Lượng khách từ hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam với trên 1,2 triệu lượt, tăng 49% tính đến hết tháng 11/2011 (so với năm 2010 chỉ đạt khoảng 900.000 lượt). Trước đó, theo thống kê tháng Mười, số lượng khách quốc tế mới dừng ở mức hơn 4,8 triệu lượt. Như vậy, chỉ trong vòng một tháng lữ hành trong nước đã tạo được “cú hích” ngoạn mục, tăng thêm 0,5 triệu lượt khách quốc tế.
Nha Trang được du khách quốc tế ưa chuộng khi đến Việt Nam - Ảnh: Searcher Vn/Vietnam+
Với đà này, đến hết tháng Mười hai, ngành du lịch hoàn toàn có thừa khả năng “cán” mốc đón 5,5 triệu lượt khách quốc tế đã đề ra từ nhiệm vụ đầu năm. Ngoài ra, ngành cũng đang nhiều kỳ vọng sẽ đạt chỉ tiêu doanh thu trên 110 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,6% GDP. Ngành du lịch thắng lợi như vậy là do trong năm qua, các điạh phương trên cả nước đã tổ chức rầm rộ các sự kiện nhằm đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch, thu hút du khách. Tiêu biểu như tuần lễ Caraval tại Quảng Ninh, thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, tuần lễ du lịch biển Khánh Hòa. Đặc biệt là các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ tại Phú Yên và các tỉnh liên quan… Ngoài ra, ngành du lịch với việc tập trung ưu tiên cho một số nhiệm vụ trọng tâm được triển khai thực hiện suốt bốn tháng cuối năm như Hội chợ Du lịch quốc tế ITE tại Thành phố Hồ Chí Minh, tham gia các Hội chợ Du lịch ở nước ngoài cũng như tổ chức phát động thị trường du lịch tại một số nước như Trung Quốc, Nga, Ukraine, Đan Mạch, Na Uy… cũng góp phần thu hút được lượng lớn khách quốc tế đến Việt Nam. Và câu chuyện vỗ hai bàn tay một nhịp Ngành du lịch tuy đã có một năm hoàn thành sớm chỉ tiêu như vậy nhưng trong thực tế hoạt động vẫn còn đó nhiều bất cập. “Qua khảo sát chúng tôi thấy nhiều doanh nghiệp trong quá trình phát triển gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là sự yếu kém và kết nối về hạ tầng kỹ thuật, sự thiếu đồng bộ và thiếu tập trung trong quy hoạch,” Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Nhóm Tư vấn Năm Du lịch quốc gia 2012, tiến sĩ Trần Du Lịch nói.
Du lịch biển là thế mạnh của Việt Nam - Ảnh: Searcher Vn/Vietnam+
Ông Lịch đặc biệt nhấn mạnh, từ lữ hành đến lưu trú đều thiếu và yếu về nguồn nhân lực cho phát triển, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, có khả năng điều hành tốt trong lĩnh vực du lịch. Những tồn tại này được ông lý giải là do một thời gian dài chưa có sự liên kết giữa Nhà nước và các doanh nghiệp trong phát triển du lịch. Do đó, nếu các doanh nghiệp làm du lịch kể cả lưu trú, lữ hành, du lịch bất động sản… mà không liên kết được với nhau thì chính quyền cũng không làm được. “Kinh tế thị trường như hai bàn tay vỗ thành một nhịp, một bàn tay là Nhà nước, một bàn tay là doanh nghiệp. Phải làm sao để hai bàn tay ấy vỗ thành nhịp kêu to chứ không lẹt đẹt,” vị chuyên gia này nói. Trong bối cảnh du lịch đã bắt đầu khởi sắc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sớm đưa ra mục tiêu ngành: “Mục tiêu chiến lược của du lịch Việt Nam đến 2015 là thu hút 7,5 triệu lượt du khách quốc tế, 35 triệu du khách nội địa, doanh thu ước đạt 8-9 tỷ USD, đóng góp 5-5,5% GDP.” Tiếp nối đà này đến năm 2020, Ngành phấn đấu đón 10-10,5 triệu lượt du khách quốc tế, 45 triệu khách nội địa, thu nhập từ du lịch trên 11 tỷ USD, đóng góp 6-6,5 % GDP. “Để đạt được mục tiêu đó, các vùng du lịch trọng điểm có vai trò quyết định, tạo động lực cho sự phát triển của ngành du lịch cả nước,” Bộ trưởng khẳng định./.
ChiLê (Vietnam+)