Trong cuộc trao đổi gần đây với phóng viên Vietnam+ tại London, Giám đốc Điều hành Công ty du lịch Experience Travel của Anh Sam Clark cho rằng việc Việt Nam miễn thị thực có thời hạn cho công dân Anh và một số nước châu Âu khác kể từ ngày 1/7 tới sẽ có tác động tích cực đối với số lượng du khách.
Tuy nhiên, về lâu dài, du lịch Việt Nam cần duy trì những nét đặc trưng văn hóa, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp...
- Xin ông đánh giá đôi nét về thị trường du lịch tại Việt Nam? Đâu là những ưu tiên của du khách Anh khi họ quyết định đến Việt Nam du lịch, thưa ông?
Ông Sam Clark: Chúng tôi luôn xác định Việt Nam là một thị trường du lịch có đặc trưng riêng. Tuy nhiên, thời gian qua, mức cầu có giảm đôi chút so với những gì mà chúng tôi mong chờ từ thị trường Việt Nam. Đối với chúng tôi, thị trường du lịch Việt Nam là điểm đến trải nghiệm và đã có nhiều năm đạt tốc độ tăng trưởng cao. Nhưng năm 2014 vừa qua, du lịch Việt Nam đã vấp phải khó khăn.
Thông thường, khách hàng của chúng tôi muốn đi thăm những địa điểm nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Hà Nội, Hội An. Đối với trường hợp Việt Nam, yếu tố lịch sử có sức hấp dẫn đáng kể. Việt Nam cũng có một nền văn hóa thật lý thú, làm rung động lòng người.
Du khách thường đến Việt Nam sau khi tới Thái Lan để tìm kiếm sự khác biệt. Gần đây chúng tôi còn phát hiện ra rằng ẩm thực Việt ngay tại nước Anh cũng là một trong những yếu tố kích cầu, thu hút du khách. Mọi người muốn thưởng thức món ăn Việt Nam ngay tại nguồn cội của nó, sau khi họ đã nếm thử ở London.
Theo tôi, xu hướng chủ yếu vẫn là khám phá và trải nghiệm văn hóa ẩm thực giàu bản sắc và rất thú vị của Việt Nam. Giờ đây, du khách không muốn thưởng thức đồ ăn ngay tại nhà hàng chuyên phục vụ khách du lịch nữa, mà họ thích trải nghiệm cảm giác thực thụ như người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện du khách vẫn khó thực hiện được điều này, do thiếu thông tin và thực đơn bằng tiếng Anh cũng như vấn đề giá cả.
- Kể từ ngày 1/7 tới, Chính phủ Việt Nam sẽ miễn thị thực có thời hạn đối với công dân Anh cũng như một số nước khác ở châu Âu. Vậy du khách Anh đón nhận chính sách này như thế nào?
Ông Sam Clark: Đây là một sáng kiến tuyệt vời. Chúng tôi cho rằng nó sẽ có tác động tích cực và rất đáng kể đối với số lượng du khách đến Việt Nam. Chúng tôi rất vui trước quyết định này từ phía Việt Nam.
Bởi nhiều khách hàng của chúng tôi có ấn tượng đầu tiên không mấy dễ chịu khi phải xếp hàng chờ đợi để nhận thị thực điện tử. Việc miễn thị thực không ảnh hưởng nhiều đến số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam lần đầu. Tuy nhiên, thị thực có thể là rào cản đối với những du khách muốn quay trở lại Việt Nam nhiều lần, như với Thái Lan.
Công ty của chúng tôi có thế mạnh về thị trường du lịch hộ gia đình. Vì vậy, chúng tôi cho rằng khi không còn phải trả lệ phí thị thực vào Việt Nam, các gia đình sẽ thực sự thoải mái lên kế hoạch đi nghỉ. Các gia đình thường quan tâm nhiều đến tính tiện ích và sự thuận lợi hơn là những điểm đến cụ thể.
Rõ ràng, chính sách này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đi du lịch qua nhiều nước ở Đông Nam Á. Họ có thể vào Việt Nam hai lần và đi lại bằng Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng và triển khai các chiến dịch tiếp thị xung quanh chính sách này, đặc biệt là đối với thị trường du lịch hộ gia đình.
- Về lâu dài, ngành du lịch Việt Nam cần phải làm gì để nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng bền vững và ngày càng chuyên nghiệp thưa ông?
Ông Sam Clark: Ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn có những điều khiến du khách cảm thấy thất vọng. Một số người còn ngần ngại khi nghĩ đến việc thăm thú hay giới thiệu, quảng bá Việt Nam là một điểm đến du lịch.
Tình trạng "đội giá" cùng với những thói quen "ăn xổi" khác cần phải được khắc phục nhằm tạo ra một môi trường thân thiện, mến khách. Điều này hoàn toàn đúng đối với những du khách ba-lô còn trẻ.
Mặc dù không thuộc thị trường của chúng tôi, nhưng họ lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc thuyết phục cha mẹ mình đến thăm Việt Nam, hoặc bản thân họ đưa gia đình quay lại khi đã lớn tuổi. Những du khách trẻ tuổi này cần phải được bảo vệ tốt hơn nữa trước nạn chèo kéo bán hàng.
Cải thiện chất lượng của dịch vụ đường sắt cũng sẽ mang lại hiệu quả đáng kể. Nhiều du khách thích đi tàu hỏa hơn là máy bay. Tuy nhiên, các công ty du lịch sợ sử dụng tàu, trừ phi du khách biết cách tự bảo vệ, chăm sóc chính mình.
Bên cạnh đó, khai thác tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho lĩnh vực du lịch cần được thúc đẩy. Có thể coi đây là một trong những yếu tố quan trọng của ngành du lịch Việt Nam. Mặc dù vậy, ngoài vịnh Hạ Long, thì du khách còn ít được trải nghiệm ở vùng nông thôn, hay hòa mình vào thiên nhiên.
Việc phát triển các sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp dựa trên chất lượng cao của một số mặt hàng như chè, càphê... cũng cần được bổ sung để một kỳ nghỉ tại Việt Nam thêm ấn tượng.
Cuối cùng, hệ thống khách sạn thân thiện với môi trường và đạt chất lượng cao sẽ góp phần bảo đảm tương lai lâu dài cho điểm đến du lịch ở Việt Nam.
Tôi ủng hộ việc giữ nguyên giá phòng, nâng cao chất lượng và duy trì nét đặc trưng của Việt Nam như một điểm đến du lịch.
Xin cảm ơn ông!