Du lịch Việt Nam: Cần cái 'bắt tay' để thu hút dòng khách chi tiêu cao

Để thu hút dòng khách chi tiêu cao, du lịch Việt phải phát triển được sản phẩm chất lượng cao, tiếp thị được điểm đến, xây dựng được thương hiệu du lịch quốc gia…
Khách chơi golf là dòng khách có mức chi tiêu cao của Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Khách chơi golf là dòng khách có mức chi tiêu cao của Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Được Chính phủ xác định là nền kinh tế mũi nhọn, chắc chắn ngành du lịch đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng trong thời gian qua. Thế nhưng, “hậu trường” của ngành vẫn còn đó những ngổn ngang, như việc thiếu tính liên kết, loay hoay tạo sản phẩm cao cấp, chưa mang đến trải nghiệm đủ tốt cho khách nước ngoài…

Về những vấn đề này, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch quốc gia (TAB), thành viên Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có những chia sẻ với phóng viên bên lề sự kiện công báo Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam lần thứ hai 2019 sẽ tổ chức vào đầu tháng 12 tới.

Có gì là không thể nếu cùng “bắt tay” làm?

- Ông đánh giá thế nào về hiệu quả từ Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018?

Ông Trần Trọng Kiên: Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 có nhiều sáng kiến mà trong năm qua chúng ta đã làm được. Đầu tiên là du lịch Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt, chính sách thị thực thông thoáng hơn. Du khách đến Việt Nam cũng đã có những trải nghiệm tốt hơn. Các điểm thăm quan chính ở miền Trung, miền Nam nhất là Phú Quốc được đầu tư bài bản hơn.

Chính sách về hạ tầng cũng đang dần được cải thiện, như việc đầu tư sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Chu Lai thành sân bay chiến lược của miền Trung, mở rộng sân bay Phú Bài-Huế, sân bay Đồng Hới-Quảng Bình…

Du lịch Việt Nam: Cần cái 'bắt tay' để thu hút dòng khách chi tiêu cao ảnh 1Du khách thăm quan khu di tích lịch sử ở miền Bắc. (Ảnh có tính minh họa: X.Mai/Vietnam+)

Có thể thấy những thay đổi tích cực từ những kiến nghị của Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 đã góp phần tạo nên những chuyển biến đó. Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều việc chúng ta cần phải bàn thêm, có những việc phải cần thời gian dài mới có thể giải quyết.

Năm nay, diễn đàn vẫn tiếp tục bàn những việc như xúc tiến du lịch Việt Nam, bàn việc làm thế nào cải thiện trải nghiệm điểm đến cho du khách, bàn làm thế nào kết nối các sân bay tới nhiều vùng miền hơn… để du lịch Việt Nam có thể thực sự cất cánh.

- Theo ông đánh giá khâu nào là khâu yếu nhất cần phải cải thiện ngay của du lịch Việt Nam?

Ông Trần Trọng Kiên: Tôi nghĩ chúng ta nên cố gắng tập trung nhiều hơn vào việc tăng cường trải nghiệm. Trải nghiệm đó chính là nền tảng giúp chúng ta có thể tiếp tục hút khách vào. Vì mỗi khách có trải nghiệm tốt, khi trở về nước họ sẽ nói cho 5-6 người khác. Như vậy, như hiện nay chúng ta có hơn 18 triệu khách quốc tế rồi thì sẽ có khoảng 80 triệu khách tiềm năng.

Khi giúp du khách có những trải nghiệm tốt, tôi tin chắc chắn rằng chúng ta hoàn toàn có thể đạt được con số đó nếu chúng ta “bắt tay” làm cùng nhau, từ cơ quan nhà nước, các cơ quan quản lý điểm đến, các công ty du lịch tới các cộng đồng địa phương có hưởng lợi từ du lịch.

Du lịch Việt Nam: Cần cái 'bắt tay' để thu hút dòng khách chi tiêu cao ảnh 2Hãy để du khách quốc tế có trải nghiệm tốt và vui vẻ khi đến Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

- Việt Nam vừa tăng 10 bậc Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) trong hai năm liên tiếp, lên thứ hạng 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng, theo ông, điều đó có ý nghĩa như thế nào với ngành du lịch?

Ông Trần Trọng Kiên: Tôi nghĩ điều đó có ý nghĩa rất lớn, vì ít có quốc gia nào mà trong hai kỳ báo cáo liên tiếp của Diễn đàn kinh tế thế giới về năng lực cạnh tranh mà tăng trưởng liên tiếp hai kỳ với tổng số 10 bậc như Việt Nam. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực lại giảm rất nhiều bậc.

Đặc biệt, những cố gắng của toàn ngành, những người trực tiếp tham gia cũng như những nỗ lực của Hội đồng tư vấn Du lịch đã góp phần giúp cho du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế có mức cạnh tranh cao hơn rất nhiều.

Cần chiến lược thu hút dòng khách chi tiêu cao

- Năng lực cạnh tranh cao, nhưng có thể thấy nền kinh tế du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều phụ thuộc, như việc chúng ta phụ thuộc nhiều vào lượng khách Trung Quốc đến. Theo ông liệu điều đó có gây ra rủi ro gì không?

Ông Trần Trọng Kiên: Tôi nghĩ Việt Nam rất may mắn khi ở cạnh Trung Quốc, một đất nước có nguồn khách đông nhất thế giới hiện nay và tăng trưởng nhanh. Vị thế của chúng ta cho phép chúng ta có thể phục vụ lượng đông khách Trung Quốc, điều đó là không thay đổi được.

Du lịch Việt Nam: Cần cái 'bắt tay' để thu hút dòng khách chi tiêu cao ảnh 3Ẩm thực phong phú, hấp dẫn góp phần đưa hình ảnh du lịch Việt Nam gần gũi hơn với bạn bè quốc tế. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Và chúng tôi tin rằng Trung Quốc cũng luôn luôn là thị trường quan trọng và chiến lược của du lịch Việt Nam. Vấn đề là, chúng ta phải tìm cách khai thác thế nào cho hiệu quả và bền vững.

Điều đặc biệt, có nhiều khách Trung Quốc có nhu cầu chi trả cao cũng đến Việt Nam, ở lâu hơn và quay lại thường xuyên. Vấn đề là làm thế nào để thu hút dòng khách cao cấp này, đó chính là mục tiêu quan trọng mà du lịch cần hướng tới.

- Nhưng thực tế cho thấy khách Trung Quốc là đối tượng khách bị "mang tiếng” chi tiêu không cao khi đến Việt Nam, liệu có gì mâu thuẫn, thưa ông?

Ông Trần Trọng Kiên: Tôi tin rằng khách Trung Quốc còn chi tiêu cao hơn cả khách Tây Âu. Vấn đề là chúng ta phải tiếp thị được dòng khách mà họ chi tiêu cao. Để làm được điều này, ngành du lịch phải phát triển được sản phẩm chất lượng cao, tiếp thị được điểm đến, xây dựng được thương hiệu du lịch quốc gia…

Và đặc biệt, tất cả các ngành nghề liên quan phải cùng phối hợp với nhau, cùng đưa ra những sáng kiến. Trong môi trường hiện tại như ở ở Việt Nam, mỗi cá nhân doanh nghiệp không thể tự mình “gánh” được trách nhiệm này và không thể thành công nếu không kết hợp cùng Chính phủ, cùng các tổ chức khác.

Tôi tin rằng, nếu chúng ta ngồi cùng với nhau thường xuyên hơn, như cùng ngồi ở Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam 2019 sắp tới, thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu như việc khai thác thị trường Trung Quốc hiệu quả, bền vững và đặc biệt khai thác được dòng khách hàng có nhu cầu sản phẩm chất lượng cao, có khả năng chi trả cao và quay lại thường xuyên.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục