Du lịch Việt Nam: Ấp ủ chiến lược mới vượt qua thời giá rẻ

Giá rẻ, đương nhiên sẽ hấp dẫn và được lựa chọn nhiều. Thế nhưng về lâu dài, việc Việt Nam gắn với hình ảnh điểm đến giá rẻ sẽ khó thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của ngành du lịch...

Du lịch Việt Nam: Ấp ủ chiến lược mới vượt qua thời giá rẻ ảnh 1Việt Nam đã có những khu nghĩ dưỡng đẳng cấp.

Thi thoảng lại thấy trên mạng xuất hiện bình chọn Việt Nam hay một thành phố nào đó của chúng ta nằm trong top những điểm đến giá rẻ nhất thế giới. Nhiều người tự hào, cũng có khi tự nhủ chẳng biết cuộc bình chọn trên có giúp "nâng hạng" hình ảnh quốc gia trong mắt bạn bè thế giới hay không, nhưng cứ lọt top là vui.

[Top 10 'kỳ quan' ven biển Việt Nam]

Giá rẻ, đương nhiên sẽ hấp dẫn và được lựa chọn nhiều, chắc chắn rồi, đâu cũng vậy. Thế nhưng về lâu dài, việc Việt Nam gắn với hình ảnh điểm đến giá rẻ sẽ khó thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của ngành du lịch, khó thu hút được thị trường khách cao cấp đến Việt Nam. Và đặc biệt, khó “móc túi” được dòng khách sang.

Về vấn đề này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch.

Kết quả cuộc điều tra mức chi tiêu bình quân của tất cả các thị trường khách đến Việt Nam năm 2017 vừa được Tổng cục Du lịch công bố cho thấy, so với kết quả điều tra năm 2013, "mức tăng chi tiêu còn rất chậm." Năm 2017, khách chỉ tiêu 1.171,3 USD cho hành trình 9,27 ngày, trong khi đó thống kê năm 2013 khách tiêu 1.143 USD cho hành trình còn ngắn ngày hơn.
Du lịch Việt Nam: Ấp ủ chiến lược mới vượt qua thời giá rẻ ảnh 2Khách quốc tế thích thú khám phá tour chợ quê của người dân bản địa ở Nha Trang. (Ảnh: Herbert Ypma)

Việt Nam không khuyến khích du lịch giá rẻ


- Thưa ông, du lịch Việt Nam thường được quốc tế biết đến như một điểm đến giá rẻ và đây cũng là một trong những lý do hấp dẫn khách quốc tế đến Việt Nam. Theo ông, chúng ta có nên coi đó là điều đáng tự hào và là điểm nhấn để thu hút khách?


Ông Nguyễn Anh Tuấn:
Đối với các quốc gia đang phát triển thì vấn đề giá luôn thu hút sự quan tâm cũng như thúc đẩy khách du lịch tới tham quan.

Việt Nam nằm trong một số quốc gia của khu vực có khả năng cạnh tranh về giá trên thị trường và trở thành điểm đến hấp dẫn cũng là nhờ năng lực cạnh tranh đó. Giá cả ở Việt Nam phù hợp với khách du lịch, thích hợp với rất nhiều đối tượng khách khác nhau từ các thị trường.

Tuy nhiên, theo chúng tôi quan sát thì năng lực cạnh tranh về giá của Việt Nam hiện nay đang tụt xuống, tức là giá thành của Việt Nam đang cao lên trong vòng hai năm qua.

Theo đánh giá Năng lực Cạnh tranh của Diễn đàn Du lịch thế giới, năm 2015 năng lực cạnh tranh giá của lữ hành và du lịch Việt Nam đứng thứ 22/141 quốc gia, nhưng cũng theo báo cáo đánh giá này năm 2017 chúng ta tụt xuống thứ hạng 35/141. Tức là lợi thế về giá rẻ của chúng ta đã giảm.

Trên thực tế, giá dịch vụ du lịch Việt Nam hiện đã tăng lên nhờ chất lượng dịch vụ tăng cao. Chúng ta có rất nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, các dịch vụ du lịch, các nhà hàng, cơ sở mua sắm, cơ sở giải trí... đã được chuẩn hóa, chất lượng dịch vụ cao hơn. Đó là điều đáng mừng.

Chúng ta không nên coi Việt Nam là điểm du lịch giá rẻ mà cố gắng làm sao để trở thành điểm đến du lịch đáng tiền. Chúng ta phải cung cấp dịch vụ tương xứng tùy đối tượng khách khác nhau, xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra.

Vì vậy, cần vừa quan tâm thu hút đối tượng khách cao cấp tới các khu nghỉ dưỡng, giải trí ở các thành phố lớn đồng thời vẫn thu hút khách tới những bản làng xa xôi là những nơi có tiềm năng du lịch để tăng thu nhập cho người dân, trải rộng các nguồn lợi kinh tế từ du lịch cho người dân.

Du lịch Việt Nam: Ấp ủ chiến lược mới vượt qua thời giá rẻ ảnh 3Khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Van Bay nằm trên một trong những bán đảo đẹp nhất vịnh Nha Trang với những thành đá đồ sộ. (Ảnh: Martin Schumacher)

- Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn từng nhiều lần nói đại ý rằng, trước sau thì Việt Nam cũng sẽ phải phát triển thị trường khách cao cấp chứ không thể phụ thuộc vào dòng khách chi tiêu thấp như Trung Quốc hay một số nước lân cận.

Vậy theo ông, có giải pháp nào để du lịch Việt Nam thoát khỏi hình ảnh điểm đến giá rẻ, hướng tới du lịch hạng sang không?


Ông Nguyễn Anh Tuấn:
Trong chủ trương, định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam là phát triển du lịch chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Việt Nam không đi theo định hướng phát triển du lịch giá rẻ.

Nhà nước không khuyến khích loại hình du lịch giá rẻ, mà đây là do thực tế nảy sinh và đòi hỏi các cơ quan quản lý phải vào cuộc để chấn chỉnh, nâng cao chất lượng phục vụ khách tương xứng với đồng tiền khách bỏ ra. Việc kiểm soát các doanh nghiệp du lịch phải thực hiện nghiêm theo các quy định trong cung cấp giá, cung cấp sản phẩm cho khách.

Du lịch Việt Nam hiện nay đang hướng đến ưu tiên nâng cao chất lượng dịch vụ, kiểm soát chất lượng dịch vụ tốt hơn, tổ chức cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp hơn để thu hút nguồn khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và đi du lịch dài ngày. Hoạt động kinh doanh, du lịch phải hướng đến thu hút lựa chọn các thị trường khách cao cấp.

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào việc đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ cao cấp để đón khách du lịch. Vì thế Việt Nam không còn là điểm đến giá rẻ. So với yêu cầu phát triển, Việt Nam vẫn cần phải đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ cao cấp hơn, các khu nghỉ dưỡng cao cấp ở ven biển, khu vực miền núi, những nơi có khí hậu mát mẻ, ví dụ như Mộc Châu.

Du lịch Việt Nam: Ấp ủ chiến lược mới vượt qua thời giá rẻ ảnh 4Du khách tập yoga trước biển. (Ảnh: Kiattipong Panchee)

Mộc Châu là nơi có khí hậu rất mát mẻ giữa thảo nguyên mênh mông như vậy, nếu chúng ta có được khu nghỉ dưỡng sinh thái thân thiện với môi trường thì chắc chắn sẽ thu hút được lượng khách cao cấp.

Ngoài ra, rất nhiều nơi có tiềm năng du lịch cần những nhà đầu tư có trách nhiệm để tạo nên sản phẩm du lịch cao cấp hơn đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tôi nghĩ các nhà đầu tư cũng nên mạnh dạn vì tiềm năng du lịch của chúng ta còn rất lớn. Bên cạnh đó, nhà nước cần có những chính sách khuyến khích để thúc đẩy, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đầu tư nhiều cơ sở dịch vụ cao cấp, đáp ứng được nhu cầu của đối tượng khách du lịch có khả năng chi tiêu cao hiện nay.

Đẳng cấp du lịch Việt Nam


- Theo ông, ở Việt Nam hiện nay ngoài Mộc Châu, còn những vùng nào tiềm năng đang cần bàn tay của các nhà đầu tư chiến lược?


Ông Nguyễn Anh Tuấn:
Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều điểm đến. Ngay Vịnh Hạ Long chúng ta cũng thấy nhiều hòn đảo rất đẹp có thể đầu tư những khu nghỉ dưỡng biển cao cấp, như đảo Quan Lạn, đảo Cô Tô, quanh khu vực huyện Hoành Bồ.

Rồi các tỉnh ven biển có tiềm năng đầu tư những khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp như Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, khu vực núi trên đỉnh Bạch Mã ở Huế… Ngay miền Bắc có thung lũng Bắc Sơn, Mẫu Sơn ở Lạng Sơn, hay ở Cao Bằng, Hà Giang cũng đang rất cần đến bàn tay của các nhà đầu tư.

Đặc biệt, sau khi Công viên Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu thời gian qua thì lượng khách du lịch đến đây gia tăng rất cao. Tuy nhiên, cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng ở Cao Bằng hiện không đáp ứng được yêu cầu kể cả về số lượng và chất lượng, đang còn thiếu các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên. Vì vậy mà các nhà đầu tư hãy mạnh dạn lên Cao Bằng đầu tư trong thời gian này.

Tất nhiên, khi được công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu thì chúng ta cần quy hoạch nơi này để gìn giữ, bảo vệ tài nguyên, chỗ nào phù hợp cho xây dựng cơ sở dịch vụ thì phân định rõ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, tránh phá vỡ những giá trị của Công viên Địa chất, khai thác công viên trên cơ sở bảo tồn các các giá trị.

Du lịch Việt Nam: Ấp ủ chiến lược mới vượt qua thời giá rẻ ảnh 5Khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển bài trí đậm chất Việt Nam. (Ảnh: Basil Childers)

- Theo ông đến thời điểm này, Việt Nam đã có sản phẩm du lịch nào nổi bật cho dòng khách cao cấp?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong vài năm gần đây, thị trường khách cao cấp đã gia tăng cao ở Việt Nam. Bởi chúng ta đã cung cấp được những dịch vụ đạt chuẩn quốc tế, thậm chí có những cơ sở cung cấp dịch vụ đã giành được nhiều giải thưởng danh giá thế giới như khu du lịch InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Amanoi Ninh Thuận...

Chúng tôi vừa có chuyến khảo sát khu Amanoi nằm trên đỉnh núi khu vực Vườn quốc gia núi Chúa của tỉnh Ninh Thuận, phải nói rằng dịch vụ ở đây cực kỳ cao cấp và giá rất cao, trung bình từ 6.000-11.000 USD (tương đương khoảng 136 triệu đồng – 250 triệu đồng) cho một đêm sử dụng dịch vụ.

Trải dài khắp Việt Nam hiện cũng đang có nhiều khu nghỉ dưỡng núi, nghỉ dưỡng biển đẳng cấp thế giới, có giá trị dịch vụ rất cao và nguồn thu từ hoạt động kinh doanh du lịch lớn như Six Senses Côn Đảo, dịch vụ từ 2.500-4.000 USD/đêm (tương đương khoảng 57 triệu đồng – 91 triệu đồng); hay các khách sạn 5 sao ở thành phố lớn như Metropole Hanoi, các khách sạn 5 sao ở Thành phố Hồ Chí Minh... đều có chất lượng dịch vụ đạt đẳng cấp quốc tế.

Du lịch Việt Nam: Ấp ủ chiến lược mới vượt qua thời giá rẻ ảnh 6Kiến trúc sư Bill Bensley đã thiết kế nên một công trình nghệ thuật là tổng hòa những nét đẹp, văn hóa và cả nét thần thoại của Việt Nam. (Nguồn ảnh: Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort)


Lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt

- Cá nhân ông từng có ấn tượng đặc biệt nào đối với dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi ấn tượng nhất với khu nghỉ dưỡng Amanoi Ninh Thuận, Six Senses Côn Đảo, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort... là những khu resort thân thiện với môi trường, coi trọng các giá trị môi trường ở dọc bờ biển Việt Nam. Những khu nghỉ dưỡng như vậy có giá trị gia tăng rất cao và tạo được ấn tượng tốt.

Ví dụ như Amanoi là hình mẫu cho việc thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc giữa bảo tồn và phát triển. Chủ đầu tư xây dựng khu du lịch nhưng không làm ảnh hưởng đến giá trị sinh thái tại khu vực đó. Họ không phá cây, mà di dời và chăm sóc đồng thời đầu tư trồng thêm rừng theo hướng bảo vệ tối đa môi trường, không xâm phạm môi trường, hệ sinh thái động thực vật trong khu quy hoạch được bảo vệ nghiêm ngặt.

Điều quan trọng nhất là họ hài hòa được con người và hệ sinh thái. Cách thức khai thác như thế là mẫu hình tuyệt vời cho việc phát triển bền vững, tức là gắn giữa bảo tồn và phát triển.

Hiện nay, khách du lịch quan tâm hàng đầu đến vấn đề môi trường và lợi thế cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực du lịch chủ yếu dựa vào việc quốc gia đó có quan tâm đến việc gìn giữ, bảo vệ môi trường, đáp ứng đúng nhu cầu thị hiếu khách du lịch hay không.

Ông Nguyễn Anh Tuấn trả lời về du lịch giá rẻ ở Việt Nam.

- Vậy, du lịch Việt Nam cần làm gì để phát triển lợi thế cạnh tranh như ông vừa nhắc tới?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi nghĩ, hiện nay những nơi có tiềm năng du lịch hấp dẫn cần thận trọng trong việc đầu tư phát triển, tránh nôn nóng đầu tư chỉ vì lợi ích kinh tế trước mắt mà phá vỡ môi trường cảnh quan.

Chúng tôi rất mừng là Thủ tướng Chính phủ gần đây đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường. Ngay khi nhậm chức, Thủ tướng đã có những câu nói nổi tiếng như: không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Và liên tục những phát biểu gần đây của Thủ tướng đều quan tâm đến bảo vệ nghiêm ngặt các giá trị môi trường, tài nguyên.

Chúng tôi hy vọng rằng các ban, ngành, các địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp phải triển khai tốt các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học để giúp phát triển du lịch bền vững.

Với những dự án cấp mới, phải nghiêm túc thực hiện luật bảo vệ môi trường, luật bảo tồn đa dạng sinh học trong việc đánh giá tác động môi trường trước khi thực hiện các dự án đầu tư. Như vậy, chúng ta sẽ có được các dự án đầu tư du lịch thân thiện với môi trường và đáp ứng được đúng nhu cầu, thị hiếu khách du lịch đồng thời bảo vệ được tài nguyên môi trường cho thế hệ mai sau.

Du lịch Việt Nam: Ấp ủ chiến lược mới vượt qua thời giá rẻ ảnh 7khu nghỉ dưỡng Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort trải dài theo bốn tầng: Heaven (Thiên Đường), Sky (Bầu Trời), Earth (Mặt Đất) và Sea (Biển Xanh).

Vai trò dẫn dắt của nhà đầu tư chiến lược

- Không thể phủ nhận một thập kỷ trở lại đây hình ảnh du lịch Việt Nam đã thay đổi nhiều, sôi động và hấp dẫn hơn nhờ những khu nghỉ dưỡng sang trọng, các trung tâm vui chơi giải trí đẳng cấp...

Vậy theo ông, các nhà đầu tư có vai trò ra sao trong việc thay đổi diện mạo ngành du lịch nước nhà?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Có thể thấy, trong mấy năm gần đây, rất nhiều nhà đầu tư trong nước đã quan tâm đến đầu tư du lịch, nhờ đó các hoạt động du lịch trở nên sôi động hơn ở nhiều địa phương trên cả nước, tạo sức hấp dẫn mới cho du lịch Việt Nam.

Không phủ nhận các nhà đầu tư đã đóng góp vào việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho du lịch Việt Nam thời gian qua. Những giá trị tích cực của các nhà đầu tư chúng ta cần ghi nhận.

Tuy nhiên, với tư cách nhà nghiên cứu, chúng tôi vẫn lưu ý các nhà đầu tư cần nâng cao trách nhiệm khi đầu tư bất kỳ dự án nào ở những nơi có tài nguyên, cảnh quan tự nhiên cũng như những nơi có giá trị văn hóa đặc sắc thì yếu tố bảo tồn cần phải được coi trọng.

Hãy là những nhà đầu tư có trách nhiệm, trách nhiệm với môi trường, trách nhiệm với xã hội để làm sao đầu tư hiệu quả, vừa đóng góp cho phát triển kinh tế vừa bảo tồn những giá trị tài nguyên cho thế hệ mai sau, tránh chỉ vì lợi nhuận đơn thuần mà không chú trọng đến yêu tố bảo vệ môi trường, bảo vệ giá trị tài nguyên.

Nếu làm được như vậy tôi nghĩ những nhà đầu tư lớn luôn là những nhà đầu tư có vai trò dẫn dắt để thúc đẩy một ngành kinh tế mới đầy triển vọng là du lịch Việt Nam.

Du lịch Việt Nam: Ấp ủ chiến lược mới vượt qua thời giá rẻ ảnh 8Một trong những thú vui của dòng khách cao cấp quốc tế khi đến Việt Nam. (Ảnh: Aaron Joel Santos)

Chỉ riêng các nhà đầu tư lớn thì không thể làm nên thương hiệu cho du lịch Việt Nam mà cần sự chung tay của cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ và đặc biệt là cộng đồng ở các vùng miền từ đồng bằng, miền núi, ven biển hay hải đảo xa xôi cùng đóng góp vào cho phát triển du lịch. Vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành liên vùng và xã hội hóa cao.

Hiện nay, trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng như Luật Du lịch đã rất coi trọng phát triển du lịch cộng đồng và khích lệ khởi nghiệp sáng tạo, tức là tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động du lịch.

Chúng ta đã coi trọng nhà đầu tư lớn thì cũng phải coi trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như cộng đồng cùng tham gia kinh doanh du lịch.

- Theo ông, với vai trò dẫn dắt như vậy, các cấp quản lý có cần có thêm chính sách nào dành cho các nhà đầu tư chiến lược để họ đóng góp thêm nhiều giá trị hơn nữa cho du lịch Việt?


Ông Nguyễn Anh Tuấn:
Hiện nay, chúng ta đang triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị cũng như Luật Du lịch, là hai văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển đối với ngành du lịch.

Vì vậy, chúng ta cần cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong Nghị quyết 08, các quy định trong luật Du lịch để có những chính sách cụ thể hơn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kể cả cộng đồng tham gia vào kinh doanh du lịch trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi và hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Du lịch Việt Nam: Ấp ủ chiến lược mới vượt qua thời giá rẻ ảnh 9Bữa tiệc trong hang động. (Ảnh: Kiattipong Panchee)

Cần giảm thiểu các thủ tục hành chính, có cơ chế chính sách riêng kể cả về thuế, cần có biện pháp hỗ trợ những loại hình du lịch mới để khích lệ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp và cộng đồng cùng sáng tạo.

Điều quan trọng là chúng ta tạo được môi trường điểm đến, môi trường kinh doanh đồng bộ, thuận lợi, ít rào cản để cho doanh nghiệp tự do kinh doanh, tự do phát triển trong khuôn khổ pháp luật nhà nước.

Cũng cần có các chính sách tạo thuận lợi cho khách du lịch khi đến Việt Nam từ thủ tục sân bay, bến cảng, thủ tục visa tới thủ tục cho khách tham gia các loại hình du lịch tại Việt Nam được thuận lợi, đơn giản chính là tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục