Du lịch trải nghiệm đặc trưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Long An đang khai thác, giới thiệu các điểm du lịch mới, đặc biệt gắn du lịch với giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương nhằm tăng cường quảng bá du lịch năm 2022.
Nông trại Chanh Việt. (Nguồn: chanhviet.com)

Long An có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, từ du lịch tâm linh đến du lịch văn hóa, sinh thái nghỉ dưỡng…

Trải qua thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Long An đang khai thác, giới thiệu các điểm du lịch mới, đặc biệt gắn du lịch với giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương nhằm tăng cường quảng bá du lịch năm 2022.

Du lịch trải nghiệm đặc trưng địa phương

Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với rất nhiều nông sản ngon nổi tiếng như gạo Nàng thơm Chợ Đào (huyện Cần Giuộc), chanh, thơm (Bến Lức, Thạnh Hóa), thanh long (Châu Thành, Tân Trụ)… Long An đang tập trung đầu tư để phát triển mạnh nông sản địa phương.

Cùng với đó, tỉnh đầu tư phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch, quảng bá nông sản đặc trưng.

Từ vùng đất nhiễm phèn nặng, dân cư thưa thớt, không có điện, thiếu nước ngọt, đi lại khó khăn ở xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức hơn 10 năm trước, ông Nguyễn Văn Hiển, hiện là Chủ tịch Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Chanh Việt (gọi tắt là Công ty Chanh Việt), cùng các cộng sự đã biến hơn 150ha đất nơi đây thành nông trại chanh lớn nhất Việt Nam.

Nông trại Chanh Việt đã tạo cú hích lan tỏa vùng nguyên liệu hàng nghìn hecta của huyện, đưa cây chanh trở thành một trong những cây trồng quan trọng của tỉnh Long An.

[Đồng bằng sông Cửu Long: Liên kết bền vững đáp ứng xu hướng mới]

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt theo phương pháp hữu cơ và tuân thủ các quy chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất của châu Âu... những quả chanh thương hiệu Việt đã tỏa đi các thị trường khó tính nhất như châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ…

Không dừng lại ở đó, năm 2017, công ty hình thành ý tưởng xây dựng Chavi Garden với khát vọng quảng bá quả chanh Long An, nâng tầm nông nghiệp qua hoạt động nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm. Qua quá trình xây dựng cùng với giai đoạn "đóng băng" do dịch COVID-19, năm 2022, Chavi Garden đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Hiển cho biết đến Chavi Garden du khách được thả hồn vào không gian yên bình giữa vườn hoa rộng lớn và những hàng cây xanh rợp bóng mát; học tập và trải nghiệm cuộc sống và văn hóa miền quê sông nước Tây Nam Bộ, bơi xuồng, bắt cá, trượt cỏ.

Du khách cũng được học cách chuẩn bị giống, cách trồng và chăm sóc cây chanh theo tiêu chuẩn xanh sạch, cũng như cách thu hoạch chanh và bảo quản trái chanh tươi…

Khung cảnh của Chavi Garden. (Nguồn: chavigarden.com)

Đặc biệt, học sinh, sinh viên có điều kiện thực tập và nuôi dưỡng những ước mơ, ý tưởng khởi nghiệp của mình; được tham quan trải nghiệm Khu nghiên cứu và nuôi trồng đông trùng hạ thảo, hiểu về quy trình nuôi cấy, chăm sóc và thu hoạch đông trùng hạ thảo - là sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh Long An được công nhận sản phẩm 4 sao.

Bên cạnh đó, Long An cũng có khu vui chơi kết hợp giáo dục tình yêu thiên nhiên, môi trường.

Hòa mình với thiên nhiên, thân thiện với môi trường là tiêu chí đầu tiên Vườn thú Mỹ Quỳnh hướng tới khi đi vào hoạt động.

Tọa lạc tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, Vườn thú Mỹ Quỳnh có lợi thế là cách Thành phố Hồ Chí Minh không xa (khoảng 45km), lại mang vẻ đẹp của miền quê với thiên nhiên, cây cối, dòng kênh. Vườn thú hoạt động từ đầu năm 2022 đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch của địa phương.

Mục tiêu xây dựng khu vui chơi, nghỉ dưỡng không chỉ tạo không gian xanh cho hoạt động giải trí, Vườn thú Mỹ Quỳnh còn mang thông điệp ý nghĩa về thế giới động vật, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên cũng như lan tỏa tình yêu thương và trách nhiệm với môi trường, với động vật, thiên nhiên hoang dã.

Chị Nguyễn Kim Duyên, sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ đây là lần đầu tiên chị đi du lịch Long An. Trước đó chị không nghĩ Long An có đầy đủ đặc trưng du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long và còn đáp ứng điều kiện vui chơi học tập cho trẻ.

Là người mẹ có 3 con, Vườn thú Mỹ Quỳnh là một địa điểm chị lựa chọn. Chị mong muốn Vườn thú ngày càng hoàn thiện, có xe đưa đón trọn tour.

Phó trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh Chu Khánh Linh, chia sẻ việc xây dựng các sản phẩm du lịch, các điểm tham quan mới tạo ra sự khác biệt và thu hút du khách đến với Long An trong giai đoạn hậu COVID-19. Tuyến, điểm du lịch của Long An phù hợp với học sinh, sinh viên, trẻ em đi cùng gia đình, hoặc khách có nhu cầu tham quan các điểm du lịch gần gũi với thiên nhiên.

Nhà trường có thể đưa vào chương trình tham quan thực tế cho sinh viên tuyến Đồng bằng sông Cửu Long, giúp sinh viên có cơ hội thực tập nghề nghiệp và làm đúng ngành nghề sau khi ra trường, nâng cao hiệu quả  đào tạo.

Khắc phục khó khăn để phát triển du lịch

Ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Chợ Lớn, cho rằng Long An so với nhiều tỉnh, thành phố khác chưa có nhiều điểm nhấn về du lịch, lại không có điểm dừng chân quy mô nên công ty hầu như chưa xây dựng tour, tuyến về đây.

Do quá gần Thành phố Hồ Chí Minh nên Long An bị “át vía” nhưng đây cũng là một lợi thế nếu biết tận dụng. Mô hình Vườn thú Mỹ Quỳnh nếu hoàn thiện sẽ thêm một sản phẩm mới đáng chú ý cho đối tượng là học sinh, sinh viên, giúp du khách Thành phố Hồ Chí Minh có thêm lựa chọn.

Nhiều chuyên gia và các công ty du lịch đều cho rằng Long An nói riêng và nhiều tỉnh, thành phố nói chung cần đầu tư làm du lịch chuyên nghiệp, chất lượng hơn, từ đó thu hút lượng khách chịu chi, sẵn sàng tìm về với sản phẩm đồng quê mà họ thích.

Vì thực tế không ít du khách trong và ngoài nước tìm kiếm những địa điểm chuyên nghiệp, đẳng cấp để đi du lịch.

Các chuyên gia và du khách mong muốn thời gian tới Long An thu hút được đầu tư đúng hướng, chỉn chu từ đó có những sản phẩm du lịch, điểm đến ấn tượng mang đậm chất miền Tây sông nước.

Đồng thời, sản phẩm phải vượt bậc, khác hẳn những gì các tỉnh lân cận đã làm, dựa trên tiềm năng địa phương đã có sẵn rất nhiều, để khi nhắc đến miền Tây, du khách không chỉ nghĩ đến Tiền Giang, Bến Tre khám phá ẩm thực dân dã, chèo xuồng, bắt cá, hái dừa…

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An, ngành du lịch của tỉnh mới thật sự phát triển mạnh từ năm 2017, nhưng sau đó dịch COVID-19 bùng phát.

Các điểm du lịch bắt đầu hoàn thiện sản phẩm và đang trên đà khởi sắc thì chững lại…

Thêm nhiều khó khăn về nhân lực, thu hút đầu tư nhưng không làm các doanh nghiệp chùn bước. Với tâm huyết của những người làm du lịch, ngành du lịch tỉnh đặt mục tiêu trong 2 năm tới đón 4-5 triệu khách mỗi năm.

Năm 2022, tỉnh tập trung phát triển hệ thống sản phẩm du lịch, nhất là những sản phẩm đặc thù trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch đầu tư dự án, chương trình thuộc Đề án chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng 2030.

Ông Nguyễn Anh Dũng cho biết Long An tập trung các sản phẩm du lịch tâm huyết, không làm tràn lan, chú trọng sản phẩm du lịch phải tạo được cảm xúc cho du khách… Trong đó, điểm nhấn là vui chơi giải trí và sinh thái, hòa nhập với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Khó khăn về giao thông Long An vẫn đang tập trung khắc phục, tỉnh đã quy hoạch chuẩn bị triển khai xây dựng đường tỉnh 817, dẫn tới Khu dược liệu Đồng Tháp Mười, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có du lịch.

Bên cạnh đó, phối hợp với các trường Cao đẳng, Đại học đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch ngày càng chuyên nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục