Du lịch Tây Nam Bộ khởi sắc ngay từ những ngày đầu Năm mới Giáp Thìn

Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, chiêm bái các di tích thắng cảnh.
Rất đông du khách đến Miếu Bà chúa xứ Núi Sam (thành phố Châu Đốc, An Giang) để cầu sức khỏe, bình an cho gia đình dịp đầu Xuân mới. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, tại các khu, điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang như Khu du lịch Quốc gia Núi Sam (thành phố Châu Đốc), Khu du lịch núi Cấm (thị xã Tịnh Biên), điểm du lịch Đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn), các điểm tham quan tại Cù lao Giêng (huyện Chợ Mới), các điểm tham quan quanh cụm hồ thuộc huyện Tri Tôn... có hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, chiêm bái các di tích thắng cảnh.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, trưa mùng 4 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tại Khu du lịch Quốc gia núi Sam (thành phố Châu Đốc), cả "biển người" từ khắp nơi đổ về du Xuân, thưởng ngoạn, chiêm bái các di tích sử văn hóa như: Lăng Thoại Ngọc Hầu, Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Tây An cổ tự, Phước Điền tự (Chùa Hang)...

Các tuyến đường dẫn vào Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, Lăng Thoại Ngọc Hầu... du khách phải nhích từng chút một do lượng xe máy rất đông, chen lẫn với dòng xe ôtô.

Bên trong khuôn viên Miếu bà Chúa xứ Núi Sam, hàng trăm nghìn lượt người phải chen lấn mới vào được chánh điện...

Khu du lịch rừng tràm Trà Sư (thị xã Tịnh Biên) thu hút đông du khách đến tham quan, trải nghiệm dịp đầu Năm mới. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Ông Huỳnh Thành Cư, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia Núi Sam, cho biết với quần thể di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia gồm: Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang... cùng các giá trị văn hóa tâm linh tín ngưỡng, gắn với lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đông đảo du khách đã đến cầu bình an, sức khỏe kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng vào dịp đầu năm mới.

Theo Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Núi Sam, từ ngày 10-13/2 (mùng 1-4 Tết Giáp Thìn), khu du lịch đã đón gần 200.000 lượt khách tham quan và hành hương.

"Năm nay, bắt đầu từ sáng mùng 1 Tết, lượng khách đổ về cúng Bà rất đông, đông hơn rất nhiều so với những năm trước," Phó Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia Núi Sam Huỳnh Thành Cư nói.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan, chiêm bái dịp đầu Năm mới Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Núi Sam đã phối hợp chặt chẽ với Ban Quản trị Lăng Miếu núi Sam và chính quyền các địa phương trong việc đảm bảo an ninh, an toàn tại các địa điểm di tích, qua đó góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng hình ảnh du lịch An Giang an toàn, thân thiện, hấp dẫn.

Rất đông du khách đến Miếu Bà chúa xứ Núi Sam (thành phố Châu Đốc) để cầu sức khỏe, bình an cho gia đình dịp đầu Xuân mới. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Cùng với Khu du lịch Quốc gia núi Sam, Khu du lịch Núi Cấm (thị xã Tịnh Biên), điểm du lịch Đồi Tức Dụp, các điểm tham quan Cù lao Giêng, các điểm tham quan cụm hồ Tri Tôn, Di tích Quốc gia đặc biệt - Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (thành phố Long Xuyên), Rừng Tràm Trà Sư (thị xã Tịnh Biên), Khu Sinh Thái Cồn Én (huyện Chợ Mới)... cũng thu hút đông đảo du khách dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết nhằm phục vụ tốt nhu cầu của du khách dịp cao điểm Tết Nguyên đán, các khu, điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư chỉnh trang cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, thiết kế cảnh quan kết hợp phát triển dịch vụ ẩm thực, mua sắm đa dạng; đồng thời tăng cường triển khai các gói ưu đãi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai bảng giá dịch vụ, không tùy tiện nâng giá, chèo kéo và ép giá, thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu về các điểm nhấn du lịch An Giang, nhất là trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, trang web du lịch... để du khách có thể tham khảo, lựa chọn An Giang làm điểm đến lý tưởng để vui chơi, nghỉ dưỡng cũng như mua sắm các sản phẩm OCOP chất lượng trong dịp năm mới 2024.

Tại Tiền Giang, đông đảo khách du lịch đến tham quan và vui chơi tại các điểm du lịch như bãi biển Gò Công (huyện Gò Công Đông), trại rắn Đồng Tâm (huyện Châu Thành), làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện cái Bè), cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy), cồn Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)...

Từ ngày 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết, lượng khách du lịch tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, từ ngày 7-13/2 (ngày 28 tháng Chạp đến mùng 4 Tết), Tiền Giang đón gần 88.600 lượt khách du lịch, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 10.068 lượt khách quốc tế, tăng 121% so với cùng kỳ năm 2023.

Các tuyến du lịch tại Tiền Giang có sự kết hợp đa dạng các loại hình du lịch sinh thái đặc trưng sông nước miệt vườn, công tác an ninh, an toàn du lịch và vệ sinh an toàn thực phẩm được các công ty du lịch chú trọng.

Ông Võ Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, trước đó, Sở đã có các chuyến khảo sát để nắm tình hình tại các điểm du lịch trên địa bàn nhằm thực hiện chính sách hỗ trợ các cơ sở đón khách.

Sở đã tập trung hỗ trợ các khu, điểm du lịch cải tạo môi trường, cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng phục vụ.

Bên cạnh đó, Sở còn tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, chủ động tham gia các sự kiện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... để hợp tác phát triển du lịch; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh kết nối với các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cùng các tỉnh miền Trung.

Giai đoạn 2020-2025, Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển 4 cụm du lịch trọng điểm là: Khu Du lịch Cái Bè, Khu Du lịch cù lao Thới Sơn, Khu Du lịch biển Tân Thành và Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.

Ngoài An Giang và Tiền Giang, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều du khách tìm đến các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu để du Xuân.

Những địa điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu như Quảng trường Hùng Vương, Vườn nhãn, Chùa Xiêm Cán, Quán âm Phật đài, nhà Công tử Bạc Liêu, cùng các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái... thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan.

Khách du lịch tham quan chiêm bái tại Chùa Giác Hoa, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Tại Quảng trường Hùng Vương - Quảng trường rộng nhất miền Tây Nam Bộ, cũng là điểm du lịch tiêu biểu tại Đồng bằng sông Cửu Long, là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn bởi có cảnh quan đẹp mắt, nhiều điểm "check-in."

Ngoài ra, Bạc Liêu có nhiều cơ sở tín ngưỡng nổi tiếng như Khu du lịch Quán âm Phật đài, Chùa Giác Hoa, chùa Hưng Thiện... cũng là những địa điểm thu hút khách du Xuân chiêm bái, cầu bình an, tài lộc.

Bên cạnh du lịch văn hóa tâm linh, tỉnh Bạc Liêu đang phát triển mạnh loại hình du lịch nông thôn, sinh thái. Dọc theo tuyến biển của tỉnh đang hình thành nhiều điểm du lịch sinh thái với những trãi nghiệm thú vị, trong đó du lịch điện gió là điểm nhấn.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, từ 29 tháng Chạp đến hết mùng 3 Tết, lượng khách đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh khoảng 185.000 lượt, khách quốc tế đạt khoảng 5.250 lượt.

Doanh thu dịch vụ du lịch của tỉnh trong dịp này đạt gần 100 tỷ đồng. Kết quả này là cơ sở quan trọng để Bạc Liêu tự tin phấn đấu đón tiếp khoảng 4,9triệu lượt khách. doanh thu 4.125 tỷ đồng trong năm 2024.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết để thu hút du khách, tỉnh tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt, nhằm nâng cao thương hiệu, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao như: sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của Bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; sản phẩm du lịch gắn liền với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh.

Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm thúc đẩy loại hình du lịch nông nghiệp-nông thôn, hướng đến thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa.

Khách du lịch tham quan, chụp ảnh tại các tiểu cảnh điểm du lịch Quảng trường Hùng Vương, thành phố Bạc Liêu. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện hoàn thành giai đoạn 2 của Đề án bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch, mục tiêu là hình thành 3 cụm du lịch với tổng số 339 cây nhãn cổ với trọng tâm là tham quan trải nghiệm vườn nhãn cổ, thưởng thức các loại hình văn hóa, ẩm thực của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Ngoài ra, tỉnh có 56km bờ biển trải dài từ giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến cửa biển Gành Hào (giáp ranh tỉnh Cà Mau) là một hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển với diện tích hàng nghìn ha, có những nét độc đáo với kênh rạch chằng chịt, sản vật phong phú, có giá trị cao, hệ thống các trang trại, các khu nuôi trồng thủy sản.

Hiện tỉnh Bạc Liêu đang tập trung phát triển các dự án điện gió khu vực ven biển, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Nghề làm muối Bạc Liêu gắn với phát triển du lịch, tập trung hình thành sản phẩm du lịch trải nghiệm Nghề làm muối, nghiên cứu phát triển các sản phẩm phục vụ khách du lịch từ đặc sản muối Bạc Liêu, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ muối Bạc Liêu... để kết hợp và hướng đến xây dựng thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái hấp dẫn.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương chia sẻ du lịch được xác định là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả trụ cột này, tỉnh tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng tại một số khu, điểm du lịch; kêu gọi đầu tư các dự án du lịch, đặc biệt là các dự án ưu tiên như: xây dựng tàu du lịch Tắc Sậy-Đông Hải, điểm du lịch-dịch vụ Tắc Sậy, điểm du lịch Vườn chim Lập Điền...

Tỉnh tiếp tục khai thác có hiệu quả công năng của Nhà hát Cao Văn Lầu, đầu tư các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc trưng của Nam Bộ và quê hương Bạc Liêu; phát triển mạnh loại hình du lịch nhiếp ảnh và các dịch vụ phụ trợ khác tại Quảng trường Hùng Vương; duy trì và phát huy tốt 11 điểm du lịch tiêu biểu đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận để khai thác kết nối tour, tuyến du lịch với khu vực và cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục