Du lịch sông Mekong làm gì để thu hút du khách quốc tế?

Khách du lịch thường mong muốn được hòa mình vào văn hóa địa phương và muốn cảm nhận cuộc sống của người dân, cũng như trải nghiệm những câu chuyện về sông Mekong.
Khách du lịch tham quan đền Angkor Wat ở tỉnh Siem Reap, Campuchia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo thống kê của Bộ Du lịch Campuchia, từ tháng Một đến tháng Bảy năm nay, có tổng cộng 3,037 triệu lượt khách du lịch đã đến nước này.

Không thể phủ nhận con số đó cao hơn nhiều so với các năm 2020, 2021 và 2022, song so với cùng kỳ 2019, số lượng khách du lịch quốc tế đến Campuchia giảm 20,9%.

Siem Reap, điểm đến du lịch được ưa thích của Campuchia, với quần thể di tích đền Angkor nổi tiếng thế giới, cũng không phải ngoại lệ.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Siem Reap Ngov Seng Kak cho biết trước đại dịch COVID-19, tỉnh này có 283 khách sạn và nhà nghỉ, với tổng số 16.765 phòng, tạo việc làm cho 14.181 người. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có 139 cơ sở mở cửa trở lại, với khoảng 8.000 phòng. Tổng cộng có 79 khách sạn, với 6.000 phòng và 6.000 nhân viên, vẫn bị “đóng băng,” trong khi 65 khách sạn, tương đương 2.000 phòng, đã đóng cửa hoàn toàn.

Có 2 lý do chính khiến cho quá trình phục hồi du lịch của Siem Reap bị chậm. Thứ nhất, do từng xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung khách sạn và nhà hàng tại tỉnh này, cho nên đến nay, đại dịch đã khiến lĩnh vực dịch vụ khách sạn và nhà hàng thu hẹp quy mô. Thứ hai, số lượng du khách quốc tế đến Campuchia chưa đủ trở thành nguồn cung để mọi doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định.

[Người nước ngoài ở Campuchia trên 2 năm được miễn phí thăm quan Angkor] 

Ngày 25/8 vừa qua, Hiệp hội Du lịch Campuchia (CATA) đã tổ chức diễn đàn với chủ đề “Chương mới cho du lịch Campuchia” với sự tham gia của Giám đốc điều hành (CEO) hãng hàng không AirAsia Cambodia cùng đại diện gần 200 công ty du lịch tư nhân và đại lý du lịch khắp cả nước.

Diễn đàn này tập trung vào triển vọng du lịch trong tương lai của Campuchia, đặc biệt nhấn mạnh vào các điểm đến bổ sung dọc sông Mekong, thanh toán quốc tế thông qua hình thức giao dịch ví điện tử và đặt phòng trực tuyến.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lu Wei nêu rõ: “Trước đại dịch, chúng tôi có rất nhiều khách du lịch Trung Quốc. Chúng tôi sẽ cố gắng thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Siem Reap vì có nhiều chuyến bay hơn đồng nghĩa với sự tăng trưởng cho công ty chúng tôi.”

Phó Chủ tịch CATA Duch Sareth cho biết thay mặt Hiệp hội, ông mong muốn thấy tất cả các công ty du lịch lữ hành hợp tác chặt chẽ với nhau để thu hút nhiều khách du lịch hơn, đặc biệt là từ Trung Quốc, từng là quốc gia có nhiều khách du lịch đến thăm Campuchia. Trong khi hơn 1,5 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đến thăm Campuchia trong 7 tháng tính từ đầu năm 2019, con số này chỉ là 318.498 lượt trong cùng kỳ năm 2023.

Ông Sareth đánh giá rằng việc gia tăng số lượng chuyến bay có thể giúp khôi phục du lịch tại Siem Reap. Ông khuyến khích các công ty du lịch lữ hành và các bên liên quan tiếp tục kiên trì vì cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất có thể đã qua.

Trong khi đó, báo Khmer Times dẫn lời Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của Rạp xiếc Campuchia Craig Dodge lưu ý rằng khách du lịch ngày càng quan tâm đến những trải nghiệm sống động như phiêu lưu, giải trí và khám phá, truyền cảm hứng cho họ đi và tham quan những nơi khác nhau trên thế giới. Ông Dodge chỉ rõ: “Khách du lịch đến Campuchia muốn tham gia và trải nghiệm sự độc đáo của văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực của đất nước cũng như những dòng sông chảy qua Campuchia.”

Du khách Trung Quốc tại một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Campuchia. (Nguồn: báo Tuổi trẻ)

Ông Dodge cho biết thêm du khách quốc tế đang ngày càng có xu hướng đặt phòng trực tuyến. Do đó, khu vực tư nhân phải tối ưu hóa các nền tảng tìm kiếm bao gồm trang web, ứng dụng và mạng xã hội. Du khách cũng thích tìm hiểu chi phí và chất lượng chuyến du lịch của mình hơn là đi đâu đó mà không có chỉ dẫn hay hướng dẫn phù hợp.

Trả lời báo Khmer Times, ông Nicolas Hatz, thành viên Hội đồng Quản trị của tổ chức Destination Mekong, Cố vấn chính và chuyên gia phát triển du lịch của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), nhấn mạnh chất lượng khách du lịch quan trọng hơn số lượng. Ông chỉ ra rằng một số du khách quốc tế thậm chí còn có xu hướng quan tâm đến cộng đồng địa phương, công tác chăm sóc động vật và môi trường của các quốc gia mà họ đến thăm.

Ông Hatz đã giới thiệu “Destination Mekong” là một tổ chức quản lý điểm đến (DMO) phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy hệ sinh thái du lịch bền vững và toàn diện tại khu vực sông Mekong, tạo ra giá trị cùng với các thành viên và đối tác.

Ông Hatz nhấn mạnh rằng khách du lịch thường mong muốn được hòa mình vào văn hóa địa phương và muốn cảm nhận cuộc sống của người dân, cũng như trải nghiệm những câu chuyện về sông Mekong. Mục đích của dự án là đưa du khách đến thăm những địa điểm mới ngoài khu vực trung tâm của Siem Reap thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ.

Trong khi đó, Ivana Tranchini, Giám đốc quốc gia của Visa Cambodia, cho biết du lịch xuyên biên giới hiện đã phục hồi hoàn toàn khi Trung Quốc mở cửa trở lại vào tháng Một năm nay, qua đó thúc đẩy ngành du lịch.

Theo nghiên cứu của bà Tranchini, thế giới đang chuyển sang kỷ nguyên đặt chỗ và mua hàng không tiếp xúc, khách du lịch cũng tìm kiếm chi phí, sự thuận tiện, khả năng kiểm soát và sự tin cậy hiệu quả hơn thông qua các điểm chạm khách hàng. Ví dụ, gần 70% khách du lịch hiện nay đang sử dụng ví thanh toán không tiếp xúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục