Vừa lên núi vừa xuống biển, sáng vừa ló đầu khỏi chiếc lều vắt vẻo trên “sống núi khủng long” cao gần 1.500 mét ở Bình Liêu (huyện miền núi phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh), hít hà làn sương đêm mỏng manh chưa kịp tan còn vương trên những rặng lau phấp phới gió mà thoắt cái đã lại bừng tỉnh giữa sóng sánh sớm mai trên vịnh Hạ Long, “nhấm nháp” cảnh tượng bình minh “treo” trên những hòn đảo xanh xung quanh mênh mông sóng nước…
Những nơi ấy, Mặt Trời ửng đỏ tỏa những vệt nắng xiên xéo trời, những đám mây lững lờ trôi... khiến nhiều du khách có cảm giác như vô hình trong bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ và kỳ ảo.
Ở Việt Nam, hiếm nơi nào như vùng đất Quảng Ninh, nơi có thể đưa bạn vừa lên núi cao xong vừa xuống biển sâu… cùng nhiều cung bậc cảm xúc thú vị chỉ trong 24 giờ. Giữa không gian ấy, tâm thái tự khắc thảnh thơi, để nghĩ khác đi và cảm nhận nhiều hơn.
Bài 1: Những giải pháp vượt trội làm nên diện mạo mới
Không chỉ là điểm sáng của du lịch 5 châu nhờ di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, những năm gần đây, Quảng Ninh đã biết tận dụng lợi thế nguồn tài nguyên vô cùng đa dạng và độc đáo để phát triển vượt trội, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trở thành trung tâm giải trí lớn với đầy đủ dịch vụ của miền Bắc.
Đặc biệt, địa phương này còn có nhiều điều kiện thuận lợi và thế mạnh khác biệt lớn để phát triển du lịch và xây dựng chiến lược dài hơi trong những năm tới. Mà một trong những chủ trương chính là chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” (dịch chuyển từ các hoạt động khai thác khoáng sản, than… sang phát triển du lịch xanh bền vững).
Bước qua “bão” để thành điểm sáng…
Nếu như năm 2019, Quảng Ninh đón được khoảng 14 triệu lượt khách (trong đó có gần 6 triệu du khách quốc tế với mức chi tiêu 2,45 triệu đồng/khách), tổng doanh thu đạt gần 30 tỷ đồng, đóng góp vào thu ngân sách nội địa của ngành du lịch 3.568 tỷ đồng (chiếm 10,7% vào tổng thu ngân sách nội địa tỉnh), thì năm 2020 các con số thống kê sụt giảm nghiêm trọng vì dịch COVID-19.
Thống kê từ Sở Du lịch Quảng Ninh, từ đầu tháng Hai đến nay toàn bộ hoạt động lữ hành đón khách quốc tế đến Quảng Ninh (inbound) đã tạm dừng khiến doanh thu giảm sâu, ước khoảng còn 2.300 tỷ đồng. Chín tháng năm nay, tổng thu từ du lịch chỉ đạt hơn 12 tỷ đồng (bằng 56% so với cùng kỳ). Có thể thấy, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, hoạt động du lịch Quảng Ninh đã suy giảm sâu ở cả thị trường nội địa và quốc tế.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngày 10/9 vừa qua, Sở Du lịch tỉnh đã chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành có liên quan và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội du lịch tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp du lịch địa phương để hướng dẫn và lắng nghe các ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai kế hoạch kích cầu để thu hút khách, trong đó tập trung vào công tác quảng bá xúc tiến, xây dựng các sản phẩm kích cầu độc đáo thu hút khách, phối hợp với các địa phương kết nối thêm nhiều tuyến du lịch đưa khách đến Quảng Ninh và ngược lại.
[Du lịch cộng đồng ở Quảng Ninh: Nhiều tiềm năng phát triển]
Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, ông Phạm Ngọc Thủy, cho biết tỉnh được xác định là một “mắt xích” quan trọng trong các hợp tác về du lịch giữa Trung Quốc và ASEAN, cụ thể là chương trình “Hai hành lang - Một vành đai,” Chương trình phát triển du lịch Tiểu vùng sông Me Kong mở rộng GMS (Greater Mekong Subregion)…
Những năm qua, du lịch đã góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở địa phương; đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác, hội nhập quốc tế; các tuyến, điểm tham quan được mở rộng; công tác tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch cơ bản phát huy hiệu quả…
Trong giai đoạn 2010-2019, hoạt động du lịch Quảng Ninh đã có nhiều khởi sắc, mang lại hiệu quả thiết thực; bước đầu xây dựng được thương hiệu; tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động.
Từ các nguồn đầu tư của Nhà nước, cùng với việc áp dụng cơ chế chính sách đầu tư của tỉnh, tăng cường và nâng cấp đáng kể cơ sở hạ tầng du lịch cũng như cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế-xã hội đã giúp Quảng Ninh trở thành điểm sáng của ngành công nghiệp không khói cả nước.
Bước chuyển mình từ “nâu” sang “xanh”
Nhờ những chuyển biến tích cực trên mà lãnh đạo địa phương đã sớm xác định du lịch chính là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với các quan điểm xuyên suốt: Phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP.
Chắc hẳn trong ký ức của nhiều thế hệ, nhắc đến Quảng Ninh sẽ gợi nhớ về hình ảnh của những mỏ khai thác than bụi mịt mù. Thì nay, chủ trương của tỉnh là sẽ phát triển đột phá từ “Nâu” (các hoạt động khai thác khoáng sản) sang “Xanh” (du lịch bền vững, du lịch xanh).
Quá trình phát triển dựa vào các nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản và lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Dù tài nguyên du lịch đa dạng, dồi dào nhưng nếu muốn đi đường dài, rõ ràng không cách nào khác, Quảng Ninh phải khai thác bền vững lợi thế vốn có, để tự mình không “vắt kiệt” mình.
Những nhà quản lý “đất mỏ” nhận ra rằng phát triển du lịch cần phải đi đôi với bảo tồn các giá trị văn hóa, giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường; phát triển du lịch gắn với kinh tế biển.
Để hiện thực hóa mục tiêu, thời gian qua ngoài việc ban hành một số nghị quyết, quyết định, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển du lịch..., Quảng Ninh đã đưa ra các giải pháp cụ thể và quyết liệt.
Với chủ trương dành nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách, địa phương này đã tranh thủ mọi nguồn lực nhằm ưu tiên cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, trong đó tập trung vào các công trình như đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, đường cao tốc Hạ Long- Vân Đồn, cảng hàng không Quảng Ninh và Khu kinh tế Vân Đồn; cải tạo nâng cấp quốc lộ 18; các tỉnh lộ nối các khu du lịch và các di tích trọng điểm trên địa bàn tỉnh; đưa điện lưới ra khu vực huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn, xã đảo Cái Chiên huyện Hải Hà.
Quảng Ninh cũng đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, mà gần đây nhất là các dự án từ những nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Vingroup, Sungroup, Tuần Châu, My Way, Bitexco, BimGroup, FLC, Mường Thanh…Những dự án này sau khi hoàn thành đã tạo những sản phẩm du lịch mới, đặc sắc, mang đến nhiều trải nghiệm vượt trội cho du khách khi trở lại.
Có thể nói, sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng thời gian qua đã mang đến một diện mạo hấp dẫn cho vùng đất vốn bị găm sâu vào ký ức của nhiều người là nơi chỉ có Vịnh Hạ Long và khoáng sản.
Không chỉ hướng đến các dòng khách có khả năng chi trả cao, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng tới công tác hợp tác quốc tế tại các thị trường Hàn Quốc, Anh, Nhật Bản, Hong Kong, Malaysia, Nga; hợp tác và tạo liên kết phát triển các tuyến du lịch mới cùng như chuỗi sản phẩm du lịch với nhiều địa phương trên cả nước.
Lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển sản phẩm du lịch mới gắn các yếu tố văn hóa, giá trị truyền thống, cảnh quan; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Ninh, trong đó nổi bật và có tác động mạnh mẽ như chương trình Carnaval Hạ Long, Lễ hội Yên Tử, Lễ hội Ngọa Vân...
Video khám phá vẻ đẹp vịnh Hạ Long:
Với các giải pháp cụ thể, tập trung và khiển khai đồng bộ này, thời gian gần đây, diện mạo du lịch Quảng Ninh đã có nhiều khởi sắc.
Du khách đến có nhiều dịch vụ và sản phẩm để trải nghiệm hơn, từ lên núi, xuống biển, vào hang động, tới nghỉ dưỡng cao cấp, các khu giải trí, trung tâm ẩm thực sầm uất; du lịch tâm linh... đến khám phá Hạ Long không chỉ bằng ngủ đêm trên vịnh trong các du thuyền hạng sang mà bằng cả trực thăng...
Hình ảnh nhếch nhác ở bến tàu cảng ra vịnh, lụp xụp của những dãy hàng quán bán đồ lưu niệm và nhiều những dấu ấn buồn của chục năm trước khi đến với Hạ Long nay đã không còn. Thay vào đó là những công trình bề thế, hiện đại, sang chảnh. Và địa phương này đang dần từng bước khẳng định những dấu ấn khác biệt trên bản đồ du lịch trong nước cũng như quốc tế./.
Bài 2: Du lịch Quảng Ninh: Điểm đến của những dấu ấn khác biệt