Là khu vực có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính cạnh tranh cao, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong năm 2021, 7 địa phương thuộc cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đón được hơn 11,7 triệu lượt khách, bằng gần 54% so với năm 2020.
Phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới với những thay đổi về nhu cầu, tâm lý du khách gắn với đảm bảo an toàn phòng dịch, các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp, kỳ vọng tạo đà cho bước phát triển mới của hoạt động du lịch ở khu vực có rất nhiều thế mạnh này.
Phát triển đa dạng sản phẩm
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, Trưởng Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, xác định chìa khóa đầu tiên để mở cánh cửa thu hút du khách trở lại trong giai đoạn bình thường mới chính là sản phẩm du lịch hấp dẫn bên cạnh các chính sách thống nhất, đảm bảo an toàn phòng dịch, các địa phương sẽ tăng cường trao đổi thông tin về các sản phẩm mới, thông tin xu hướng, nhu cầu thị trường du khách.
Đồng thời, các thành viên của cụm tăng cường hợp tác, lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, giới thiệu với các doanh nghiệp du lịch của các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch gặp gỡ giao lưu, hợp tác phát triển và khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch.
Đặc biệt, phát huy thế mạnh sản phẩm du lịch địa phương, khuyến khích cộng đồng làm du lịch góp phần da dạng sản phẩm thu hút du khách được các địa phương xem là biện pháp quan trọng để có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, hoàn thiện.
[Du lịch phía Tây ĐBSCL: Những điểm đến giàu giá trị trải nghiệm]
Thành phố Cần Thơ với vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là cụm trưởng của Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 sẽ tập trung đa dạng hóa sản phẩm du lịch thành phố dựa trên khai thác các thế mạnh của du lịch sinh thái sông nước; du lịch MICE (du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị) và các loại hình du lịch khác như du lịch văn hóa di tích lịch sử, du lịch cộng đồng.
Thành phố cũng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ du lịch, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí văn hóa nghệ thuật chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm nhằm thu hút thị trường khách có khả năng chi tiêu cao và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết thêm.
Còn với tỉnh Bạc Liêu, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Xuân Thu Vân, để phát triển sản phẩm du lịch, thời gian tới tỉnh đẩy mạnh khai thác các giá trị văn hóa tâm linh, các cơ sở tôn giáo có sức ảnh hưởng, có thương hiệu như nhà thờ Tắc Sậy, chùa Giác Hoa, chùa Cỏ Thum; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh, Tháp Vĩnh Hưng, di tích Nọc Nạng, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh… để đưa vào khai thác phát triển tour, tuyến du lịch; đồng thời tổ chức tốt các lễ hội truyền thống hằng năm như Lễ hội dấu ấn Đồng Nọc Nạng, lễ hội Oóc Om Bok và các lễ hội tiêu biểu khác gắn với các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí để quảng bá, thu hút du khách.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu coi trọng phát triển không gian du lịch với các sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái sông nước theo tuyến kênh từ thành phố Bạc Liêu đi Vàm Lẻo (huyện Vĩnh Lợi) và đi thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp qua các huyện Giá Rai, Phước Long và Hồng Dân của tỉnh Bạc Liêu. Tỉnh cũng chú trọng phát triển du lịch kết hợp với tham quan các di tích văn hóa, lịch sử và tham quan, trải nghiệm các làng nghề… tạo không gian thuận lợi cho hoạt động du lịch phát triển, hình thành thêm các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của địa phương.
Tăng cường liên kết, tạo điểm nhấn qua các sự kiện
Để phục hồi và phát triển du lịch, một trong những vấn đề quan trọng đang được các địa phương thuộc cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện là đẩy mạnh phối hợp, liên tạo những tour, tuyến hấp dẫn trên cơ sở khai thác thế mạnh của từng địa phương, chọn đúng sản phẩm điểm nhấn, không trùng lặp, chồng chéo, góp phần khẳng định sức mạnh cho du lịch toàn vùng.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, trong năm 2022, các tỉnh, thành trong cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long chú trọng việc phối hợp, liên kết hình thành nên các tuyến du lịch đặc trưng, đẩy mạnh liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh và Cụm liên kết phía Đông đồng bằng để hình thành các tuyến du lịch đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long.
Điểm đáng chú ý là trong năm 2022, dự kiến hàng loạt các sự kiện sẽ được tổ chức tại các địa phương nhằm tạo điểm nhấn, dấu mốc thu hút du khách, từng bước tạo sự bứt phá cho hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới, đó là các sự kiện: Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ, Lễ hội Đờn ca tài tử Quốc gia năm 2022, Lễ Khánh thành Đền thờ vua Hùng tại thành phố Cần Thơ; Giải Marathon quốc tế “Mekong Delta Marathon” gắn với Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Hậu Giang; Lễ hội Oóc Om Bok-Đua ghe Ngo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Ngày hội Văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ tại Sóc Trăng; Tuần Văn hóa-Du lịch gắn với kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Bạc Liêu; Ngày hội du lịch và văn hóa ẩm thực Kiên Giang; Tuần lễ hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong khuôn khổ chuỗi sự kiện kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang.
Ở góc độ địa phương, theo lãnh đạo Sở Văn hóa-Thể Thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, xác định sản phẩm chính của tỉnh là du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, do đó, địa phương đang tiếp tục đầu tư để du khách đến Cà Mau sẽ có nhiều trải nghiệm khác biệt với hệ sinh thái rừng và biển, các sản phẩm ẩm thực mang tính đặc trưng từ các hệ sinh thái.
Tỉnh phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch nông thôn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau, tiếp tục phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau là điểm đến hấp dẫn cả trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đồng thời, Cà Mau cũng hợp tác tổ chức tour thí điểm khai thác tuyến du lịch xuyên Á qua các nước Campuchia, Thái Lan, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường du khách.
Với đà phục hồi du lịch đang có những dấu hiệu tích cực, tại Cà Mau, trong năm 2022 nhiều hoạt động nổi bật dự kiến được tổ chức như Lễ Thượng Cờ thống nhất non sông trong chuỗi sự kiện “Cà Mau-Điểm đến 2022,” Cuộc thi chạy Marathon Cà Mau 2022 với chủ đề “Kết nối đường Hồ Chí Minh huyền thoại,” qua đó góp phần khẳng định sắc thái riêng của vùng đất nơi cực Nam đất nước, vừa góp phần cùng các địa phương trong khu vực quảng bá những điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn nhất đến du khách, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết thêm./.