Du lịch phía Tây ĐBSCL: Những điểm đến giàu giá trị trải nghiệm

Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây ĐBSCL gồm 7 tỉnh, thành đều có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch mang sắc thái riêng, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của toàn vùng.
Du khách quốc tế tham quan chợ nổi khi chưa có dịch COVID-19. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long gồm 7 tỉnh, thành phố là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.

Các địa phương này đều có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch mang sắc thái riêng, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của toàn vùng đồng bằng. Nhìn nhận lại thế mạnh, tìm giải pháp để phục hồi và bứt phá theo hướng tăng liên kết, thúc đẩy nhau cùng phát triển sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 là vấn đề đang được ngành du lịch các địa phương quan tâm triển khai.

Là khu vực chứa đựng nhiều nét đặc trưng về điều kiện tự nhiên cùng những giá trị lịch sử, văn hóa trong hơn 300 năm hình thành và phát triển, các địa phương phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm đến, địa chỉ trải nghiệm có sức hút lớn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Nhiều dòng sản phẩm hấp dẫn

Các điều kiện tự nhiên về sinh thái, sông nước, đồi núi, biển đảo cùng với những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa,… chính là nguồn tài nguyên để các địa phương phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhiều dòng sản phẩm thuộc các loại hình du lịch khác nhau. Đó là các sản phẩm thuộc loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với sông nước miệt vườn, gắn với hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt, hệ sinh thái biển đảo hoặc loại hình du lịch văn hóa, tìm hiểu các di tích lịch sử-văn hóa, các lễ hội, làng nghề, tập quán canh tác sản xuất nông nghiệp, cách chế biến những đặc sản vùng miền…

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường, Cần Thơ là thành phố trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không khá thuận lợi. Cơ sở vật chất du lịch được đầu tư đồng bộ đáp ứng tốt điều kiện để phát triển du lịch.

Hiện nay các điểm du lịch, các tour, tuyến du lịch ngày càng thu hút được nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, từng bước tạo dựng thương hiệu du lịch Cần Thơ thực sự là “điểm đến du lịch lý tưởng-an toàn-thân thiện-chất lượng,” là nơi nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Mekong.” Trong giai đoạn 2016-2020, khoảng thời gian chưa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thành phố đã đón hơn 35 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch đạt hơn 16.100 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân đạt 19%/năm.

[Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long: Tạo điểm nhấn cho sản phẩm du lịch]

Đánh giá về sản phẩm du lịch của thành phố trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long này, nhiều chuyên gia nhận định, Cần Thơ được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, sông rạch chằng chịt, cung cấp nguồn nước ngọt quanh năm, tạo nên những miệt vườn sum suê, những cồn, cù lao xanh màu cây trái. Cần Thơ còn có chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, bến Ninh Kiều thơ mộng, tất cả đều đã trở thành những điểm đến phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn.

Trong khi đó, ở vùng đất Cực Nam đất nước, tỉnh Cà Mau có hệ sinh hái rừng ngập mặn, ngập ngọt với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ cùng những tài nguyên du lịch nhân văn là các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với nghề chế biến đặc sản, làng nghề truyền thống, lễ hội gắn với lịch sử của vùng đất nơi địa đầu phía Nam đất nước. Từ lợi thế đó, nhiều sản phẩm du lịch thuộc các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã phát triển, làm nên nét riêng cho du lịch vùng Đất Mũi, mang lại những trải nghiệm nhiều cảm xúc cho du khách.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết Cà Mau hiện có 3 tuyến du lịch chính gồm: thành phố Cà Mau - Khu du lịch Mũi Cà Mau, thành phố Cà Mau-Vườn Quốc gia U Minh Hạ-Hòn Đá Bạc và tuyến thành phố Cà Mau-Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm. Trong đó, tuyến du lịch thành phố Cà Mau-Khu Du lịch Mũi Cà Mau đã được xác định là tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh để tập trung phát triển trở thành Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau.

Tỉnh cũng đang tập trung xây dựng Đề án Làng Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau nhằm phát triển sản phẩm tham quan, trải nghiệm, văn hóa, ẩm thực, sản vật đặc trưng. Hiện nay, sản phẩm du lịch của Cà Mau đã có bước tiến đáng kể cả về số lượng và chất lượng, hướng đến phát triển thương hiệu Du lịch Cà Mau trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Cùng thuộc cụm hợp tác, phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Kiên Giang lại nổi bật với dòng sản phẩm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng tại các vùng biển đảo thuộc phíaTây Nam đất nước. Nhiều hòn đảo lớn, nhỏ ở thành phố Phú Quốc, quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải) hay quần đảo Hải Tặc (thành phố Hà Tiên)… không khí trong lành, biển xanh, cát trắng và cả những khu rừng nguyên sinh, những di tích lịch sử-văn hóa của địa phương ở phía Tây Nam đất nước đã trở thành những điểm đến có sức hấp dẫn rất đặc biệt với du khách.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, với nhiều điểm đến khẳng định thế mạnh về phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020, đã có trên 33 triệu lượt khách đến du lịch tại Kiên Giang. Hoạt động du lịch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ các sản phẩm nông-lâm-thủy sản và kích thích thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển; giải quyết việc làm cho gần 16 nghìn lao động, góp phần tăng thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách.

Khám phá mang đậm dấu ấn vùng miền

Không chỉ là những điểm tham quan, “check-in” đơn thuần, nét nổi bật của nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch ở các địa phương thuộc cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long là luôn mang đến cho du khách nhiều hoạt động trải nghiệm, tương tác, khám phá những nét đặc sắc về nét văn hóa, những phong tục, tập quán, cách thức canh tác, mưu sinh truyền thống của người dân bản địa.

Đơn cử, khám phá hệ sinh thái rừng ngập ngọt trong khu vực vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Hạ với điểm đến là Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt ở xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đang là một trong những sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn.

Vườn quốc gia U Minh Hạ. (Nguồn: camau.gov.vn)

Giám đốc Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt Phạm Duy Khanh cho biết ngoài những du khách đi du lịch theo kiểu tự túc, nhiều công ty du lịch cũng đã thiết kế, đưa vào chương trình tour các hoạt động trải nghiệm như gác kèo-ăn ong (theo chân người thợ ở địa phương trải nghiệm hoạt động gác kèo cho ong làm tổ và lấy mật ong); hay đặt lọp (dụng cụ đánh bắt thủy sản, được đan bằng tre, dây lưới hoặc inox) bắt cá ở vùng rừng U Minh. Nhiều du khách đã đến khu du lịch và ở lại nhiều ngày để cùng đi lấy mật ong, bắt cá, hái rau rừng, cùng người dân chế biến một số món đặc sản ẩm thực từ những loại rau, hoa trái, nguồn thủy sản phong phú ở địa phương.

Trải nghiệm, hòa mình cùng đời sống của người dân tại điểm đến là một trong những điểm nhấn đang làm nên sức hút cho du lịch các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, các tỉnh, thành trong cụm hợp tác, liên kết phát triển du lịch phía Tây đồng bằng nói riêng.

Theo đại diện Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, trong những năm gần đây, các điểm du lịch cộng đồng ở Cần Thơ là thế mạnh được ngành du lịch thành phố khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Với loại hình du lịch này, du khách sẽ lưu lại Cần Thơ trong thời gian lâu hơn, khám phá, tìm hiểu đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân miệt vườn Tây Nam Bộ.

Tại các điểm du lịch cộng đồng ở quận Bình Thủy, quận Thốt Nốt hay huyện Phong Điền, nhiều du khách đã dành cả ngày để cùng người dân bản địa đi hái rau, bắt cá, làm những “mâm cơm cộng đồng” đa vị, đa sắc màu hoặc cùng xay bột, làm và thưởng thức các loại bánh dân gian như bánh khọt, bánh lọt, bánh tằm, bánh kẹp. Chính những hoạt động trải nghiệm này đã giúp du khách có ấn tượng sâu sắc, từ đó lưu giữ và lan tỏa rộng rãi hình ảnh của điểm đến tới những bạn bè, người thân và cả cộng đồng.

Không chỉ có những trải nghiệm gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc như Kinh, Khmer, Chăm, Hoa, nhiều địa phương ở phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long lại có thế mạnh về du lịch văn hóa, tham quan danh lam thắng cảnh, di tích gắn với đời sống của đồng bào các dân tộc với những nét văn hóa, phong tục tập quán rất đặc sắc.

Chị Nguyễn Quỳnh Nga, du khách đến từ huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chia sẻ trong hành trình tham quan các tỉnh, thành phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long,  một trong những trải nghiệm để lại ấn tượng sâu sắc với chị là đến thăm chùa Xiêm Cán tọa lạc tại thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) -  một trong những ngôi chùa Khmer lớn nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ.

Ngôi chùa có kiến trúc rất đẹp, màu sắc rực rỡ, nổi bật song vẫn rất trang nghiêm khiến nhiều du khách ngỡ ngàng và càng cảm thấy hấp dẫn, cuốn hút hơn khi được giới thiệu về ý nghĩa của từng họa tiết tinh xảo, cầu kỳ trong ngôi chùa, thể hiện quan niệm về cuộc sống, phong tục, tín ngưỡng của đồng bào Khmer.

Đến Bạc Liêu vào cuối tháng Tám Âm lịch, đúng dịp diễn ra Lễ Sen Dolta của người Khmer, chị Nga và bạn bè lần đầu tiên được chứng kiến, trải nghiệm những nghi lễ rất đặc biệt mà đồng bào Khmer thể hiện lòng biết ơn các bậc sinh thành, tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng như lễ đặt cơm vắt, lễ cúng ông bà, lễ tiễn.

Tham quan chùa Khmer, tham gia một số điệu múa truyền thống của đồng bào Khmer, cùng làm những đặc sản như cốm dẹp, bánh thốt nốt, bánh Num chô, theo chị Nga, đó thực sự là những trải nghiệm, không chỉ mang lại rất nhiều cảm xúc mà còn giúp chị có thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa. Những du khách ưa thích tìm hiểu, chắc chắn sẽ mong muốn có những chuyến trở lại để được khám phá và có thêm những trải nghiệm mới mẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục