Du lịch nông nghiệp tạo thêm sức sống cho ngoại thành Hà Nội

Tại các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thạch Thất..., xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch, hấp dẫn du khách.
Các em học sinh tham gia trải nghiệm tại khu du lịch Hải Đăng, Thanh Trì. (Nguồn: Kinhtedothi.vn)

Du khách nhớ đến Hà Nội thường nhớ tới các sản phẩm văn hóa, ẩm thực mà ít nhớ ra Hà Nội còn có tới 18 huyện, thị xã ngoại thành có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch nông nghiệp.

Ngành du lịch Thủ đô đã và đang thúc đẩy mảng du lịch nông nghiệp, vừa đa dạng hóa sản phẩm du lịch, vừa góp phần tạo thêm sức sống cho các vùng ngoại thành.

Quan hệ hai chiều

Du lịch nông nghiệp được những người làm du lịch đánh giá có nhiều ưu thế khi du khách đã quá quen với các sản phẩm du lịch truyền thống.

Quá trình tham quan, khám phá, trải nghiệm du lịch nông nghiệp sẽ tạo ra hứng thú mới cho khách khi họ được hiểu hơn về môi trường, cảnh quan tự nhiên, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt người dân và được hòa mình với thiên nhiên.

Hơn nữa, du lịch nông nghiệp còn góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn; tạo việc làm tại chỗ; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương.

Hiện nay, các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Hà Nội chú trọng khai thác yếu tố văn hóa, văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan di sản văn hóa, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ hoạt động du lịch học đường, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần tại khu vực ngoại thành Hà Nội và các vùng phụ cận.

Thời gian gần đây, trên trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình trang trại sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, giáo dục, tiêu biểu như: Khu du lịch sinh thái Bản Rõm xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn), trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì)… - những địa chỉ quen thuộc với nhiều người, nhất là học sinh.

Đến với mô hình, du khách được tận hưởng không khí trong lành, tự tay trồng rau, thu hoạch sản phẩm và thưởng thức các loại nông sản tươi ngon do nông dân nuôi, trồng theo phương pháp hữu cơ ngay tại trang trại...

Ngoài ra, tại các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thạch Thất…, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch, hấp dẫn du khách bởi những vườn cây trĩu quả.

Có thể thấy, phát triển trang trại, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp du lịch giáo dục trải nghiệm đã mở ra hướng mới cho nhiều vùng ngoại thành Hà Nội.

[Phát triển công nghiệp văn hóa, mang lại nguồn thu cho kinh tế Hà Nội]

Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những nghệ nhân qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng.

Các làng cổ khu vực ngoại thành Hà Nội cũng là lợi thế để hình thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, thu hút khách đến tham quan, sinh hoạt cùng nông dân bản địa.

Xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm không chỉ được biết tới là quê hương của Thánh Gióng với Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Thánh Gióng và Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại Lễ hội Gióng, mà còn là làng nghề trồng hoa cây cảnh đã được thành phố Hà Nội công nhận.

Theo Bí thư Ðảng ủy xã Phù Ðổng Phùng Xuân Việt, hướng phát triển du lịch của Phù Đổng hiện nay dựa trên cơ sở khai thác lợi thế văn hóa, cảnh quan của xã, sẽ tạo một vòng khép kín cho du khách tham quan.

Du khách có thể trải nghiệm du lịch văn hóa tâm linh, thăm làng hoa giấy, cảnh quan sinh thái, du lịch đồng ruộng, thưởng thức ẩm thực Phù Đổng. Hướng đi này kỳ vọng thu hút nhiều du khách đến với Phù Đổng.

Không để tiềm năng ngủ quên

Mặc dù có tiềm năng, lợi thế lớn và được nhiều du khách quan tâm nhưng thực tế cho thấy các hoạt động du lịch nông nghiệp tại Hà Nội vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu.

Theo những người làm du lịch, để phát triển du lịch nông nghiệp cần có quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp theo một quy chuẩn cụ thể. Thành phố cần hỗ trợ xây dựng chương trình quảng bá cho loại hình du lịch này, đảm bảo du lịch nông nghiệp được thực hiện quanh năm theo mùa vụ; tập huấn cho những người tham gia vào hoạt động du lịch nông nghiệp…

Xác định du lịch nông nghiệp là hướng đi khả quan, có thể góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, nhiều huyện ngoại thành Hà Nội đã quan tâm phát triển loại hình này.

Huyện Đan Phượng, địa phương đầu tiên của Hà Nội được công nhận nông thôn mới, sở hữu hệ thống giao thông thuận lợi, hệ thống di tích, di sản văn hóa và các làng nghề truyền thống có khả năng phát triển du lịch rất tốt.

Theo ông Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, du lịch là định hướng mới của Đan Phượng, dựa trên những tài nguyên cơ bản của địa phương, trong đó chủ đạo là tài nguyên văn hóa, di tích giá trị lịch sử kiến trúc và phát triển thêm các điểm tham quan.

Với diện tích lớn dành cho canh tác nông nghiệp và trồng hoa, các loại hình trải nghiệm nông nghiệp kết hợp du lịch sẽ là thế mạnh của huyện Đan Phượng.

Thời gian qua, ngành du lịch Thủ đô đã xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển sản phẩm, kích cầu du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về du lịch tại các quận, huyện đồng thời thúc đẩy xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch khu vực nông thôn Hà Nội. Đó là một trong những hướng đi quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp của thành phố.

Học sinh trải nghiệm làm nông dân tại Công viên nông nghiệp Long Việt (Sóc Sơn). (Nguồn: Báo Hà Nội mới)

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, giai đoạn 2016-2020, Sở phối hợp với các đơn vị tổ chức được 44 lớp bồi dưỡng kiến thức văn hóa du lịch cho 8.900 người dân địa phương, nghệ nhân, người bán hàng, người phục vụ tại điểm đến du lịch.

Sở triển khai Đề án thí điểm xây dựng nhận diện thương hiệu (logo), biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội; thực hiện xây dựng nhận diện thương hiệu làng nghề Hà Nội và logo cho làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc.

Hiện Sở Du lịch đang xây dựng dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo kiều kiện thuận lợi thúc đẩy ngành kinh tế du lịch nông nghiệp Hà Nội phát triển.

Khi kế hoạch hoàn thiện và đưa vào thực tiễn, du lịch nông nghiệp kỳ vọng trở thành khí thế mới góp phần thay đổi diện mạo của vùng ngoại thành Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục