Du lịch nông nghiệp - hướng phát triển nhiều tiềm năng ở Ninh Bình

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đang dần trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại Ninh Bình, giúp khai thác các giá trị của nông thôn, lưu giữ văn hóa truyền thống.
Du lịch nông nghiệp - hướng phát triển nhiều tiềm năng ở Ninh Bình ảnh 1Một góc Ninh Bình. (Nguồn: TTXVN)

Hoạt động du lịch khai thác các yếu tố từ sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc phát triển du lịch kết hợp với nông nghiệp nông thôn thu hút được nhiều lao động vùng nông thôn, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, từ đó tạo đà cho du lịch Ninh Bình từng bước phát triển, thu hút du khách thập phương đến tham gia trải nghiệm.

Khởi sắc du lịch nông nghiệp nông thôn

Xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp có nhiều di tích lịch sử, hang động cùng với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Đây cũng là nơi hình thành nhiều các trang trại, hợp tác xã nuôi con đặc sản.

Với những tiềm năng, thế mạnh, các hợp tác xã, các chủ trang trại tại địa phương đã có ý tưởng liên kết các trang trại xây dựng thành tour du lịch cộng đồng với nhiều mô hình hấp dẫn, như du lịch trang trại đồng quê, miệt vườn, trải nghiệm làm nông dân, du lịch sinh thái, câu cá... Đến nay, các mô hình này đã dần tạo được điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Ông Trịnh Văn Tiến, Giám đốc Hợp tác xã nông sản và du lịch Tam Điệp, cho biết hợp tác xã tiền thân là Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản với trên 10 thành viên. Với lợi thế về địa hình và chăn nuôi nhiều cây, con đặc sản, từ năm 2020, các thành viên trong hợp tác xã đã quyết định liên kết để phát triển kết hợp với du lịch.

Khách du lịch đến với hợp tác xã được tham quan thắng cảnh, trải nghiệm thực tế các mô hình chăn nuôi, trồng trọt và thưởng thức những đặc sản được sản xuất tại chính nơi đây. Đến nay, với những nỗ lực trong việc phát triển nông nghiệp và du lịch, mô hình du lịch của hợp tác xã đã được công nhận xếp hạng OCOP 4 sao và thu hút được đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm góp phần tăng hiệu quả kinh tế.

Với dịch vụ du lịch đa dạng, phong phú, nhiều năm gần đây, huyện Hoa Lư đều thu hút hàng triệu du khách/năm đến tham quan. Tận dụng lợi thế vốn có, từ năm 2019, Hoa Lư triển khai phát triển nông nghiệp gắn với phục vụ du lịch. Toàn huyện có hơn 3.000ha đất trồng lúa, tuy nhiên, nhiều diện tích đất xen kẹt giáp chân núi, đất ngập nước gây khó khăn trong việc gieo cấy lúa dẫn đến một số hộ dân không còn mặn mà với cây lúa.

Để khắc phục tình trạng bỏ ruộng tại một số địa phương, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác, từ đầu năm 2019, Ủy ban Nhân dân huyện đã chuyển đổi 6,2ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen Nhật kết hợp thả cá, gắn với phát triển du lịch sinh thái tại xã Ninh Hải, Ninh Xuân và Trường Yên.

[Ninh Bình ‘siết’ phòng dịch COVID-19, đảm bảo an toàn tại khu du lịch]

Ông Vũ Văn Thông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân huyện Hoa Lư cho biết mô hình trồng sen Nhật kết hợp thả cá không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế cao với các sản phẩm từ sen, còn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh tại các khu vực trồng sen. Mô hình còn giúp người dân tại địa phương có thêm thu nhập từ việc cho du khách thuê trang phục chụp ảnh tại đầm sen.

Nhiều người dân, cơ sở lưu trú tại địa phương đã triển khai trồng sen, tạo nên cảnh sắc thơ mộng, đặc trưng tại địa phương, góp phần thu hút đông đảo khách tham quan.

Đến nay, huyện Hoa Lư đang tiếp tục triển khai mô hình này và mở rộng diện tích lên 42ha tại các xã Ninh Xuân, Ninh Hải, Ninh Thắng, Trường Yên.

Theo đại diện Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn được hình thành, đưa vào khai thác đầu tiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, huyện Gia Viễn. Bắt đầu từ việc du khách đến với Vân Long có nhu cầu nghỉ tại nhà dân, tìm hiểu, khám phá cuộc sống của cư dân địa phương, đến nay mô hình đã lan tỏa ra nhiều địa phương trong toàn tỉnh.

Các địa phương phát triển mạnh mô hình du lịch này như xã Gia Vân, Gia Hòa, huyện Gia Viễn; xã Sơn Hà, huyện Nho Quan; xã Ninh Xuân, Ninh Hải, Trường Yên, huyện Hoa Lư; xã Yên Mạc, Yên Từ, huyện Yên Mô; thành phố Tam Điệp...

Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có nhiều làng nghề; hàng nghìn trang trại, gia trại. Với những giá trị, tiềm năng đó, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đang dần trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại các địa phương trong tỉnh, giúp khai thác các giá trị nội tại của vùng nông thôn, duy trì, bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Đây còn là hướng phát triển đem lại thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Phát triển bền vững du lịch nông nghiệp nông thôn

Theo ông Phạm Duy Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, Ninh Bình là tỉnh thuần nông, với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, sở hữu nền sản xuất sinh thái nông nghiệp đã có lịch sử lâu đời. Nhiều cánh đồng ở Ninh Bình xuất hiện trên các tạp chí nổi tiếng của thế giới như cánh đồng lúa Tam Cốc từng lọt top 15 địa danh "tuyệt đẹp nhưng ít người biết đến" do tờ Telegraph (Anh) bình chọn; đứng đầu danh sách 50 điểm đến hấp dẫn nhất năm 2018 của Tạp chí Business Insider.

Du lịch nông nghiệp - hướng phát triển nhiều tiềm năng ở Ninh Bình ảnh 2Con đường gỗ nằm giữa hồ sen nở rộ với một bên là cánh đồng lúa một bên là đỉnh Hang Múa, Ninh Bình tạo nên khung cảnh lãng mạn, thơ mộng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngoài ra, tỉnh có nhiều cánh đồng đang triển khai các mô hình canh tác mới thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước đến tham quan và chụp ảnh như cánh đồng dứa Đồng Giao, cánh đồng hoa Ninh Phúc, làng hoa đào Đông Sơn...

Ninh Bình có rất nhiều làng nghề, nhiều sản phẩm đặc trưng nổi tiếng. Mô hình du lịch nông nghiệp ở địa phương đã góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, khai thác các giá trị về tài nguyên của địa phương, đặc biệt là các giá trị nội tại của hoạt động sản xuất nông nghiệp để tạo thu nhập ngoài các sản phẩm thuần túy nông nghiệp cho những người nông dân là vấn đề đang được xã hội quan tâm đặc biệt.

Việc phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ có ý nghĩa là phát triển một loại hình du lịch mới, tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt, còn như một phương pháp hiệu quả nhằm duy trì, bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đang phải chịu áp lực của phát triển kinh tế và quá trình đô thị hóa đang diễn ra phổ biến.

Ông Phạm Duy Phong cho biết Sở Du lịch tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tập trung phát triển các tour du lịch gắn với các hoạt động trải nghiệm du lịch tại các khu điểm du lịch như các tour du khảo đồng quê, một ngày làm nông dân. Bên cạnh đó, ngành đã đưa các sản phẩm OCOP đã được tỉnh công nhận để phục vụ cho khách du lịch.

Thời gian tới, ngành du lịch tỉnh sẽ ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn một cách đồng bộ, có định hướng phát triển sản phẩm một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện từng địa phương, vùng miền, nỗ lực khai thác những giá trị nổi trội và khác biệt của từng nơi để tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc góp phần thu hút khách du lịch đến với Ninh Bình.

Ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết du lịch tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là người dân vùng nông thôn.

Tại các điểm du lịch như Tam Cốc-Bích Động, Tràng An, Vân Long, Cúc Phương, Bái Đính, trước đây, nhiều hộ chỉ sống bằng nông nghiệp, thu nhập nhờ vào trồng trọt, chăn nuôi. Khi du lịch phát triển kinh tế, người dân tại các vùng này được cải thiện rõ rệt, bằng các nghề dịch vụ du lịch, thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Vũ Nam Tiến, để phát triển du lịch nông thôn giai đoạn tới, tỉnh cần có những định hướng, bước đi mới, trong đó có sự liên kết chặt chẽ của người dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước các lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề, du lịch để tạo ra được sản phẩm du lịch có chất lượng, tính chuyên nghiệp cao.

Chính quyền địa phương cần quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với quy hoạch du lịch để đảm bảo định hướng phát triển bền vững, hỗ trợ lẫn nhau; tiếp tục đầu tư các hạng mục phát triển hạ tầng giao thông tạo thuận tiện cho du khách di chuyển đến các địa phương tham quan; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường cho du lịch nông thôn bằng nhiều phương thức khác nhau, thông qua báo chí, truyền thông, kênh truyền hình, website, các trang mạng xã hội, hội chợ du lịch...

Người dân cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống để tạo ấn tượng tốt với khách du lịch. Xây dựng hình ảnh du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp để tạo sức hút đối với du khách trong nước, quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục