Du lịch nội địa rục rịch trở lại trạng thái 'bình thường mới'

Nhiều địa phương bắt đầu "cởi trói" cho một số hoạt động liên quan tới du lịch khi COVID-19 có dấu hiệu được kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, để trở về trạng thái "bình thường mới," cần có một lộ trình.
Điểm đến trong nước trước thời điểm COVID-19 bùng phát lần thứ tư. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Điểm đến trong nước trước thời điểm COVID-19 bùng phát lần thứ tư. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Khi COVID-19 có dấu hiệu được kiểm soát ở một số địa phương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố bắt đầu chỉ thị cho nới lỏng kiểm soát đối với một số hoạt động liên quan tới du lịch.

Đây là những tín hiệu vui giữa tâm dịch bùng phát lần thứ tư, giúp các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phần nào được “cởi trói,” từng bước phục hồi nền kinh tế xanh trên cả nước.

Những “cánh cửa” hé mở

Nhằm đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, những ngày gần đây một số địa phương không phát hiện ca nhiễm mới trong nhiều ngày liên tiếp đã cho phép các hoạt động liên quan đến du lịch trở lại trạng thái “bình thường mới.” Tuy nhiên, các khu, điểm du lịch này hầu hết chỉ được phục vụ người nội tỉnh.

[Du lịch Việt có thể học hỏi gì thế giới trong ‘trận chiến' COVID-19?]

Theo đó, ở phía Bắc, tỉnh Quảng Ninh đã cho phép mở cửa các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở dịch vụ tổ chức đón du khách nội tỉnh từ 12 giờ ngày 8/6; thành phố Hải Phòng từ ngày 13/6 cho phép mở cửa các hoạt động thể thao ngoài trời, công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố.

Khu vực miền Trung, tại Huế, từ 13 giờ ngày 11/6, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã mở cửa đón khách tham quan, cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa, các khu du lịch, danh lam thắng cảnh cũng được hoạt động, song chỉ đón khách nội tỉnh nếu đảm bảo giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc và tối đa không quá 50% công suất phục vụ.

Du lịch nội địa rục rịch trở lại trạng thái 'bình thường mới' ảnh 1Du lịch Việt đã và đang trải qua những ngày buồn trầm lặng. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Sau 21 ngày không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, Đà Nẵng đã cho phép mở cửa trở lại một số dịch vụ kinh doanh thiết yếu, hoạt động tắm biển từ ngày 9/6. Song đáng tiếc là vừa qua được 10 ngày, thành phố biển lại quyết định tạm dừng hoạt động bán hàng ăn uống phục vụ tại chỗ và tắm biển kể từ trưa ngày 20/6, do phát ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Thành phố Hội An (Quảng Nam) từ ngày 8/6 cho phép tổ chức lại một phần hoạt động tuyến tham quan du lịch Hội An-Cù Lao Chàm và các hoạt động tắm biển, văn hóa, thể thao, lễ hội, hội thi; các khu, điểm du lịch, văn hóa, danh lam thắng cảnh… tập trung không quá 30 người; riêng khu phố cổ và các hoạt động phố đêm, phố đi bộ… chưa được mở lại.

Đặc biệt, thông tin từ Ủy ban ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, từ đầu tháng Bảy, tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ 13 di tích tư nhân có tên trong ô vé tham quan phố cổ Hội An để bù một phần chi phí nhằm duy trì mở cửa các di tích đón du khách.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng cho phép hoạt động trở lại một số dịch vụ như hoạt động thể thao tập trung (phòng gym, yoga…), cơ sở kinh doanh bi-a, các spa làm đẹp, sân bóng đá mini; hoạt động đón khách nội tỉnh tham quan du lịch tại các điểm, khu du lịch, danh lam thắng cảnh, di tích, bảo tàng trên địa bàn tỉnh từ ngày 19/6…

Các dịch vụ được phép hoạt động trở lại phải đảm bảo không tập trung quá 20 người tại một khu vực trong cùng thời điểm và phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Các hãng taxi được hoạt động, nhưng không được chở vượt quá 50% số ghế.

Du lịch nội địa rục rịch trở lại trạng thái 'bình thường mới' ảnh 2Vì ảnh hưởng của COVID-19 mà nền kinh tế xanh đã phải bơi ngược dòng. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)

Đây được coi là một trong những động thái tích cực của các địa phương trong việc đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp dần khôi phục lại ngành công nghiệp không khói.

Học hỏi lộ trình quốc tế

Khi hoạt động du lịch nội địa đang từng bước hồi sinh, thị trường du lịch quốc tế cũng ghi nhận những tín hiệu khả quan. Mặc dù các doanh nghiệp đã sẵn sàng tâm thế đón khách trở lại nhưng thực tế họ vẫn cần cơ quan quản lý nhà nước có những định hướng cụ thể trong việc cập nhật thông tin, vạch rõ lộ trình, xây dựng các tiêu chí về du lịch an toàn… để có chuẩn chung cùng thực hiện.

Trong bối cảnh khó khăn mới thấy vai trò “nhạc trưởng” của các cơ quan quản lý là vô cùng quan trọng, để dẫn dắt đoàn tàu du lịch Việt đi đúng hướng giữa mịt mù “bão COVID.” Thời điểm này Việt Nam có thể học hỏi lộ trình của một số nước láng giềng như Thái Lan.

Để phục hồi nền công nghiệp không khói trong giai đoạn tới, Thái Lan đưa ra lộ trình 4 bước: Bước 1 - mở lại thị trường quốc tế từ ngày 1/7 tại Phuket; bước 2 – tiếp tục mở 10 điểm đến khác vào tháng Chín; bước 3 - mở một số điểm đến vào tháng 1/2022; bước 4 - mở toàn bộ các điểm đến và đón khách quốc tế trở lại trên cả nước.

Theo đó, du khách quốc tế đã tiêm vaccine phòng COVID-19 không dưới 14 ngày và không quá 1 năm trước ngày du lịch sẽ được phép tới Phuket. Khách phải đến từ các quốc gia, khu vực có nguy cơ nhiễm virus SAR-CoV-2 từ thấp đến trung bình, theo thông báo và cập nhật liên tục của Bộ Y tế công cộng (MoPH).

Du khách đến Phuket đều phải cài đặt ứng dụng ThailandPlus trên điện thoại thông minh và luôn bật ứng dụng khi di chuyển. Tất cả du khách sẽ được ở trong một cơ sở lưu trú được cấp chứng nhận “Amazing Thailand Safety and Health Administration: SHA” trong thời gian không dưới 14 đêm và sau đó sẽ được phép đi thăm các điểm đến khác của Thái Lan…

Du lịch nội địa rục rịch trở lại trạng thái 'bình thường mới' ảnh 3Vaccine phòng COVID-19 chính là "chìa khóa" giúp phục hồi ngành công nghiệp không khói. (Ảnh: Getty)

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù dịch bệnh thì thời điểm này cả khách quốc tế và khách Việt đều quan tâm đến những trải nghiệm du lịch mới, các trào lưu mới… Vì thế cái họ cần là nắm rõ thông tin các điểm đến an toàn, tỷ lệ dân số Việt Nam được tiêm phòng vaccine COVID-19, các dịch vụ mới… và đặc biệt cần một lộ trình phục hồi cho du lịch Việt giai đoạn tới.

Không chỉ học hỏi kinh nghiệm từ các nước bạn, để chuẩn bị tốt cho việc mở lại thị trường, theo các chuyên gia cũng cần gặp gỡ trực tiếp hoặc trực tuyến với các hãng truyền thông quốc tế tại Việt Nam, các đại sứ quán, hãng hàng không… để xúc tiến quảng bá điểm đến.

Thời gian tới, kể cả khi COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động du lịch trở lại bình thường thì người dân dù xê dịch đến đâu cũng cần tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh 5K của Bộ Y tế... Bởi chẳng thể lường trước hiểm họa virus SAR-CoV-2 có thể rình rập ở bất kỳ đâu. Vì thế mỗi người hãy tạo thói quen du lịch an toàn để bảo vệ chính mình và cộng đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục