Du lịch Ninh Thuận tạo chiến lược mới để bứt phá trong tương lai

57 dự án du lịch được Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn gần 30.000 tỷ đồng sẽ tạo ra nhiều diện mạo mới, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng du lịch của tỉnh.
Du lịch Ninh Thuận tạo chiến lược mới để bứt phá trong tương lai ảnh 1Nhiều resort đã được đầu tư xây dựng tại khu vực biển Bình Sơn-Ninh Chữ, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trụ cột của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đây là động lực, điều kiện để ngành Du lịch của tỉnh bứt phá, trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi du lịch của cả nước, nhất là khu vực Duyên hải miền Trung; đồng thời từng bước khẳng định thương hiệu, hình ảnh du lịch Ninh Thuận trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Những gam màu sáng từ quyết sách

Xác định tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, tỉnh Ninh Thuận đã cụ thể hóa và ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh phát triển.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 nhấn mạnh tiếp tục phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu Chương trình hành động số 134-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp trọng tâm như lập quy hoạch tổng thể phát triển ngành Du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, phát triển du lịch trọng điểm, du lịch đẳng cấp cao trên địa bàn tỉnh.

[Khám phá cánh đồng rong biển tuyệt đẹp ở Ninh Thuận]

Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp không khói này.

Có thể nói những quyết sách mà tỉnh Ninh Thuận đưa ra đã tạo sức hút mạnh mẽ đối với ngành du lịch.

Tập đoàn Crystal Bay đang đầu tư xây dựng khách sạn tiêu chuẩn từ 4-5 sao, với quy mô lên tới 10.000 phòng; trong đó có tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort tiêu chuẩn 5 sao với 21 tầng, quy mô 3.300 phòng, dự kiến năm 2022 đưa vào sử dụng.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận, địa bàn tỉnh có 150 cơ sở lưu trú với 3.300 phòng, số phòng có chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên chiếm trên 40%.

Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 57 dự án du lịch được Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn gần 30.000 tỷ đồng. Các dự án này sẽ tạo ra nhiều diện mạo mới, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng du lịch của tỉnh trong tương lai.

Có thể nói từ một tỉnh với ngành du lịch được coi là “sinh sau, đẻ muộn” so với các tỉnh, thành trong khu vực nhưng với bước đi “chậm mà chắc” nên dù có nhiều khó khăn, thách thức, tác động nhưng tín hiệu phát triển của du lịch của Ninh Thuận trong những năm qua khá ấn tượng và đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Nam Trung bộ cùng cả nước.

Minh chứng rõ nét là trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng du lịch của Ninh Thuận có bước đột phá ngoạn mục, luôn duy trì phát triển ổn định ở mức 2 con số trở lên mỗi năm; lượt khách tăng bình quân 16%/năm, doanh thu du lịch tăng bình quân 17,7%/năm.

Tạo thêm động lực phát triển

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Ninh Thuận xác định rất rõ mục tiêu để đưa ngành Du lịch phát triển toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong giai đoạn này, tỉnh phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế chiếm 12-13%; doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động toàn tỉnh.

Đến năm 2030, tỉnh trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước; phấn đấu đón 6 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế chiếm 14-15%, doanh thu ngành du lịch đạt 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh.

Du lịch Ninh Thuận tạo chiến lược mới để bứt phá trong tương lai ảnh 2Nhiều dự án phát triển du lịch đang đầu tư xây dựng tại khu vực biển Bình Sơn-Ninh Chữ, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên chia sẻ để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã có định hướng phát triển rất khả thi; trong đó chú trọng phát triển thị trường du lịch, tập trung vào thị trường nội địa, thị trường quốc tế truyền thống. Qua đó, tạo cơ sở vững chắc, hướng tới những đối tượng khách cấp cao của các thị trường sẵn có, phát triển thị trường mới có tiềm năng...

Tỉnh chú trọng phát triển sản phẩm du lịch với nhóm 4 sản phẩm đặc thù, 4 sản phẩm mới lạ và 4 sản phẩm bổ trợ; phát triển du lịch theo không gian, lãnh thổ để khai thác tiềm năng đặc trưng, giàu bản sắc của mỗi vùng.

Bên cạnh đó, tỉnh dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước gắn với nguồn lực từ khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công-tư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; tăng cường liên kết vùng, kết nối giữa các địa phương với kế hoạch phát triển tương xứng; mở rộng kết nối giao thông với các đầu mối giao thông du lịch quan trọng như sân bay Cam Ranh, cảng Cam Ranh, dự án sân bay Phan Thiết (sau khi hoàn thành); kêu gọi đầu tư dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Phan Rang-Đà Lạt kết hợp phát triển du lịch...

Ninh Thuận sẽ đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Từ đó đổi mới, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; chú trọng đổi mới về hình thức, nội dung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả; gắn tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch liên vùng, liên tỉnh để giới thiệu đến du khách trong, ngoài nước.

Tín hiệu vui đối với Ninh Thuận là Khu Du lịch quốc gia Ninh Chữ được Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân tỉnh lập quy hoạch tại văn bản số 1465/TTg-CN ngày 4/11/2019, với quy mô 35.138ha đang được Bộ Xây dựng tiến hành thẩm định quy hoạch.

Tại hội nghị trực tuyến về thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia Ninh Chữ đến năm 2045, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, khẳng định quy hoạch được xây dựng trên cơ sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khi đó, Khu Du lịch quốc gia Ninh Chữ sẽ cùng với các khu, điểm du lịch quốc gia khác trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ, vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ hình thành các tuyến du lịch mang tính liên kết, phát huy lợi thế, cùng phát triển theo hướng bền vững-đẳng cấp-độc đáo.

Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia Ninh Chữ được phê duyệt sẽ làm cơ sở để tỉnh lập quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu vực và lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung trong khu du lịch quốc gia này.

Để ngành Du lịch thực sự là điểm mạnh phát triển trong số các ngành trụ cột của địa phương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với xu thế; xây dựng chiến lược, thương hiệu du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có đẳng cấp…

Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục có giải pháp để kích cầu, tăng cường hoạt động liên kết, duy trì hợp tác du lịch với 9 tỉnh vùng Duyên hải miền Trung, 6 tỉnh Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch. Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số đối với hoạt động du lịch để kết nối, nhằm hỗ trợ và tăng tính trải nghiệm cho khách du lịch; sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục