Du lịch Nam Bộ phục hồi và phát triển: Tạo bứt phá mới

Theo các chuyên gia để du lịch Nam Bộ bứt phá, bên cạnh giải pháp hạ tầng, cần đẩy mạnh phát triển, đổi mới sản phẩm, tăng tính hấp dẫn cho du lịch từng địa phương cũng như toàn vùng.
Du lịch Nam Bộ phục hồi và phát triển: Tạo bứt phá mới ảnh 1Phối cảnh các hoạt động tại tuyến phố đi bộ Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Phục hồi và từng bước phát triển trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, bên cạnh những kết quả rõ nét, du lịch các địa phương khu vực Nam Bộ cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế này đòi hỏi các cấp, các ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, dịch vụ có giải pháp tháo gỡ, góp phần chung tay phát triển du lịch bền vững.

Nhận diện thách thức

Khu vực Nam Bộ bao gồm Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng để phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với đời sống sông nước, miệt vườn, du lịch biển, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện), du lịch văn hóa, du lịch làng nghề…

Dưới góc nhìn chuyên gia, nhận định về du lịch Đông Nam Bộ, Tiến sỹ Lê Văn Khoa (Trường Đại học Thủ Dầu Một) cho rằng với vị trí nằm liền kề Đồng bằng sông Cửu Long, cửa ngõ phía Tây nối với các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia thông qua mạng lưới đường bộ xuyên Á, phía Đông có hệ thống cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thị Vải-Cái Mép, khu vực Đông Nam Bộ giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, đặc biệt là du lịch.

Đông Nam Bộ hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên và nhân văn để phát triển các loại hình du lịch về nguồn, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển… Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm du lịch ở một số địa phương thuộc khu vực này còn trùng lặp, đơn điệu, dễ gây cảm giác nhàm chán cho du khách. Các dịch vụ vui chơi giải trí tại một số tỉnh hiện nay chưa được đầu tư xây dựng.

Do vậy, mức độ “lôi kéo” du khách ở lại dài ngày tham quan trên địa bàn còn hạn chế, số ngày lưu trú thấp dẫn đến tổng thu từ khách du lịch không cao. Từ đó, thị trường khách du lịch thiếu ổn định, một số tỉnh gần như chưa có thị trường về khách du lịch quốc tế.

Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia nêu thực trạng, khu vực này không chỉ nổi tiếng là vựa lúa gạo, hải sản, trái cây của cả nước, mà còn là một trong bảy vùng trọng điểm về du lịch Việt Nam, trong đó có tới 5 khu du lịch và 7 điểm du lịch quốc gia, gần 40 điểm du lịch được công nhận là điểm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

[Du lịch Nam Bộ bắt nhịp phục hồi và phát triển sau dịch]

Thế nhưng, hiện nay, chỉ số lưu trú của du khách ở các địa phương trong vùng còn thấp. Bởi vì, nếu hiểu sản phẩm du lịch là sự kết hợp giữa tài nguyên du lịch với các dịch vụ, hàng hóa cung ứng cho du khách thì tại một số địa phương, có những sản phẩm du lịch vẫn còn trùng lặp, thiếu sự khác biệt nổi bật.

Lấy ví dụ từ Cần Thơ - thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo Phó Giáo sư Đào Ngọc Cảnh và Tiến sĩ Huỳnh Văn Đà (Trường Đại học Cần Thơ), sức hấp dẫn của nhiều điểm du lịch tại đây chưa cao. Một lượng du khách đáng kể đi qua Cần Thơ mà không dừng lại. Một số khác có dừng chân để lưu trú và ăn uống nhưng lại không chọn đến các điểm du lịch trên địa bàn do chưa nhận thấy sức hấp dẫn của các sản phẩm du lịch.

Giải pháp căn cơ

Để tạo sự bứt phá, đưa du lịch tại các địa phương có thế mạnh phát triển xứng tầm, bên cạnh các giải pháp về phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nhóm giải pháp quan trọng được các chuyên gia, lãnh đạo các địa phương và đại diện doanh nghiệp du lịch, dịch vụ cùng nhấn mạnh chính là phải đẩy mạnh phát triển, đổi mới sản phẩm, tăng tính hấp dẫn cho du lịch từng địa phương cũng như toàn vùng.

Du lịch Nam Bộ phục hồi và phát triển: Tạo bứt phá mới ảnh 2Khách du lịch tham quan khu sản xuất nước mắm tại Nhà thùng nước mắm Khải Hoàn trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đại diện nhiều địa phương cho biết, trên cơ sở Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, các địa phương khẩn trương triển khai lập quy hoạch tỉnh, thành đảm bảo tính đồng bộ với Quy hoạch vùng, trong đó bám sát phương hướng phát triển một trong những ngành có lợi thế tại Đồng bằng sông Cửu Long, đó là du lịch.

Theo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đối với ngành Du lịch sẽ phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, đất ngập nước) và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu. Đồng thời, phát triển Cần Thơ và Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng.

Bên cạnh đó, tại Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển các khu, điểm du lịch cấp quốc gia, cấp vùng gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa-lịch sử, gồm các khu du lịch như Khu Du lịch quốc gia Phú Quốc, Năm Căn-Mũi Cà Mau, Tràm Chim-Láng Sen, Núi Sam, Thới Sơn; các điểm du lịch quốc gia: Cù lao Ông Hổ, Khu lưu niệm Cao Văn Lầu, bến Ninh Kiều, Ao Bà Om, Hà Tiên, Văn Thánh Miếu. Ngoài ra, phát triển các tuyến du lịch nội vùng, liên vùng, quốc gia, trong đó chú trọng phát triển các tuyến du lịch liên vùng gắn với Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Cà Mau, tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan-Campuchia-Rạch Giá- Cà Mau) và hệ thống cửa khẩu quốc tế đường bộ Hà Tiên (Kiên Giang), Tịnh Biên (An Giang), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp) và Bình Hiệp (Long An), tuyến đường biển và tuyến đường sông dọc theo sông Tiền và sông Hậu, kết nối với Phnompenh và Seam reap (Campuchia).

Đồng thời, tại Đồng bằng sông Cửu Long, Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ phục vụ du lịch, kết nối giữa các khu, điểm du lịch nội vùng, liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển.

Cùng đề cập về phát triển sản phẩm du lịch, ở góc độ từng địa phương cụ thể, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn, mới đây ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn Cần Thơ, thí điểm tại quận Ninh Kiều. Theo đó, với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực, mua sắm và dịch vụ, văn hóa, thể thao ban đêm được tổ chức, việc thực hiện đề án sẽ góp phần phát triển đa dạng hơn các sản phẩm dịch vụ, du lịch, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí vào ban đêm của người dân và du khách đến Cần Thơ.

Các loại hình dịch vụ được lồng ghép trong các mô hình kinh tế ban đêm hiện nay đã được nhiều địa phương áp dụng như: phố đi bộ, chợ đêm, khu vui chơi giải trí thương mại tổng hợp, kết nối mạng lưới tour tuyến du lịch trong nước và quốc tế, qua đó thực hiện mục tiêu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, phát triển Cần Thơ trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, ủy ban nhân dân tỉnh vừa phê duyệt đề án phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với du lịch, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Trên cơ sở thế mạnh của địa phương có nhiều ngành nghề, làng nghề truyền thống có giá trị văn hóa gắn liền với điều kiện tự nhiên, lịch sử của vùng đất, con người Kiên Giang, tỉnh đẩy mạnh khai thác, phát triển các tài nguyên du lịch là các nghề, làng nghề truyền thống trở thành sản phẩm du lịch.

Tỉnh xác định những làng nghề có tiềm năng du lịch quan trọng, tăng cường đầu tư hợp lý để thu hút khách và trở thành điểm sáng cho các làng nghề tại địa phương, đồng thời có chính sách quy hoạch và khai thác làng nghề hiệu quả, kết hợp hiệu quả vẻ đẹp của cảnh quan, sức hấp dẫn về giá trị văn hóa của làng nghề cùng sự thuận tiện liên kết tour với các điểm đến có sức hấp dẫn cao.

Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025 có 8 làng nghề truyền thống được đưa vào khai thác du lịch hiệu quả, trong đó lấy các thành phố Phú Quốc và Hà Tiên làm trung tâm phát triển du lịch làng nghề của tỉnh, tiêu biểu là các làng nghề sản xuất nước mắm, sản xuất rượu sim, đan cỏ bàng, nuôi cá bè làng chài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục