Du lịch Khánh Hòa, Cà Mau, Bạc Liêu, Hải Dương đón tín hiệu tích cực

Trong 5 ngày nghỉ Tết, các địa phương Khánh Hòa, Cà Mau, Bạc Liêu, Hải Dương đã đón nhiều lượt khách tới tham quan, du lịch, đem lại tín hiệu tích cực cho ngành du lịch trong năm 2022.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và các sở, ban, ngành chào đón đoàn khách từ Hà Nội đến xông đất Khánh Hòa trong ngày đầu năm Nhâm Dần. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Trong 5 ngày nghỉ Tết, các địa phương Khánh Hòa, Cà Mau, Bạc Liêu, Hải Dương đã đón nhiều lượt khách tới tham quan, du lịch, đem lại tín hiệu tích cực cho ngành du lịch trong năm 2022.

Khánh Hòa: Đón hơn 65.000 lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trong dịp Tết Nhâm Dần

Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, trong 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Xuân Nhâm Dần (tính từ ngày 31/1 đến ngày 4/2), đã có khoảng 65.500 lượt du khách đến Khánh Hòa tham quan, nghỉ dưỡng.

Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 233 tỷ đồng. Theo dự đoán, lượng du khách đến Nha Trang-Khánh Hòa trong dịp này diễn ra cao điểm từ ngày mùng 3 đến mùng 6 Tết, tập trung tại các khu nghỉ dưỡng ở khu vực Bãi Dài (huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh), khu nghỉ dưỡng trên đảo và khu vực ven biển thành phố Nha Trang, công suất buồng, phòng bình quân tại khách sạn và resort đạt khoảng 80%.

Bên cạnh các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng - mừng Xuân Nhâm Dần 2022 của địa phương, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã chủ động, sẵn sàng đón khách cùng với việc trang trí, tạo nhiều chương trình, sản phẩm thu hút khách du lịch.

Dù tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng du khách nội địa vẫn đi du xuân trong dịp Tết Nguyên đán, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch.

Bên cạnh sự bắt đầu sôi động trở lại của thị trường nội địa, ngành du lịch Khánh Hòa đã và đang tập trung thu hút khách quốc tế thông qua triển khai Hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa từ giữa tháng 11/2021 đến nay.

[Các gợi ý trải nghiệm giúp chuyến du lịch năm 2022 thêm phần thú vị]

Theo đó, các cơ sở lưu trú du lịch từ 4-5 sao đã chủ động tổ chức các sự kiện, chương trình “Đêm Gala chào đón giao thừa, chúc Tết du khách” như tiệc buffet, múa lân chào xuân mới Nhâm Dần, lì xì đầu năm, tặng chữ thư pháp, giảm giá dịch vụ, nâng cao chất lượng ẩm thực, ca nhạc, trò chơi dân gian, rút thăm trúng thưởng…

Thông qua đó, các cơ sở giới thiệu đến du khách những nét đặc sắc đậm truyền thống văn hóa ngày Tết của Việt Nam.

Các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp du lịch tăng cường thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch COVID-19, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe, tính mạng của người lao động, du khách; bảo đảm đón Tết Nguyên đán an toàn, vui tươi; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, thực hiện đồng bộ các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nhằm vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất; hạn chế tối đa tổ chức các hoạt động tập trung đông người...

Sở Du lịch Khánh Hòa đã tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế đối với 3 khu, điểm du lịch và 10 cơ sở lưu trú du trên địa bàn tỉnh, kết quả cho thấy hầu hết các cơ sở kinh doanh đã quan tâm triển khai thực hiện theo quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/2022 (tức là 29 Tết đến mùng 4 Tết), mỗi ngày có khoảng 29 chuyến bay nội địa đến Sân bay quốc tế Cam Ranh, bình quân khoảng 173 khách/chuyến; 1 chuyến bay quốc tế với mức trung bình khoảng 336 khách/chuyến.

Đây cũng là một trong những tuyến vận chuyển chính cho hành khách trong và ngoài nước đến Khánh Hòa du lịch trong dịp này.

Lượng khách du lịch ở Cà Mau gia tăng trong 5 ngày tết

Ngày 4/2, thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết từ ngày 31/1- 4/2, gần 72.500 lượt khách du lịch đã đến Cà Mau, tăng 3,43% so cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, Khu du lịch Hòn Đá Bạc thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm trong dịp Tết. Đây là bước khởi sắc của ngành du lịch Cà Mau trong dịp năm mới Xuân Nhâm Dần 2022.

Nhà sàn Bác Hồ tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Kim Há/TTXVN)

Dịp Tết năm nay, tình hình dịch COVID-19 ở Cà Mau được kiểm soát tốt; 100% xã, phường, thị trấn đều trở thành vùng xanh.

Nắm bắt cơ hội này, một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại với mô hình, sản phẩm tham quan, trải nghiệm mới, thu hút đông đảo lượng khách đến tham quan.

Tuy vậy, trong 5 ngày Tết mức doanh thu từ du lịch của tỉnh Cà Mau mới đạt khoảng 35,1 tỷ đồng, giảm 31,6% so cùng kỳ năm 2021.

Doanh thu du lịch giảm do các khu, điểm du lịch ở Cà Mau chưa đồng loạt mở cửa hoạt động trở lại. Đơn cử, Khu du lịch Khai Long không mở cửa đón khách tham quan nhưng chỉ phân luồng cho khách, phật tử đến viếng chùa, thắp hương cầu may trong năm mới.

Một số điểm du lịch khác như Đầm Thị Tường, Năm Hướng, Tư Ngãi, Ba Sú..., vẫn tạm ngưng hoạt động. 

Bên cạnh đó, lượng khách đến tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh chủ yếu là khách nội tỉnh, lượng khách đi theo đoàn giảm so năm trước do tâm lý e ngại dịch COVID-19.

Khách du lịch đều tiết giảm chi tiêu, phần lớn du khách sử dụng phương tiện cá nhân cũng là nguyên nhân làm giảm doanh thu du lịch trong dịp Tết năm nay.

Bạc Liêu: Các điểm du lịch hút khách ngày đầu năm

Tỉnh Bạc Liêu ở cấp độ 1 - nguy cơ thấp (vùng xanh) với dịch COVID-19 từ ngày 28/1 nên trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, việc đi lại, đón Tết của nhân dân trên địa bàn cũng nhộn nhịp hơn. Người dân luôn tuân thủ 5K tại các địa điểm công cộng, nhất là tại các điểm du lịch tập trung đông người.

Ghi nhận từ ngày 3-4/2, tại các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Bạc Liêu như Cánh đồng điện gió, Quảng trường Hùng Vương, chùa Xiêm Cán, Quán Âm Phật Đài, nhà Công tử Bạc Liêu… ghi nhận đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái.

Một dự án điện gió tại thành phố Bạc Liêu. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Công tác đảm bảo an ninh trật tự tại điểm du lịch được lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương chú trọng. Lực lượng dân quân, công an địa phương được bố trí trực, điều tiết giao thông và đảm bảo công tác an ninh, an toàn tại các điểm du lịch.

Có mặt tại chùa Quan âm Phật Đài (phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu) chiều 4/2, khách thập phương vẫn tới đây đông nườm nượp để chiêm bái, cầu bình an.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Sang ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), gia đình tranh thủ ngày mùng 4 Tết để đến thắp hương cầu bình an trước khi quay lại Thành phố Hồ Chí Minh làm việc.

Còn theo chị Nguyễn Thị Huệ ở thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), năm nào gia đình chị cũng tranh thủ đến Phật Bà Nam Hải (Quan âm Phật đài) ở Bạc Liêu để cầu gia đạo bình an, sức khỏe. May mắn là cận Tết, tình hình dịch lắng xuống nên người dân ai cũng vui mừng. 

Có mặt tại Cánh đồng điện gió Bạc Liêu (xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu), nhiều gia đình cũng tranh thủ đến để chụp ảnh, tham quan.

Theo chia sẻ của anh Sơn Minh ở thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), tranh thủ thời gian nghỉ Tết, cả gia đình cũng đến cánh đồng điện gió để tham quan, chụp ảnh kỷ niệm.

Bạc Liêu đang phát huy thế mạnh để phát triển du lịch, định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thực hiện thắng lợi 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trở thành một trong những trung tâm du lịch quan trọng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong năm 2022, Bạc Liêu phấn đấu doanh thu du lịch - dịch vụ đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng khoảng 97% so với năm 2021.

Cụ thể, doanh thu nhà hàng-khách sạn ước đạt trên 1.150 tỷ đồng, tăng khoảng 109% so với năm 2021; khách du lịch đạt trên 3,35 triệu lượt, tăng khoảng 86% so với năm 2021; trong đó có khoảng 1.600.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú và 115.000 lượt khách quốc tế.

Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn.

Tỉnh chỉ đón được khoảng 1,8 triệu lượt khách, đạt 56,3% kế hoạch cả năm (năm 2021 dự kiến đạt 3,2 triệu lượt), giảm 18,2% so với năm 2020. Nhiều doanh nghiệp du lịch lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng.

Khách du lịch đến địa phương suy giảm mạnh, tình trạng hủy tour từ 60 - 80%. Doanh thu từ du lịch-dịch vụ khoảng 1.650 tỷ đồng, đạt 51,6% kế hoạch năm (năm 2021 dự kiến đạt 3.200 tỷ đồng) giảm 13,2% so với năm 2020.

Với những tín hiệu lạc quan ngay từ đầu năm khi tình hình dịch COVID-19 ngày càng giảm, số ca lây lan ngoài cộng đồng cũng ít hơn, người dân đến tham quan tại các địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh đông đúc hơn, do đó tỉnh hy vọng du lịch Bạc Liêu trong năm 2022 sẽ tiếp tục khởi sắc.

Các di tích, danh thắng trên địa bàn Hải Dương đón hàng vạn lượt du khách đến chiêm bái

Theo thông tin từ các Ban quản lý di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Hải Dương, từ ngày 31/1 đến ngày 4/2, các khu di tích, danh thắng đã đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến dâng hương, chiêm bái.

Vẻ đẹp cổ kính của cầu Thấu Ngọc trong chùa Côn Sơn, thuộc Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Cụ thể, Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn-Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh) đã đón trên 3 vạn lượt du khách. Quần thể An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn) đã đón trên 2 vạn lượt du khách.

Hai khu di tích quốc gia đặc biệt là Văn miếu Mao Điền và Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Xưa-chùa Giám-đền Bia (huyện Cẩm Giàng) đã đón gần 1,5 vạn lượt du khách. Các khu di tích như đền Cao, đền thờ nhà giáo Chu Văn An, đền thờ Tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ… (thành phố Chí Linh) cũng đã đón 1,5 vạn lượt du khách.

Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Ban Quản lý những di tích này đã tăng cường tuyên truyền qua hệ thống loa, cử cán bộ, nhân viên tăng cường nhắc nhở, đề nghị người dân thực hiện nghiêm quy định 5K khi đến dâng hương, chiêm bái.

Hải Dương cũng đã ban hành đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” để phát triển ngành du lịch.

Đề án đưa ra mục tiêu trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng dịch vụ và môi trường du lịch nhằm tạo ra sự phát triển bứt phá, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo Đề án trên, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Hải Dương sẽ đón 2,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó, khách lưu trú là 0,75 triệu lượt; 3,7 triệu lượt khách nội địa, trong đó, khách lưu trú là 1,48 triệu lượt; tổng thu nhập từ du lịch đạt 7.450 tỷ đồng. Tỉnh Hải Dương xây dựng từ 3-4 sản phẩm du lịch đặc thù.

Đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu đón 3,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó, khách lưu trú là 1,53 triệu lượt; 4,8 triệu lượt khách nội địa, trong đó, khách lưu trú là 2,64 triệu lượt. Tỉnh xây dựng từ 4-5 sản phẩm du lịch đặc thù; tổng thu từ du lịch đạt 21.000 tỷ đồng.

Đến năm 2050, tỉnh Hải Dương phấn đấu đón 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó, khách lưu trú là 4,2 triệu lượt; 10 triệu lượt khách nội địa, trong đó, khách lưu trú là 7 triệu lượt; thu nhập từ du lịch đạt 102.500 tỷ đồng. Tỉnh Hải Dương xây dựng thêm 5-10 sản phẩm du lịch đặc thù được đầu tư khai thác.

Một số sản phẩm du lịch đặc thù mà tỉnh Hải Dương dự kiến phát triển là: Tour “Về với nghệ thuật rối nước vùng đồng bằng sông Hồng” (thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang); “Con đường khoa cử Việt” (làng Tiến sĩ Mộ Trạch, huyện Bình Giang kết nối với Văn miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng - đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, huyện Nam Sách - đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, thành phố Chí Linh); “Con đường gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt” (thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách kết nối với Bảo tàng tỉnh); Khu danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền thờ Tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ, chùa Thanh Mai, hồ Thanh Long, hồ Bến Tắm, rừng phong lá đỏ, quần thể di tích đền Cao (An Lạc), chùa Ngũ Đài...

Hải Dương có hệ thống di tích với mật độ vào loại cao của cả nước. Toàn tỉnh hiện có 3.199 di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ học và danh lam thắng cảnh gồm đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ…; trong đó có 390 di tích, danh thắng được xếp hạng gồm: 4 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 142 cấp quốc gia và 244 cấp tỉnh; gần 10.000 cổ vật được lập hồ sơ đăng ký bảo vệ và trên 5 vạn hiện vật cùng các bộ sưu tập quý hiếm lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; 8 bảo vật quốc gia.

Hệ thống di tích đa dạng về loại hình lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc còn được bảo tồn như: Chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, đền Cao An Lạc (thành phố Chí Linh); chùa Động Ngọ, đền- đình Sượt (thành phố Hải Dương); chùa Minh Khánh, chùa Hào Xá (huyện Thanh Hà); chùa Trăm Gian, đình Nhân Lý, đình Vạn Niên (huyện Nam Sách); chùa Giám, Văn Miếu Mao Điền (huyện Cẩm Giàng); chùa Huề Trì, động Kính Chủ (thị xã Kinh Môn)…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục