Du lịch Hà Nội đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực để bứt phá

Hà Nội được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, bởi vậy ngành du lịch Thủ đô xác định cần đầu tư nâng cao chất lượng và chuẩn hóa nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch.
Du lịch Hà Nội đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực để bứt phá ảnh 1Du khách quốc tế khám phá Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển du lịch, nguồn nhân lực du lịch Hà Nội luôn là vấn đề được quan tâm của các cơ quan liên quan trong thời gian qua.

Khi du lịch được xác định là ngành kinh tế cần được ưu tiên phát triển, hơn bao giờ hết, nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch đang được thành phố Hà Nội đầu tư nâng cao chất lượng, chuẩn hóa.

Đòi hỏi khắt khe về nhân lực

Là một ngành có tính đặc thù cao, đòi hỏi có sự chuyên nghiệp, do vậy nguồn nhân lực du lịch phải đáp ứng đầy đủ các kỹ năng như giao tiếp, ngoại ngữ, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin… bên cạnh trình độ học vấn cơ bản.

Với vị thế là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực, Hà Nội có một đội ngũ nhân lực du lịch đông đảo và được đánh giá chất lượng tương đối tốt so với cả nước.

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, số người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch tại thành phố khá lớn, lên khoảng 88.000 người, trong đó, lao động trong các cơ sở lưu trú khoảng 57.000 người, doanh nghiệp lữ hành khoảng 9.000 người, các khu, điểm du lịch khoảng 2.000 người, các cơ sở dịch vụ khác (nhà hàng, quán bar, múa rối nước, triển lãm tranh…) khoảng 20.000 người. Con số này cho thấy ngành du lịch thực sự là ngành có triển vọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân.

Chất lượng nguồn nhân lực du lịch Hà Nội cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Khoảng 80% nhân viên các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, các khách sạn từ 3 đến 5 sao đều có trình độ đại học trở lên, sử dụng được ngoại ngữ và các thiết bị thông tin hiện đại như máy tính kết nối internet, trao đổi thư điện tử, sử dụng trang web… Đặc biệt, các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài đều có đội ngũ cán bộ trình độ cao, chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản.

Ngoài ra, Hà Nội có 2.613 hướng dẫn viên du lịch quốc tế được cấp thẻ, có thể sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ khi tham gia hướng dẫn cho khách.

Theo ông Lee Jung Youl, Tổng Giám đốc Khách sạn Lotte Hà Nội, ngành khách sạn, nhất là các khách sạn 5 sao cần củng cố dịch vụ của mình để làm hài lòng tất cả các khách hàng. Những vị khách này thường đi du lịch khắp các châu lục, họ có những yêu cầu và đòi hỏi về dịch vụ rất cao.

Để làm hài lòng du khách, ông Lee Jung Youl cho rằng: “Chúng ta cần củng cố, trang bị kiến thức cho nhân viên, những người phục vụ để nâng tầm dịch vụ chung. Đầu tư tập huấn cho nhân viên không chỉ là việc nên làm mà là một việc bắt buộc để khách sạn có thể tồn tại trong điều kiện yêu cầu ngày càng gay gắt. Nâng cao kiến thức cho nhân viên cũng giúp cho nhân viên đó yêu nghề hơn, có ước mơ hơn và quyết tâm phát triển khách sạn hơn.”

Chuẩn hóa nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu

Theo đánh giá của một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, hiện nay ngành du lịch chưa có định hướng thị trường khách rõ ràng nên nguồn nhân lực phục vụ cho các thị trường rơi vào tình trạng chỗ thiếu trầm trọng, chỗ dư thừa nhiều.

Vì vậy, việc định hướng và hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn nhằm chuẩn bị số lượng nguồn nhân lực du lịch phù hợp với các thị trường mục tiêu, phù hợp với định hướng khai thác nguồn khách ngắn hạn và dài hạn là điều cần thiết đối với Hà Nội lúc này.

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, đề xuất: “Tận dụng lợi thế, Thủ đô có nhiều thành phố kết nghĩa và quan hệ hợp tác với nhiều nước trên thế giới, Hà Nội có thể giúp các cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc tạo điều kiện liên kết với các cơ sở đào tạo có chất lượng, nhất là các cơ sở đào tạo tại thị trường được xác định trọng điểm. Sở Du lịch Hà Nội sẽ là cơ quan đầu mối gắn kết sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo về du lịch và các doanh nghiệp du lịch lớn trên địa bàn để việc đào tạo sát hơn với thực tế hoạt động du lịch đang cần.”

Với những nguồn nhân lực du lịch phục vụ trực tiếp hiện có như hướng dẫn viên, lái xe, nhân viên nhà hàng, khách sạn…, thành phố cũng cần có sự thống kê, quản lý để thường xuyên tổ chức những lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp theo định kỳ.

Hàng năm, Hà Nội cũng cần tổ chức một chương trình Ngày hội việc làm du lịch để giúp thị trường nhân sự du lịch phát triển lành mạnh, đúng hướng và tăng tính cạnh tranh nhằm chuẩn bị một bước cho việc mở cửa thị trường lao động sau này.

Ý thức về tầm quan trọng của nguồn nhân lực, Hà Nội đang chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành du lịch.

Theo ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội: “Thành phố cần đầu tư và tạo điều kiện xã hội hóa trong đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch, thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch theo bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam.”

Song song với đó, ngành du lịch Hà Nội tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa-du lịch các quận, huyện, thị xã. Trình độ nhận thức, khả năng giao tiếp, thái độ văn minh của cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch, các làng nghề truyền thống tiếp tục được bồi dưỡng, nâng cao.

Ngành du lịch Hà Nội cũng đề xuất có cơ chế bồi dưỡng, đào tạo các nghệ nhân trẻ có tay nghề bảo tồn, duy trì, phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch.

Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội còn tập trung bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên, lễ tân khách sạn thông qua việc kết hợp với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế để mở các lớp đào tạo theo hình thức phù hợp.

Để nguồn nhân lực Hà Nội đạt được trình độ chuyên nghiệp cao còn nhiều việc phải làm nhưng Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định Sở sẽ làm hết sức mình vì tất cả du khách đến với Thủ đô Hà Nội./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục