Xác định du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, Chính phủ Nhật Bản đã chú trọng để xây dựng hình ảnh một đất nước tươi đẹp, đa dạng, thuận tiện và thân thiện.
Các hình thức du lịch của Nhật Bản được phát triển vô cùng đa dạng, từ những công viên cây xanh được thiết kế với chủ điểm của các mùa hoa, đến những di tích văn hóa, lịch sử và những công trình hiện đại ghi danh những tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ của Nhật Bản…
Bài 1: Du lịch hạ tầng
Một Nhật Bản nổi tiếng với nền khoa học kỹ thuật hiện đại hàng đầu thế giới, với những công trình hạ tầng khổng lồ như tháp truyền hình cao hàng trăm mét, hệ thống cống ngầm như cung điện dưới lòng đất… là hình dung đầu tiên của hầu hết khách du lịch về đất nước Nhật Bản.
Từ cơ sở này, Nhật Bản đã tiến hành những tour du lịch hạ tầng để giới thiệu với khách tham quan sự vĩ đại của những công trình hạ tầng Nhật Bản.
Hệ thống thoát nước đô thị Tokyo - Cung điện dưới lòng đất
Lưu vực sông Naka đã bị tàn phá nặng nề trong quá khứ do các trận lũ lớn từ các con sông Tone và Ara làm thay đổi dòng chảy của sông Naka. Được bao quanh bởi các con sông lớn của vùng Kanto gồm Tone, Ara và Edo, sông Naka có địa hình như một chiếc bát chứa nước mỗi khi mùa lũ đến.
Sự phát triển của thủ đô Tokyo với dân số và các công trình xây dựng tăng lên càng khiến cho tình hình ngập lụt tại Tokyo trở nên nghiêm trọng mỗi khi đến mùa mưa lớn. Các công trình thoát nước cũ không còn đủ năng lực để ngăn chặn tình trạng úng ngập tại đô thị.
Và Hệ thống thoát nước ngầm đô thị đã được xây dựng giúp cho Tokyo và các khu vực lân cận không rơi vào cảnh úng ngập kéo dài trong mùa mưa.
Đây được xem là một trong những hệ thống thoát nước lớn nhất thế giới với năm giếng nước liên thông với nhau bằng hệ thống đường hầm ngầm, một trạm bơm gồm bốn máy bơm công suất lớn nhất hiện nay và một bể điều hòa lượng nước khổng lồ.
Phần lớn các công trình khổng lồ này đều nằm sâu dưới lòng đất, hiển hiện trên một vùng đất rộng lớn ở ngoại ô thành phố chỉ vẻn vẹn là tòa nhà gạch hai tầng màu đỏ giản dị và một sân bóng xanh mướt.
Điểm nổi bật nhất và cũng là đặc trưng khiến hệ thống thoát nước đô thị Tokyo trở nên nổi tiếng trên thế giới là bể điều hòa lượng nước. Với quy mô đồ sộ và vẻ đẹp hùng vĩ, công trình này trở nên được mệnh danh “Cung điện dưới lòng đất.”
Bể có độ sâu 22 mét so với mặt đất, dài 177 mét, rộng 78m và cao 18 mét.
Sự hùng vĩ của công trình này nằm ở chính 59 cột trụ khổng lồ cao 18m, rộng 2 mét và dài 7 mét, nặng tới 500 tấn. Đây là các cột trụ dùng để đỡ trần của bể nước.
Một cơn mưa lớn ở thủ đô Tokyo vào tối hôm trước suýt nữa đã khiến chuyến tham quan của chúng tôi bị dời sang ngày khác. Theo anh nhân viên, bể điều hòa sẽ ngập nước khi mưa lớn và không một ai có thể vào được bên trong.
May mắn là cơn mưa đã tạnh lúc nửa đêm và chúng tôi đã có cơ hội chiêm ngưỡng cung điện dưới lòng đất ở nhiệt độ 20 độ C, chỉ bằng một nửa so với nền nhiệt 38 độ ngoài trời.
[Đến thăm công viên Nara độc đáo của Nhật Bản qua những bức ảnh]
Một không gian thoáng đãng và yên tĩnh, nhưng ẩn chứa bên dưới là sức mạnh của con người Nhật Bản với các công trình xây dựng vĩ đại - đó chính là điểm thu hút khách trong và ngoài nước của điểm du lịch này.
Cầu Ngọc Trai - Khung cảnh kỳ vĩ từ trên cao
Kobe là một trung tâm kinh tế sầm suất của Nhật Bản, với cảng Kobe có quy mô hoạt động tầm cỡ thế giới. Hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng và Kobe trở thành đô thị có nhiều công trình hạ tầng giao thông hiện đại và quy mô lớn tầm cỡ thế giới, trong đó nổi bật là Cầu treo Akashi Kaikyo, tên tiếng Anh là cầu Ngọc trai.
Đảo Awaji thuộc tỉnh Hyogo, nằm giữa hòn đảo lớn nhất Honshu và đảo nhỏ nhất Shikoku trong hệ thống bốn đảo chính (gồm Honshu, Hokkaido, Kyushu và Shikoku), đóng vai trò là một điểm trung chuyển giữa hai hòn đảo chính.
Khu vực eo biển Akashi nối đảo Awaji với Kobe là nơi thường xuyên bị những trận bão lớn đổ bộ. Trước khi cầu Akashi Kaikyo được xây dựng, hành khách phải đi lại bằng phà qua eo biển này.
Đây là phương thức giao thông nguy hiểm trong điều kiện thời tiết xấu. Năm 1955, một cơn bão đã nhấn chìm hai chiếc phà tại eo biển, làm 168 trẻ em thiệt mạng. Vụ tai nạn đã trở thành cú hích để Chính phủ Nhật Bản quyết tâm xây dựng cầu treo qua khu vực này.
Akashi Kaikyo là một cầu treo kiểu kết dây võng, nối Maiko ở thành phố Kobe với vùng Iwaya của đảo Awaji và là một phần trong tuyến đường cao tốc Honshu-Shikoku.
Đây là cây cầu treo có nhịp dài nhất thế giới với chiều dài nhịp chính lên tới 1.991m trong tổng chiều dài cầu là 3.911m. Cầu có tất cả ba nhịp, có khả năng chịu đựng sức gió lên tới 286 km/h, chịu được động đất cấp 8.5 độ và sự va đập của dòng nước.
Hai tháp chính cầu cao 298m so với mực nước biển, tương đương với tháp truyền hình Tokyo.
Cầu được xây dựng trong 10 năm với tổng chi phí xây dựng cầu ước tính khoảng 500 tỷ yen (khoảng 5 tỷ USD), đi vào hoạt động vào ngày 5/4/1998 và dự kiến sử dụng tối thiểu được 200 năm.
Sự nổi tiếng của Akashi Kaikyo đã biến công trình này trở thành một trong những điểm du lịch được ưa chuộng tại thành phố Kobe.
Tour du lịch Cầu Akashi Kaikyo, thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi năm, bắt đầu với việc đưa du khách đến bảo tàng đặt ở khu vực đầu cầu Maiko. Nhiều tài liệu, mẫu vật và mô hình được trưng bày giúp du khách hình dung rõ ràng về công trình vĩ đại này.
Sau đó, du khách sẽ được hướng dẫn đi vào khu vực cầu. Đầu tiên, du khách sẽ đi bộ hoặc đi thang máy, với độ cao tương đương khoảng tòa nhà 10 tầng, để tiếp cận đường được lắp ghép bằng các thanh sắt, tạo thành các mắt lưới.
Đây là tuyến đường nằm dưới tuyến đường cao tốc của ô, để các kỹ thuật viên thường xuyên kiểm tra tình trạng của cầu. Các du khách sẽ được đi bộ trên tuyến đường này và các mắt lưới sẽ giúp họ nhìn thấy dưới chân mình là biển Nội hải Seto.
Để được phép đi bộ trên tuyến đường này, người tham gia phải có độ tuổi thấp nhất là trung học cơ sở, đủ sức khỏe và không mắc các chứng bệnh tim mạch.
Trước khi đặt chân lên đường kim loại này, chúng tôi được khuyến cáo sử dụng thiết bị đeo điện thoại để đảm bảo không bị rơi, sử dụng ba lô, túi đeo chéo, đi giày đế bằng, không cầm điện thoại trên tay, không khoác một bên vai hoặc cầm tay túi xách và không đi giày cao gót.
Sau một hồi nghe các khuyến cáo, hướng dẫn viên mô tả “bạn sẽ được chứng kiến sự vĩ đại đầu tiên của chiếc cầu này khi cảnh cửa mở ra.”
Quả thật, nghe câu giới thiệu này, tôi rất hồi hộp, chờ đợi một khung cảnh ngoạn mục mở ra trước mắt. Cánh cửa sắt được mở ra, tôi không thất vọng về sự đồ sộ của kết cấu cầu và con đường kỹ thuật được ghép bằng những thanh sắt, nhưng “chỉ toàn sắt với thép thì không hấp dẫn chút nào,” tôi nghĩ thế.
Tuy nhiên, tất cả đã xoay chiều chỉ sau vài bước chân, trên cả hấp dẫn là sự “phiêu lưu” làm tôi toát mồ hôi. Đi bước chân đầu tiên trên đường kỹ thuật, tôi cảm thấy như cả người mình nhũn xuống vì nhìn rõ mồn một mặt biển cách 300 mét phía dưới. Chứng sợ độ cao, không cần nhắc, tự động quay lại chào tôi ngay lập tức.
Mặc dù các ô vuông dạng lưới khá nhỏ, chỉ khoảng 4cm vuông mỗi ô, không thể có khả năng bị lọt chân rơi xuống dưới, song cảm giác sợ hãi vẫn dâng lên trong tôi, nếu không vì xấu hổ với mọi người đi cùng, tôi đã đi bằng bốn chân trên con đường này.
Hướng dẫn viên không khuyến cáo về độ cao vì kết cấu kỹ thuật của cầu đảm bảo an toàn 100% cho người di chuyển.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm bản thân, tôi khuyên những bạn mắc chứng sợ độ cao nên cân nhắc nếu không muốn trải qua cảm giác hoảng hốt và ngợp đi vì sợ.
Thang máy để dẫn lên đỉnh cầu cách nơi tôi đang đứng hơn 1km, không còn cách nào khác, tôi quyết định khởi động “cuộc phiêu lưu” có độ dài hơn 1km của mình. Can đảm lên, xuất phát!
Tôi cố gắng kiềm chế không đưa mắt nhìn xuống. Tự dặn mình như vậy, song đôi lúc, tôi vẫn he hé mắt liếc xuống và lại cảm giác muốn nhũn cả người vì sợ.
Toàn bộ các thành viên trong đoàn đã tới vị trí thang máy lên đỉnh cầu, trong khi tôi còn cách xa họ cả mấy trăm mét vì đi với tốc độ dò dẫm từng bước trên tầm “lưới sắt”
Điểm hấp dẫn nhất của tour du lịch là lên đỉnh cầu. Tại ví trí này du khách, sẽ được chiêm ngưỡng eo biển Akashi và quang cảnh đảo Awaji từ độ cao 300 m so với mặt nước biển.
Thang máy đưa chúng tôi lên đỉnh của nhịp cầu cao nhất. Trước mắt chúng tôi, chiếc cầu treo hùng vĩ vươn qua biển, mềm mại như một chiếc lược ngọc trai gài trên mái tóc xanh.
Chúng tôi thật may mắn khi thời tiết hôm đó nắng đẹp, mát mẻ và không có gió to. Màu xanh ngọc bích của biển và trời hòa làm một. Tôi cảm giác như đang được bay lơ lửng giữa trời và biển. Một cảm giác rất là Titanic!
Dưới chân chúng tôi là những luồng ôtô đang chuyển động, trông như những luồng kiến đang cần mẫn làm việc. Bên kia chân cầu là đảo Awaji sầm uất, với những tòa nhà trắng xanh san sát, trông xa bé tí xíu như đồ chơi.
Tôi không dám nhìn xuống phía dưới nhiều vì vẫn chưa hết cảm giác sợ hãi khi di chuyển trên tấm “lưới sắt.”
Thế nhưng nhìn các thành viên trong đoàn hồ hởi chụp ảnh kỷ niệm trên độ cao gần 300 mét của chiếc cầu treo có nhịp dài nhất thế giới, tôi quyết định nén nỗi sợ xuống, để làm vài kiểu ảnh check-in tươi cười, kỷ niệm chuyến “phiêu lưu rất ngắn nhưng đầy thú vị” của mình.
Công ty quản lý cao tốc Honshu-Shikoku cho biết tour du lịch này được bắt đầu từ năm 2005, thu hút khoảng trên 10.000 khách du lịch/năm trong đó khoảng 25% là du khách nước ngoài./.