Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ cao cấp và sản phẩm du lịch đặc thù là những vấn đề tồn tại của du lịch Cát Bà được các đại biểu nêu lên tại hội thảo xúc tiến liên kết, phát triển du lịch Cát Bà xanh ngày 27/9.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, Cát Bà là thương hiệu du lịch lớn, là địa điểm du lịch có thương hiệu nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, Cát Bà gần như không có sự thay đổi nào đáng kể.
Thời gian tới, Cát Bà cần thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu để xây dựng những sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, nổi bật. Chỉ có những nhà đầu tư lớn mới có thể định vị được sản phẩm du lịch chất lượng cao, hấp dẫn, tạo niềm tin cho du khách. Như vậy, Cát Bà mới khắc phục được tình trạng du lịch mùa vụ như hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, khi sân bay Cát Bi, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đi vào hoạt động, Cát Bà hoàn toàn có thể có cơ hội thu hút khách quốc tế, đặc biệt là khách đến với Hạ Long thăm Cát Bà do giao thương thuận lợi. Khách phía Nam có thể ra thăm đảo bằng đường hàng không.
Muốn đạt được kết quả này, không chỉ huyện Cát Hải (đơn vị quản lý hành chính quần đảo Cát Bà) mà cả Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả.
Còn theo ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ninh, lợi thế về phát triển du lịch của Cát Bà lớn hơn hẳn so với Quảng Ninh. Nơi đây không chỉ sở hữu những hòn đảo xinh đẹp mà còn có Vườn Quốc gia Cát Bà, có môi trường nước trong sạch.
Để cả Quảng Ninh và Hải Phòng cùng tận dụng được lợi thế, kết hợp để phát triển, ông Trịnh Đăng Thanh đề xuất những giải pháp, gồm tiếp tục thúc đẩy nâng cao nhận thức về sự phát triển chung của Hải Phòng-Quảng Ninh có tác động qua lại, hữu cơ và gắn bó chặt chẽ với nhau, nhất là trong lĩnh vực du lịch; hai địa phương có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng những tua du lịch mới nhằm thu hút khách quốc tế; chủ động nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc dựa trên tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ các kinh nghiệm khác liên quan đến việc phát triển du lịch Cát Bà như mời gọi được các nhà đầu tư chiến lược; vai trò của truyền thông trong quảng bá hình ảnh Cát Bà; những giải pháp khắc phục tồn tại trong phát triển du lịch Cát Bà.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết quần đảo Cát Bà là nơi tập trung nhiều giá trị đặc biệt về sinh thái, cảnh quan, địa chất-địa mạo mang tầng quốc tế.
Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc công nhận quần đảo Cát Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới, là danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt, Vườn Quốc gia và khu bảo tồn biển của Việt Nam.
Nơi đây có 3.800 loài động thực vật với 81 loài được xếp vào nguy cấp, quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam, sách đỏ thế giới và danh mục các loài sinh vật cần được bảo vệ. Loài voọc Cát Bà là loại linh trưởng chỉ còn tồn tại duy nhất tại Việt Nam./.