Lượng khách du lịch tới Bình Thuận dịp Tết Dương lịch tăng và dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt là những tín hiệu lạc quan, mở ra cơ hội phục hồi tốt hơn cho hoạt động du lịch tại địa phương này.
Điều đó cũng giúp doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch mạnh dạn khởi đầu giai đoạn phục hồi với các kế hoạch kinh doanh toàn diện hơn về sản phẩm và dịch vụ, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Đảm bảo an toàn đi đôi với kích cầu
Theo kết quả khảo sát nhu cầu và tâm lý khách du lịch của Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Bình Thuận, có 67% du khách đến đây để tận hưởng các sản phẩm nghỉ dưỡng, thư giãn, sức khỏe; 48% lựa chọn hình thức đi riêng với nhóm gia đình và hơn 51% du khách mong muốn được ưu đãi trực tiếp về giá…
Nắm bắt nhu cầu và xu hướng du lịch của du khách, ngành du lịch Bình Thuận đẩy mạnh hoạt động kích cầu, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời tung ra sản phẩm đa dạng, ưu đãi dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2022.
Trải qua thời gian dài gặp khó khăn do chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, khu du lịch Unique Kê Gà Camping Resort ở xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam đang tích cực hoàn tất các khâu sửa chữa, nâng cấp, kịp thời mở cửa, nắm bắt “thời điểm vàng” để phục hồi - Tết Nguyên đán.
Bà Trương Thị Ngọc Dung, đại diện Unique Kê Gà Camping Resort, cho biết với chủ trương phục hồi du lịch nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí an toàn, dịp Tết sắp tới, đơn vị đưa vào hoạt động khoảng 70% công suất. Số còn lại được đơn vị dự phòng các trường hợp phát sinh hoặc xử lý tình huống ứng phó với dịch bệnh.
Đến thời điểm này, lượng đặt phòng dịp Tết Nguyên đán đạt công suất 60-70%. Đồng thời, đơn vị cắm biển báo và tổ chức lực lượng cứu hộ, cứu nạn đảm bảo an toàn đuối nước cho du khách.
Để kích cầu du khách dịp này, ngoài việc tung ra chương trình kích cầu đa dạng như giảm trực tiếp giá phòng từ 10-20% cho khách, giảm giá một số dịch vụ khác, Unique Kê Gà Camping còn tổ chức đào tạo lại cho nhân viên nhằm nâng cao quy tắc ứng xử, cung cách phục vụ và quy trình xử lý tình huống phát sinh dịch bệnh…
Năm nay, tỉnh Bình Thuận không tổ chức bắn pháo hoa, không tổ chức lễ hội và hạn chế hoạt động tập trung đông người dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, dù không tổ chức rầm rộ nhưng các cơ sở lưu trú du lịch tại Bình Thuận đều chuẩn bị một số hoạt động nhằm tạo sân chơi cho du khách như: gala chào Năm mới, trang trí không gian Tết Việt để du khách vui chơi, chụp ảnh…
Các doanh nghiệp du lịch nhận định rằng việc khách bắt đầu quay lại là tín hiệu tốt và có thể gia tăng thêm khi bước vào mùa nghỉ lễ lớn nhất năm là Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, dù các sản phẩm du lịch có nhiều thay đổi hấp dẫn, đa dạng hơn nhưng thực tế số lượng khách còn hạn chế do tâm lý của du khách còn e ngại.
Vì vậy, du lịch “xanh an toàn”, đảm bảo tính riêng tư và thiên về nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe tiếp tục là xu hướng chủ đạo của các sản phẩm du lịch dịp Tết năm nay ở Bình Thuận. Phần lớn các đơn vị đều xây dựng gói sản phẩm combo trọn gói thiên về chăm sóc sức khỏe, tắm biển, nghỉ ngơi, vận động, tập luyện trên biển, ẩm thực hải sản…
Theo bà Nguyễn Lan Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, chính sách kích cầu du lịch được coi là giải pháp quan trọng để từng bước khôi phục ngành kinh tế trọng điểm này. Việc đẩy mạnh các sản phẩm du lịch Tết sẽ là đòn bẩy để tái tạo lại thị trường sau thời gian dài chìm lắng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc kích cầu du lịch không còn đơn thuần là câu chuyện về giá mà du lịch Bình Thuận hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, cung cách phục vụ, đảm bảo cho du khách sự an toàn - những yếu tố quan trọng để thu hút du khách.
Làm mới sản phẩm cho giai đoạn sau phục hồi
Bên cạnh việc đẩy mạnh kích cầu, thu hút khách nội địa, du lịch Bình Thuận hướng tới làm mới sản phẩm cho giai đoạn phục hồi, trong đó khai thác, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch xanh, mang hình thức liên kết giữa các địa phương và đơn vị lữ hành.
Ngay khi vừa khởi động trở lại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kết nối với các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch tại thị trường trọng điểm ở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khảo sát và trải nghiệm một số điểm đến tiềm năng của Bình Thuận như: Hồ Hàm Thuận-Đa Mi, Thác Bà, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, hồ Biển Lạc, thác Ba Tầng...
[Bình Thuận: Tìm giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch]
Trên cơ sở kết quả chuyến khảo sát này, Bình Thuận sẽ có định hướng đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế về rừng, núi, hồ, thác để tạo nên sản phẩm du lịch dã ngoại độc đáo, hướng về thiên nhiên phát triển song hành với sản phẩm lợi thế về nghỉ dưỡng, thể thao biển.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Công ty trách nhiệm hữu hạn Du lịch Lửa Việt cho biết Bình Thuận nổi tiếng với các sản phẩm thế mạnh về biển. Tuy nhiên, tại một số địa phương ở Bình Thuận điển hình như khu vực Hàm Thuận-Đa Mi có tiềm năng lớn phát triển các loại hình du lịch khám phá, du lịch sinh thái, rừng, hồ, núi non không thua kém địa phương khác. Nếu được đầu tư khai thác, tour “lên rừng xuống biển” sẽ thu hút du khách đến và lưu trú tại Bình Thuận lâu ngày hơn.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Đề án quản lý, đầu tư, khai thác các tuyến, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố Phan Thiết (Phan Thiết City tour) giai đoạn 2021-2025.
Đề án được triển khai hướng tới phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách, qua đó góp phần tăng trưởng lượng khách, tăng doanh thu từ du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên du lịch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và khai thác du lịch tại các điểm tham quan, thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn phục vụ du khách.
Với việc thực hiện Phan Thiết City tour, năm 2022, Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung sẽ hình thành một số tuyến, điểm tham quan đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng để khai thác phục vụ du khách.
Cụ thể, các tuyến, điểm tham quan theo Đề án phải đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch như: có cảnh quan đẹp, sạch sẽ, an ninh, an toàn, cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ tốt, có quy trình đón tiếp, phục vụ thuyết minh…
Bên cạnh đó, một số dịch vụ bổ trợ sẽ được đầu tư, khai thác như: hệ thống phương tiện vận chuyển khách du lịch (xe buýt, xe điện, xích lô, xe đạp…), cơ sở ăn uống, mua sắm (siêu thị, cửa hàng tiện ích), khu vui chơi giải trí, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trung tâm thông tin hỗ trợ du khách, ứng dụng công nghệ du lịch thông minh…
Tiếp đó, ở giai đoạn 2023-2025, Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, khai thác tuyến, điểm tham quan mới, sản phẩm du lịch mới; hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du khách và tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các dịch vụ bổ trợ khác như khu mua sắm, giải trí về đêm, bến du thuyền…
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022, Bình Thuận đặt ra mục tiêu phấn đấu thu hút 4,5 triệu lượt khách (khách quốc tế có 220.000 lượt); doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 13.500 tỷ đồng...
Để đạt mục tiêu trên và hơn hết là phục hồi, phát triển ngành du lịch Bình Thuận thích ứng trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến như hiện nay, ngành du lịch tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và cách làm phù hợp, linh hoạt, sáng tạo theo lộ trình.
Ngành du lịch tính toán thận trọng theo từng mốc thời điểm rõ ràng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ kép “vừa khôi phục, phát triển, vừa phòng, chống dịch”./.