Du lịch Bình Thuận, không nên bỏ qua 4 món ngon hết sảy

Trong danh sách Top 100 Món ăn Đặc sản Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố, tỉnh Bình Thuận có 4 món ngon tiêu biểu gồm Lẩu thả Mũi Né, Mực 1 nắng Phan Thiết, Gỏi cá Phan Thiết, Lẩu cá bớp.

Món lẩu thả Phan Thiết của ngư dân Mũi Né dùng cá mai làm thành phần chủ đạo, được trang trí độc đáo theo triết lý âm dương, gồm kim, mộc, thủy, hỏa, thổ,… mang đến nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Món lẩu thả Phan Thiết của ngư dân Mũi Né dùng cá mai làm thành phần chủ đạo, được trang trí độc đáo theo triết lý âm dương, gồm kim, mộc, thủy, hỏa, thổ,… mang đến nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho ngư trường rộng lớn với diện tích khoảng 52.000 km2, nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản tại Bình Thuận đã được hình thành từ lâu đời và phát triển cho đến tận ngày nay.

Tại đây, các món ăn miền biển khá đa dạng từ các loại cá, hải sản và được người dân chế biến mang những nét đặc sắc riêng, không thể nhầm lẫn với bất kỳ nơi nào.

Trong danh sách Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố, tỉnh Bình Thuận có 4 món ngon tiêu biểu gồm Lẩu thả, Mực 1 nắng Phan Thiết, Gỏi cá Phan thiết, Lẩu cá bớp.

Lẩu thả Mũi Né

Đây là món ăn thường ngày của ngư dân vùng biển Mũi Né từ xa xưa. Nguyên liệu chính là cá mai sau khi được đánh bắt từ biển sẽ được làm sạch, ướp cùng gia vị, tỏi, ớt.

1311lautha1.jpg
Món lẩu thả của ngư dân Mũi Né dùng cá mai làm thành phần chủ đạo, được trang trí độc đáo theo triết lý âm dương, gồm kim, mộc, thủy, hỏa, thổ,… mang đến nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Lẩu thả lấy một động từ thuần Việt để làm danh từ cho tên gọi và cũng là tính từ để chỉ tính chất dân dã của món ăn. Thả vào nồi lẩu những thứ ăn được mà bổ dưỡng, tự nhiên của một miền biển. Lẩu thả cứ thế đi vào cuộc sống của ngư dân Mũi Né để khi nó bước vào thực đơn và lên bàn ăn đãi khách thì món ăn này cũng trở nên tinh tế không kém bất kỳ món ăn ngon nào khác.

Lẩu thả được bày trí khá đẹp mắt với đĩa cá mai là nhụy, cánh hoa là những bẹ bắp chuối chứa các món ăn kèm như bún, rau sống, thịt ba chỉ thái sợi, trứng chiên thái mỏng…

Thêm một điểm độc đáo, Lẩu thả có thể ăn theo 2 cách gồm ăn khô: trộn các món kèm với cá mai, nước sốt hoặc ăn nước: tương tự như các món lẩu thông thường.

Mực một nắng Phan Thiết

1311mucmotnang.jpg
Món Mực một nắng. (Ảnh: Lan Phương/Vietnam+)

Món mực một nắng Bình Thuận ra đời rất ngẫu nhiên. Xưa kia, khi ngư dân đi đánh bắt ngoài khơi, họ thảy mực lên chỗ có nhiều nắng để phơi cho ráo. Ban đầu, ngư dân chỉ nghĩ rằng làm vậy cho mực mau rút nước, chế biến sẽ dễ hơn. Nhưng khi thưởng thức, ai cũng nhận thấy món mực phơi nắng này rất giòn và ngọt. Từ ấy, mực một nắng trở thành đặc sản nổi tiếng của Bình Thuận.

Người dân Bình Thuận cho biết nếu muốn có mẻ mực một nắng ngon hảo hạng, phải lựa những con mực lá thật tươi. Nhất định phải sử dụng loại mực lá được đánh bắt tại biển Phan Thiết chứ không dùng mực ghim hay mực ống. Như vậy thì món mực một nắng mới đạt đến độ tuyệt kỹ.

Công đoạn phơi mực yêu cầu sự khéo léo rất cao. Mực chỉ được phơi “một nắng” trên vỉ hoặc lán từ sáng tới chiều chứ không phơi từ ngày này qua ngày khác. Điểm đặc biệt của mực một nắng Bình Thuận là dù thân mực đã ráo nước nhưng khi chế biến, thực khách vẫn cảm nhận được vị tươi rói và ngon ngọt trong từng thớ mực. Đó mới là thành công của món mực một nắng.

Mực một nắng có thể chế biến thành nhiều món như nướng muối ớt, chiên mắm, sốt me..

Gỏi cá Phan Thiết

1311goica.jpg
Gỏi cá Phan Thiết. (Nguồn: Báo Bình Thuận)

Gỏi cá Phan Thiết xuất hiện trên mâm cơm của người dân vùng biển Bình Thuận từ bao giờ vốn dĩ chẳng ai biết. Mọi người chỉ biết rằng từ rất lâu rồi, trên mâm cơm của bao thế hệ người dân vùng biển này đã có sự góp mặt của món ăn đặc biệt này.

Để có món gỏi cá ngon, người đầu bếp phải chọn được cá mai thật tươi. Sau đó, cá được đánh sạch vảy, bỏ xương, thái chỉ. Kế đến, cá sẽ được bóp cùng với chanh hoặc giấm, gừng cho chín tái. Cá mai sau khi được sơ chế sẽ đem trộn với nước sốt gỏi, nước sốt này được pha từ chanh, tỏi, ớt, đường, nước mắm ngon.

Khi thịt cá đã ngấm đều nước sốt, thêm rau húng, ngò gai, rau răm, hành tây, ớt, đậu phộng và mè rang lên trên. Món gỏi cá mai Phan Thiết lúc này đã sẵn sàng cho thực khách thưởng thức.

Gỏi cá thu hút thực khách với hương vị tươi mới, ngọt bùi của cá biển vừa cập bến, vị thanh mát của các loại rau kèm, chút giòn giòn của bánh tráng mè và đậm đà của nước chấm pha từ nuóc mắm Phan Thiết trứ danh. Tất cả hòa quyện cùng nhau tạo nên bản giao hưởng ẩm thực đặc sắc, độc nhất vô nhị chỉ riêng vùng biển này mới có mà thôi.

Lẩu cá bớp

1311cabop.jpg
Lẩu cá bớp. (Nguồn: Báo Bình Thuận)

Không có gì lạ khi lẩu cá bớp nằm trong danh sách chắc chắn phải ăn khi đến Phan Thiết.

Cá bóp (hay cá bớp) có tên khoa học là Rachycentron canadum sinh sống dọc theo các vùng biển Việt Nam, trong đó có Phan Thiết-Bình Thuận. Đây là loại cá thịt trắng, ngọt, giàu dinh dưỡng nên được người Phan Thiết chọn nấu món lẩu cá bóp.

Có mặt trên bàn ăn từ những hàng quán bình dân đến nhà hàng sang trọng, lẩu cá bớp thơm ngon mang đủ hương vị chua, cay, mặn, ngọt.

Lẩu cá bóp đậm đà hương vị biển, kết hợp cả tính âm dương, từ vị ngọt tự nhiên của cá, vị chua của me và cà chua, vị cay nồng của ớt… ăn kèm các loại rau tươi, bắp chuối, rau muống bào sợi, bún tạo nên món ăn mang nét quê dân dã./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục