Dự kiến tổ chức 14 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024

Năm 2024, dự kiến tổ chức 12 phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ phiên họp thứ 29 đến phiên họp thứ 40) và 2 phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 3 và tháng 8).

Quang cảnh một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Quang cảnh một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký chứng thực Nghị quyết 941/NQ-UBTVQH15 (ngày 25/12/2023) về chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị nội dung, xây dựng dự kiến và tổ chức thực hiện chương trình, chủ trì Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; tổ chức kỳ họp bất thường trong trường hợp cần thiết để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo triển khai nghiêm túc các quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội; tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, kỳ họp Quốc hội, phát huy tính dân chủ, pháp quyền, hiện đại, chuyên nghiệp, khoa học, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (dự kiến tháng 4 và tháng 8/2024), các cuộc họp, hội nghị khác để lấy ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, cơ quan, tổ chức hữu quan về một số dự án luật và các vấn đề quan trọng khác khi cần thiết.

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, năm 2025, bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, tập trung chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp tục thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp theo yêu cầu trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, tập trung chuẩn bị tổ chức hiệu quả phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp thường lệ của Quốc hội và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, tại Phiên họp tháng 8/2024, tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay.

ttxvn-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-9632.jpg
Quang cảnh một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Ngoài ra, triển khai hai chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024; xem xét báo cáo của 2 Đoàn giám sát của Quốc hội để báo cáo Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Chỉ đạo tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật gắn với công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Chỉ đạo tăng cường tổ chức các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trên cơ sở bám sát thực tiễn và phản ứng nhạy bén trước những vấn đề nổi lên, được cử tri và nhân dân quan tâm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân sự, chế độ chính sách theo đề nghị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước (nếu có).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Nghị quyết nêu rõ chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 liên quan đến công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế; Công tác dân nguyện; Hướng dẫn hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội; Hướng dẫn hoạt động của Hội đồng Nhân dân...

Năm 2024, dự kiến tổ chức 12 phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ phiên họp thứ 29 đến phiên họp thứ 40) và 2 phiên họp chuyên đề pháp luật (tháng 3 và tháng 8) để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về biện pháp thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ tập thể, đoàn kết, nỗ lực, nghiên cứu, cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động, chế độ làm việc bảo đảm khoa học, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn và các nội dung trong Chương trình công tác.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác lập pháp, trong đó, tập trung thực hiện các biện pháp đã được Quốc hội quyết định trong Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, "lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng pháp luật.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục