Dự kiến mở tuyến phà biển Cần Giờ-Vàm Láng trong năm 2024

Theo khảo sát của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và Tiền Giang, vị trí dự kiến mở bến tại Cần Giờ là khu vực cầu bến Đồng Hòa trên sông Hà Thanh-Đồng Hòa và tại Gò Công Đông là khu vực cảng cá Vàm Láng.
(Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tuyến phà biển vận tải hành khách, hàng hóa kết nối huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh)-Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) được Sở Giao thông Vận tải hai địa phương thống nhất đề xuất xây dựng tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đầu tư, qua đó có thể khai thác tuyến từ quý 2/2024.

Nội dung vừa được Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận phương án khai thác, chủ trương xây dựng tiêu chí và thành lập tổ công tác lựa chọn doanh nghiệp khai thác hoạt động tuyến vận tải hành khách, hàng hóa theo tuyến cố định bằng phà biển Cần Giờ-Vàm Láng.

Theo khảo sát của Sở Giao thông Vận tải hai địa phương, vị trí dự kiến mở bến tại phía Cần Giờ là khu vực cầu bến Đồng Hòa trên sông Hà Thanh-Đồng Hòa (gần cửa sông Soài Rạp) và tại Gò Công Đông là khu vực cảng cá Vàm Láng (cũ). Tuyến phà biển Cần Giờ-Vàm Láng dài khoảng 12 km, với thời gian hành trình 30 phút, tối thiểu 4 chuyến/ngày (4 lượt đi và 4 lượt về).

Việc đầu tư tuyến phà biển này do nhà đầu tư tự bỏ chi phí xây bến, phương tiện… với tổng vốn tối thiểu 120 tỷ đồng để đầu tư hai đầu bến Cần Giờ-Vàm Láng (55 tỷ đồng); 2 phương tiện thủy (60 tỷ đồng); nhà chờ, nhà giữ xe (5 tỷ đồng).

Về tiến độ, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết, sau khi được chấp thuận về phương án khai thác, chủ trương xây dựng tiêu chí và thành lập tổ công tác để lựa chọn doanh nghiệp đầu tư, Sở sẽ triển khai khai thác tuyến trong quý 2/2024.

Hiện tuyến vận tải hành khách, hàng hóa cố định từ huyện Cần Giờ đi tỉnh Tiền Giang bằng đường thủy chỉ khai thác bằng tàu gỗ, trọng tải thấp, chỉ vận chuyển được hành khách, hàng hóa và xe máy (không vận chuyển ôtô).

[Tuyến phà biển Cần Giờ-Vũng Tàu chính thức đi vào hoạt động]

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, việc khai thác phà biển Cần Giờ-Vàm Láng là rất cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, tăng cường kết nối huyện Cần Giờ đi các tỉnh bằng đường thủy, tạo điều kiện đột phá phát triển kinh tế xã hội và du lịch huyện Cần Giờ. Điều này cũng sẽ phát triển vận tải hành khách, hàng hóa giảm áp lực cho vận tải đường bộ.

Tuyến phà biền Cần Giờ-Vàm Láng đề xuất sử dụng hình thức lựa chọn doanh nghiệp để khai thác tuyến, không lập dự án đầu tư và sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai mô hình tương tự tại bến khách ngang sông Cần Giờ-Cần Giuộc (hoạt động từ tháng 8/2018) và tuyến phà biển Cần Giờ-Vũng Tàu (hoạt động từ tháng 12/2020).

Trong khi đó, theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, hiện kết nối giao thông thủy giữa Cần Giờ và Gò Công Đông là thông qua tuyến vận tải hành khách, hàng hóa cố định trên sông Soài Rạp.

Hoạt động vận tải tại các tuyến trên còn nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu của người dân tại chỗ; các cầu bến xây dựng tạm và phương tiện vận chuyển thô sơ, sức chở nhỏ, chỉ phục vụ vận chuyển người, hàng hóa xách tay và một số ít xe máy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục