Dự kiến Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 22/5

Dự kiến Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 22/5; bế mạc ngày 20/6/2023 (dự phòng ngày 21/6/2023), dự kiến, tổng thời gian Quốc hội làm việc tại kỳ họp này là 22 ngày.
Dự kiến Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 22/5 ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngày 10/4, tiếp tục Phiên họp thứ 22, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điều hành nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 và tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Trình bày Báo cáo Tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Kỳ họp bất thường lần thứ 4 diễn ra trong 0,5 ngày ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, kỳ họp bất thường đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra. Quốc hội đã bầu ông Võ Văn Thưởng giữ chức Chủ tịch nước.

Việc bầu Chủ tịch nước đã được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục theo quy định, nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận rất cao của các vị đại biểu Quốc hội.

[Nghị quyết về việc chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội]

Về chuẩn bị Kỳ họp thứ 5, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp đã và đang được các cơ quan hữu quan tiến hành khẩn trương nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời phục vụ kỳ họp.

Dự kiến Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 22/5; bế mạc ngày 20/6/2023 (dự phòng ngày 21/6/2023). Dự kiến, tổng thời gian Quốc hội làm việc tại kỳ họp này là 22 ngày.

Ngay sau Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực các Ủy ban phụ trách nội dung phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan, tổ chức có liên quan, Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tổ chức khảo sát, hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện các dự án, dự thảo... bảo đảm chất lượng các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Ông Bùi Văn Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan ngay sau phiên họp này tiếp tục khẩn trương hoàn thiện các nội dung để sớm gửi tài liệu đến các vị đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng cần có 1 tuần giữa kỳ họp nghỉ để cơ quan có điều kiện tiếp thu, chỉnh lý, nhất là khi có những nội dung được thông qua tại Kỳ họp theo quy trình 1 kỳ họp, nên việc có thời gian tiếp thu, tổng hợp là rất quan trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cũng ủng hộ phương thức tổ chức kỳ họp theo 2 đợt, trong đó có 1 tuần để cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến đại biểu kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng tốt hơn.

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cần tiếp tục thảo luận tại tổ để tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các đại biểu, qua đó chọn lọc vấn đề thấu đáo cho phiên thảo luận tập trung tại hội trường.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu ý kiến cho biết về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bên cạnh thảo luận tổ, đề nghị bố trí 1 ngày thảo luận ở hội trường về nội dung này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đồng tình với việc bổ sung chương trình kỳ họp nhưng lưu ý dự án luật nào đã rõ, đã chín, đủ hồ sơ mới đưa vào chương trình.

Để chuẩn bị tốt cho Kỳ họp thứ 5 tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phân công cụ thể cho từng Phó Thủ tướng Chính phủ, từng Bộ trưởng trực tiếp phụ trách từng dự án.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ qua thảo luận các ý kiến đều đánh giá cao công tác chuẩn bị của Tổng Thư ký Quốc hội, cũng như sự chuẩn bị chung của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan.

Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện báo cáo tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 4 gửi Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cơ quan hữu quan.

Về chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tiếp tục cập nhật nội dung chương trình theo nguyên tắc những nội dung đã chín, đủ rõ, chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng thuận cao mới đưa vào chương trình.

Về cách thức xây dựng Chương trình xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận các nguyên tắc, các quan điểm, trình tự, thủ tục phải đảm bảo đúng quy trình theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục