Theo Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải), hiện dự án cầu đường sắt Bình Lợi mới bắc qua sông Sài Gòn (nối quận Bình Thạnh và Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) đang được gấp rút thi công hoàn thiện và dự kiến trong tháng 9 tới, đơn vị chức năng sẽ tiến hành chạy thử tàu trên cầu Bình Lợi mới.
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án, cho biết tiến độ dự án chậm hơn một tháng so với kế hoạch.
Trong quá trình thi công, do quận Thủ Đức chưa hoàn thành thủ tục đền bù cho một hộ dân nên hộ dân cản trở không cho thi công lắp đặt nhịp dầm thép cuối cùng. Đến cuối tháng 7/2019, dự án mới có mặt bằng tiếp tục thi công.
Tại công trường, các công nhân đang gấp rút thi công những khâu cuối cùng để hoàn thiện dự án cầu đường sắt Bình Lợi mới.
[TP. HCM: Đề xuất bảo tồn nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi]
Tính đến nay, khối lượng dự án đạt khoảng 95%, các hạng mục cơ bản đã xong; cụ thể đã hoàn thành 15/15 mố trụ và 14/14 nhịp dầm, dàn thép.
Theo ông Hoàng Tuấn Khoát, hiện nay còn một số chi tiết của dự án đang được hoàn thiện, dự kiến đầu tháng Chín, sẽ tiến hành chạy thử tàu trên cầu mới. Tuy nhiên, do thời tiết liên tục mưa nên tiến độ dự án có thể bị ảnh hưởng.
Cầu Bình Lợi mới nằm trong dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc theo hình thức hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư là 1.302 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư cầu Bình Lợi mới khoảng 470 tỷ đồng.
Đây là dự án đầu tư nhằm thay thế cầu đường sắt Bình Lợi hiện hữu có tuổi đời hơn 100 năm. Cầu sắt Bình Lợi mới có chiều dài 1,3km, độ tĩnh không cao 7m.
Trong khi đó, cầu Bình Lợi cũ có tĩnh không chỉ 1,8m, dẫn đến nhiều vụ tàu thuyền đâm va vào cầu, gây gián đoạn tuyến đường sắt Bắc-Nam.
Trước đó, đầu tháng 8/2019, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi cũ. Đây là cầu được xây dựng từ năm 1900 và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 1902.
Cầu Bình Lợi cũ là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh và của ngành đường sắt Việt Nam.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Gao thông Vận tải chấp thuận phương án bảo tồn nguyên trạng hai nhịp cầu (có một nhịp cầu quay) và một tháng canh nhằm lưu giữ lại dấu tích của cầu đường sắt Bình Lợi cũ./.