Du khách Nam bộ đổ về du Xuân trên hòn Đá Bạc

Từ ngày 30 Tết đến nay, hòn Đá Bạc, Cà Mau, thu hút gần 50.000 người đến tham quan, trở thành điểm đến du Xuân của du khách Nam bộ.
Du khách Nam bộ đổ về du Xuân trên hòn Đá Bạc ảnh 1Từ ngày 30 Tết đến nay, hòn Đá Bạc thu hút gần 50.000 người đến tham quan. (Ảnh: TTXVN)

Vào những ngày đầu Xuân Giáp Ngọ, dòng người đông đúc đổ về tham quan, du Xuân tại khu du lịch hòn Đá Bạc thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Từ ngày 30 Tết đến nay, hòn Đá Bạc thu hút gần 50.000 người đến tham quan, trở thành điểm đến du Xuân của du khách Nam bộ.

Chị Lê Kiều Trang, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau tâm sự: "Tết năm nay, tôi cùng nhóm bạn rủ nhau đi du Xuân trên hòn Đá Bạc và chụp ảnh lưu niệm. Phong cảnh nơi đây đẹp lắm. Tôi thích nhất là quan sát những tảng đá màu trắng xám trông đẹp mắt nằm chồng chất lên nhau tạo nên bức tranh sinh động, thích thú vui câu cá và thưởng thức âm thanh du dương của sóng biển. Khi chiều xuống mọi người không quên ngắm vẻ đẹp hoàng hôn và cảnh mặt trời lặn."

Nhân chuyến về Cà Mau đón Tết cùng người thân, anh Nguyễn Văn Khánh, quê Thành phố Hồ Chí Minh đã dành thời gian đến tham quan hòn Đá Bạc vốn nổi tiếng gần xa. Anh Khánh chia sẻ: "Ngồi xe taxi đi từ thành phố Cà Mau đến khu du lịch hòn Đá Bạc mất chưa đầy một tiếng đồng hồ, giao thông thông suốt nên đảm bảo an toàn, tạo cảm giác thoải mái. Đặt chân lên hòn Đá Bạc, tôi cảm nhận như lạc vào chốn thần tiên vì xung quanh là những thảm rừng nguyên sinh nhiều năm tuổi. Điều thú vị nữa, đây cũng là lần đầu tiên tôi cùng gia đình du Xuân, đón Tết trên cụm hòn đảo này."

Gần nửa ngày tham quan, khám phá "bí mật" của hòn Đá Bạc, anh Khánh và nhiều du khách nhận định, đây chính là điểm đến lý tưởng dành cho du khách thích chiêm ngưỡng cảnh đep thiên nhiên và tìm hiểu về di tích lịch sử, truyền thống cách mạng và khám phá những sự tích huyền bí về bàn tay tiên, bàn chân tiên, giếng tiên, Phật bà Nam Hải, Lăng thờ cúng cá Ông của ngư dân vùng biển Cà Mau.

Cụm hòn Đá Bạc có diện tích rộng hơn 6,4ha, được liên kết bởi ba hòn đảo nhỏ: Hòn Ông Ngộ, hòn Trọi và hòn Lớn. Vị trí cụm đảo nằm cách đất liền chỉ khoảng 500m nên rất thuận lợi cho du khách đến tham quan di tích lịch sử và ngắm cảnh đẹp thiên nhiên hòn Đá Bạc bằng cả đường bộ và đường thủy.

Ông Lê Công Uẩn, Trưởng Ban quản lý Di tích tỉnh Cà Mau cho biết: Hòn Đá Bạc đã được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Để phục vụ người dân và du khách đến tham quan du lịch vào dịp lễ, Tết, Bộ Công an đã đầu tư kinh phí khoảng 50 tỷ đồng xây dựng Tượng đài Bảo vệ an ninh tổ quốc, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà truyền thống trưng bày hơn 500 hình ảnh tư liệu và hiện vật minh chứng cho chiến công vang dội của Chuyên án CM12.

Hòn Đá Bạc không chỉ gây sự chú ý, hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp "trời phú" mà còn nổi tiếng với nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử tạo nên điểm nhấn cho khu du lịch đặc trưng nơi vùng biển, đảo cực Nam Tổ quốc.

Trong những năm qua, Cà Mau đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá nhằm khai thác tối đa thế mạnh, tiềm năng du lịch biển, đảo gắn với tham quan di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên. Mặc dù, hòn Đá Bạc là địa điểm du lịch nổi tiếng ở tỉnh Cà Mau, nhưng chỉ thu hút đông đảo người dân và du khách vào những ngày lễ, Tết.

Ông Dương Huỳnh Khải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: Cách tổ chức hoạt động du lịch nơi đây chưa chuyên nghiệp nên chưa thể giữ chân du khách quay trở lại. Năm 2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với công an tỉnh tổ chức lại các hoạt động khai thác du lịch, khai thác di tích thật hiệu quả. Trước mắt, tỉnh sẽ tính toán lại việc tổ chức các dịch vụ phục vụ du lịch đa dạng, phong phú tạo sự hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước; đồng thời củng cố, bổ sung và đào tạo đội ngũ nhân viên, tiếp viên làm công tác giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch hòn Đá Bạc nói riêng và du lịch Cà Mau nói chung./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục