Du khách Mỹ bị thổ dân Ấn Độ Dương bắn chết bằng cung tên

Gần như không có cách nào tiếp cận được Sentiel, bộ tộc đang bị đe dọa ở quần đảo Adaman và Nicobar. Họ rất dễ bị tổn thương nếu tiếp xúc người lạ và sẵn sàng tấn công người ngoài nếu cố tiếp xúc.
Du khách Mỹ bị thổ dân Ấn Độ Dương bắn chết bằng cung tên ảnh 1Những người địa phương và du khách đi qua hòn đảo đều bị tấn công bằng cung tên. (Nguồn: BBC)

Theo BBC, một người đàn ông Mỹ đã bị sát hại bởi một bộ tộc đang bị đe dọa ở quần đảo Adaman và Nicobar ở Ấn Độ.

Những ngư dân đã đưa người đàn ông này tới đảo Bắc Sentinel cho biết những người của bộ tộc đã bắn tên vào người đàn ông này và bỏ lại xác trên bờ biển.

Người đàn ông này đã được nhận diện là John Allen Chau, 27 tuổi đến từ Alabama, Mỹ.

Việc tiếp xúc với bộ lạc Sentinel sống ở Andaman, vốn đang bị đe dọa và sống tách biệt với thế giới, là bất hợp pháp vì những dịch bệnh bên ngoài sẽ gây ra mối đe dọa đối với họ.

Theo ước tính, người Sentinel, vốn sống hoàn toàn tách biệt với nền văn minh bên ngoài, chỉ có dân số từ 50 đến 150 người. Cảnh sát cho biết 7 ngư dân đã bị bắt vì đã đưa người đàn ông Mỹ này đến hòn đảo một cách trái phép.

Truyền thông địa phương đưa tin rằng Chau có thể muốn gặp bộ tộc này để truyền bá Cơ Đốc giáo cho họ. Nhưng trên mạng xã hội, người thanh niên trẻ này thể hiện mình là một người thích du lịch và ưa phiêu lưu.

“Cảnh sát cho biết trước đó Chau đã tới thăm đảo Bắc Sentinel khoảng 4-5 lần với sự trợ giúp của các ngư dân địa phương,” phóng viên Subir Bhaumik, người đã dành nhiều năm để đưa tin về những hòn đảo ở đây, cho biết với BBC Hindi.

[Bộ lạc bí ẩn ở Amazon bất ngờ xuất hiện, dùng cung bắn chết người]

“Số người thuộc bộ tộc Sentinel ít ỏi đến nỗi họ thậm chí không biết cách sử dụng tiền. Trên thực tế, bất kỳ sự tiếp xúc nào với họ cũng là bất hợp pháp.”

Du khách Mỹ bị thổ dân Ấn Độ Dương bắn chết bằng cung tên ảnh 2John Allen Chau. (Nguồn: Daily Mail)

Năm 2017, chính phủ Ấn Độ cũng đã tuyên bố rằng việc chụp ảnh hay quay phim các bộ tộc thổ dân ở Andaman sẽ bị trừng phạt với mức phạt lên tới 3 năm tù giam.

Hàng tin AFP trích dẫn một nguồn tin cho biết Chau đã thất bại khi tìm cách đến hòn đảo vào ngày 14/11. Nhưng 2 ngày sau, Chau đã thử một lần nữa.

“Anh ta đã bị tấn công bằng tên nhưng vẫn tiếp tục bước đi. Các ngư dân đã nhìn thấy các thành viên bộ lạc buộc dây thừng quanh cổ và kéo xác anh ấy đi. Họ cảm thấy sợ hãi và đã bỏ chạy,” bài báo cho biết.

Người ta đã phát hiện ra xác của Chau vào ngày 20/11. Theo tờ Hindustan Times, họ vẫn chưa đưa được xác của Chau trở về.

“Đây là một trường hợp khó khăn đối với cảnh sát,” Bhaumik cho biết. “Người ta thậm chí không thể bắt giữ những người Sentinel.”

Hai ngư dân Ấn Độ đánh cá trái phép ngoài khơi đảo Bắc Sentinel cũng đã bị bộ lạc trên đảo sát hại vào năm 2006.

Bắn tên vào máy bay trực thăng

Phóng viên Geeta Pandey của BBC News ở Delhi cho biết: "Lần đầu tiên tôi nghe nói về người Sentinel là vào năm 2004, ngay sau thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương. Khi đó, tôi đang có mặt tại buổi họp báo hàng ngày của chính quyền vài ngày sau khi họ nói với chúng tôi rằng các thành viên của bộ lạc sống tách biệt đã sống sót."

“Một chiếc trực thăng tuần tra của hải quân đã bay qua đảo Bắc Sentinel thuộc quần đảo nơi người Sentinel sinh sống để xem xét tình hình. Khi máy bay hạ thấp độ cao một chút để quan sát tốt hơn, các thành viên bộ tộc bắt đầu bắn tên về phía máy bay. ‘Do vậy, chúng tôi biết được rằng họ đã an toàn,’ viên phi công nói với chúng tôi.”

Các tổ chức toàn cầu như tổ chức Sống sót Quốc tế có trụ sở tại London đã tổ chức các chiến dịch vận động để bảo vệ các bộ lạc bản địa sinh sống ở quần đảo Andaman.

Bộ lạc này sống trên một hòn đảo của riêng họ, gần bằng kích thước của Manhattan, nhưng những gì chúng ta biết về họ chỉ là nhờ quan sát họ từ xa.

Du khách Mỹ bị thổ dân Ấn Độ Dương bắn chết bằng cung tên ảnh 3

Nỗi sợ hãi “có thể hiểu được”

Stephen Corry, Giám đốc quốc tế của tổ chức này, đã gọi vụ việc này là một “bi kịch không bao giờ được phép diễn ra.”

“Người Sentinel đã hết lần này đến lần khác cho thấy rằng họ muốn được để yên, và mong muốn của họ phải được tôn trọng,” ông cho biết.

“Việc Anh xâm chiếm quần đảo Andaman làm thuộc địa đã tàn phá các bộ lạc sinh sống tại đây, khiến hàng nghìn người dân bộ lạc thiệt mạng, và giờ đây chỉ còn một phần rất nhỏ dân số ban đầu còn sống sót. Do vậy, người ta hoàn toàn có thể hiểu được nỗi sợ hãi của người Sentinel đối với người ngoài.”

Hai bộ lạc thổ dân đang bị đe dọa của Andaman là Jarawa và Sentinel là những người săn bắt-hái lượm, và sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài sẽ khiến họ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh.

Người Sentinel đặc biệt dễ bị tổn thương. Vì sống tách biệt hoàn toàn, nên có khả năng họ không có sự miễn dịch đối với ngay cả những bệnh thông thường như cúm và sởi.

“Việc người Sentinel có thể bị nhiễm các tác nhân gây bệnh chết người mà họ không có kháng thể chống lại chúng là hoàn toàn có thể xảy ra, và toàn bộ bộ lạc có thể bị xóa sổ,” Corry cho biết.

Nhiều tổ chức cũng đã lên tiếng thể hiện mối quan ngại về người Jarawa - một bộ lạc có tiếp xúc ở mức độ nào đó với thế giới bên ngoài, trong đó có một con đường đi qua lãnh thổ của họ, vốn được một số du khách lựa chọn cho các chuyến du lịch “đồng cỏ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục