Du khách duy nhất được chấp nhận đến Bhutan kể từ khi dịch bùng phát

Nữ du khách người Mỹ Fran Bak là trường hợp đầu tiên và duy nhất được cấp thị thực, kể từ khi đất nước Bhutan đóng cửa biên giới vào tháng 3/2020, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Bà Fran Bak, người Mỹ là du khách duy nhất được đến Bhutan sau dịch. (Nguồn: CNN)

Nữ du khách người Mỹ Fran Bak hiện là trường hợp đầu tiên và duy nhất được cấp thị thực, kể từ khi đất nước Bhutan đóng cửa biên giới vào tháng 3/2020.

Fran Bak lần đầu tiên đến “Vùng đất Rồng sấm” Bhutan vào cuối năm 2019. Sau khi người chồng qua đời vào năm 2018, bà Bak bắt đầu theo đuổi một cuộc hành trình tâm linh, khi quyết định du hành đến Bali, Ấn Độ và Bhutan.

Suốt 6 tháng ở tại Bali, bà Bak đã làm quen và bắt đầu tập luyện phương pháp thiền định bằng tiếng cồng. “Một ngày nọ, tôi thức dậy và tự nhủ rằng, tôi sẽ mang cồng này đến Bhutan,” bà Bak nói với CNN travel.

Thông qua một công ty du lịch mang tên MyBhutan, bà Bak đến Bhutan dưới sự hướng dẫn của hai người bạn đồng hành là Gambo - tài xế lái xe và anh chàng hướng dẫn viên du lịch Tashi.

[Ấn Độ đón du khách nước ngoài nhập cảnh qua các chuyến bay thuê bao]

Ban đầu, bà Bak nghĩ rằng hai người bạn đồng hành người Bhutan quá im lặng. Hai người bạn thì nghĩ rằng tiếng cồng của Bak thật sự ồn ào và gây phiền đến họ.

Nhưng trong một chuyến thăm đến làng quê Nabji của Gambo ở miền trung Bhutan, Bak bị ốm và dân làng đã chăm sóc bà nhiệt tình. Kể từ đó, những mối quan hệ sâu sắc đã được hình thành. Bà Bak cùng Gambo và Tashi đã cùng nhau đến thăm 18 trong số 20 quận của Bhutan và xem nhau như người trong gia đình.

Sau khi bà rời khỏi Bhutan vào tháng 2/2019, họ vẫn giữ liên lạc và nói chuyện với nhau qua WhatsApp.

Bà Bak không chỉ yêu quý người dân nơi đây mà còn đắm chìm vào vẻ đẹp của những vùng nông thôn dân dã, nơi mà bà gọi là “cảnh đẹp trong mơ.”

Matt DeSantis, người đồng sáng lập công ty du lịch MyBhutan, là một trong số ít người nước ngoài có cơ hội sinh sống lâu dài như một người nước ngoài ở Bhutan. DeSantis cũng là người có công trong việc đưa bà Bak trở lại Bhutan, như một trường hợp thử nghiệm cho việc mở cửa trở lại đất nước này có thể diễn ra như thế nào.

Anh De Santis cho biết: “Để được cấp visa, Fran Bak cần phải nhận được sự chấp thuận từ Hội đồng Du lịch, Bộ Di trú và Lực lượng đặc trách phòng chống COVID-19. Fran Bak là người tạo ra bước đột phá về nhiều mặt và là tia sáng hy vọng cho ngành du lịch Bhutan sau đại dịch.”

Dù đã được cấp visa, Bak vẫn còn phải vượt qua nhiều trở ngại nữa trong hành trình trở lại Bhutan. Trước tiên, bà phải chấp nhận thực tế rằng lịch bay có thể thay đổi liên tục và bị hủy bất kỳ lúc nào. Khi tới nơi, bà phải xét nghiệm COVID-19, sau đó trải qua ba tuần cách ly, trước khi được trở lại khám phá vùng đất bà yêu mến. Nhưng Bak tin rằng những trở ngại đó hoàn toàn xứng đáng để đánh đổi lấy các trải nghiệm tuyệt vời ở Bhutan.

Cho đến nay, bà Bak không phải là người duy nhất tìm thấy sự thanh thản ở Bhutan. Vào những năm 1970, khi bắt đầu mở cửa du lịch, vương quốc này đã thành lập Ủy ban Tổng hạnh phúc quốc gia, một cơ quan có trách nhiệm đảm bảo mọi thứ của đất nước đóng góp cho hạnh phúc nói chung và hạnh phúc của người dân Bhutan, thăm dò định kỳ người dân Bhutan về chín lĩnh vực chính của hạnh phúc gồm tâm lý tốt, sức khỏe, giáo dục, quản trị tốt, hệ sinh thái, thời gian sử dụng, sức sống cộng đồng, văn hóa và mức sống.

Chính phủ phải tính đến những yếu tố này khi xem xét một luật hoặc chính sách mới.  Bhutan đã cấm sử dụng tất cả các loại túi nilon vào năm 1999. Thuốc lá cũng bị đưa ra ngoài vòng pháp luật, vì vậy Bhutan tự gọi mình là quốc gia không hút thuốc đầu tiên trên thế giới.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, việc đến Bhutan du lịch cũng cần phải có sự đồng ý và phối hợp nhịp nhàng từ nhiều cơ quan.Tất cả các thị thực du lịch phải được cấp thông qua một công ty điều hành tour du lịch được chính phủ phê duyệt và mức thuế hàng ngày bắt buộc là 250 USD được áp dụng cho mọi du khách.

Bhutan đang dần phục hồi trở lại với du lịch và dự định mở cửa vào khoảng giữa tháng 12 năm nay. Gần 90% người trưởng thành trên toàn đất nước đã được tiêm phòng vào tháng 7 vừa qua. Đây là một thành tựu vô cùng lớn tại một đất nước có nhiều người sống ở những ngôi làng hẻo lánh mà không có phương tiện giao thông công cộng.

Vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck đã đi khắp đất nước bằng ngựa cũng như đi bộ để khuyến khích người dân tiêm phòng. Ông cũng gặp gỡ các nhân viên y tế và tình nguyện viên để cảm ơn họ đã tham gia vào quá trình triển khai tiêm vaccine./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục