Du khách đổ xô lên núi thiêng Uluru ở Australia trước khi bị đóng cửa

Núi Uluru được mở cho khách du lịch leo núi trong suốt 16 năm qua, nhưng cách đây hai năm chính quyền địa phương đã quyết định từ ngày 26/10/2019 đóng cửa hoàn toàn ngọn núi để gìn giữ môi trường.
Du khách leo núi Uluru. (Nguồn: AFP)

Du khách từ khắp nơi trên thế giới đang đổ về ngọn núi thiêng Uluru thuộc quần thể Công viên quốc gia Uluru-Kata Tjuta trước khi địa điểm này bị đóng cửa vĩnh viễn theo nguyện vọng của người dân bản địa Anangu.

Núi Uluru được mở cho khách du lịch leo núi trong suốt 16 năm qua, nhưng vào năm 2017 chính quyền địa phương đã quyết định đóng cửa hoàn toàn ngọn núi này từ ngày 26/10/2019 vì muốn gìn giữ môi trường tại đây, bảo tồn văn hóa của thổ dân, cũng như đảm bảo an toàn cho du khách.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 400.000 lượt du khách tới thăm ngọn núi này. Những đoàn người xếp hàng dài leo lên núi Uluru được so sánh với những hàng người leo núi Everest gần đây.

[Độ bao phủ của rạn san hô Great Barrier giảm mạnh hơn cảnh báo]

Uluru, hay còn gọi là Ayers Rock, là một ngọn núi đá nguyên khối khổng lồ thuộc dãy núi Ayers nằm ở vùng lãnh thổ phía Bắc Australia, cách thị trấn lớn gần nhất là Alice Springs 450km đường bộ. Núi cao 348m và có tổng chu vi là 9,4km.

Nhìn từ xa, bề ngoài của "khối đá khổng lồ" Uluru tròn và bóng nhẵn màu nâu cam đặc trưng, toàn vẹn một khối và không có cây cối. Điều đặc biệt nhất ở núi đá này chính là khả năng tự đổi màu vào các thời điểm khác nhau trong ngày.

Lúc bình minh, toàn bộ khối đá màu đỏ nhạt, đến giữa trưa là màu đỏ cam phản chiếu ánh Mặt Trời, trong khi về chiều núi đá chuyển sang màu đỏ thẫm hoặc tím thẫm, và đêm xuống là màu vàng nâu.

Uluru được người Anangu coi trọng như một ngọn núi linh thiêng và việc leo núi được xem là thiếu tôn trọng. Núi đá thiêng này đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục